Đánh lấy lại lô cốt cột cờ đồi C1 Điện Biên Phủ (Ngày 31-3-1954)

(VOV5)- Những câu chuyện chân thực và đầy xúc động của những nhân chứng sống tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ đã được thể hiện đậm nét thông qua 1810 bài dự cuộc thi viết “Ký ức Điện Biên,” do Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam phối hợp với Đài Tiếng nói Việt Nam tổ chức.  

Các bài thi đã đưa người đọc trở về giai đoạn gian khổ nhất nhưng cũng hào hùng nhất của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, khi cả nước bước vào những trận đánh quyết định cuối cùng. Chiến dịch Điện Biên Phủ được các tác giả dựng lại một cách sinh động và chân thật hơn bất cứ một tài liệu lịch sử chính thức nào, đem lại cái nhìn vừa toàn cảnh, vừa cụ thể, chi tiết tới từng nẻo đường chiến dịch, từng bước chân chiến sỹ, từng góc chiến hào, từng trận đánh.

Đài TNVN giới thiệu cùng bạn đọc loạt bài từ cuộc thi này, mà dưới đây là tác phẩm đoạt giải nhất của cuộc thi Ký ức Điện Biên.

 ***

Đánh lấy lại lô cốt cột cờ đồi C1 Điện Biên Phủ (Ngày 31-3-1954) - ảnh 1
Trung đoàn 98 (Đại đoàn 316) tiêu diệt quân Pháp còn kiểm soát một nửa đồi C1
 (Ảnh tư liệu)


Đánh trận Đồi Xanh 5/3/1954, tôi bị thương vào bàn chân phải, đi viện tiền phương hơn 15 ngày thì được ra viện, hăm hở xuyên rừng về ngay đơn vị. Hai ngày sau được Đại Đội trưởng Nguyễn Văn Thuỷ đến thăm và hỏi:

- Song mới đi viện về à ?

Tôi trả lời:

 - Vâng ! – Anh Thuỷ nói tiếp :

- Cái chân thế nào rồi ? – tôi trả lời :

- Đã đỡ rồi ạ . Anh Thuỷ bảo :

- Hôm nay Đại đội điều Song sang xung kích , không ở trung liên nữa nhé ! Sang làm tiểu đội trưởng xung kích mũi nhọn cho Đại đội .

Anh Thuỷ giải thích là: “ Mũi nhọn phải là đi đầu, khi có việc quan trọng là phải lên chiến đấu, biên chế phải nghiêm chỉnh, chọn những người khoẻ mạnh và dũng cảm. Những tổ mũi nhọn được nhắc đến khi mở màn một trận đánh hay những lúc gay cấn nhất!”

Tôi lên thay anh Hợp Tiểu đội trưởng là có nguyên do! Mấy hôm trước đi đào hầm, đơn vị thấy anh có vẻ ngại nên được đưa về tuyến sau . Đại đội trưởng Thuỷ nói tiếp :

- Đồng chí Hợp về tuyến sau. Đồng chí Song thay .

Anh Hợp khóc. Nói với Đại Đội trưởng Thuỷ xin lại Đại đội , xin làm Tiểu Đội Phó cho tôi .

Hợp với tôi thân nhau từ ở Thái Nguyên , khi còn đang làm nhiệm vụ huấn luyện .

Tôi nhận nhiệm vụ Tiểu đội Trưởng đang củng cố hầm hào , kiểm tra vũ khí, giao cho Hợp khẩu trung liên đi tổ sau cùng. Tôi đi đầu cùng tổ xung kích .

Chiều ngày 31/3/1954 , khoảng 14 giờ, Đại đội Trưởng Nguyễn Văn Thuỷ cho liên lạc gọi tôi lên giao nhiệm vụ. Đồng chí Thuỷ nói :

- Song đã biết rồi, hôm qua ( 30/3) D215 đã đánh chiếm toàn bộ đồi C1. Nhưng địch đã phản kích chiếm lại C1, đến nay tình hình chưa rõ… Bây giờ cậu đưa một tổ lên quan sát thật cụ thể , địch đã chiếm hết C1 chưa? Xuống báo cáo tôi ngay.

Lúc đó đồng chí Đặng Ngọc Lý D phó 439 , cũng đứng ở đấy nhìn tôi nói :

- Song cố gắng lên nhé !

Nhận nhiệm vụ tôi tự nhủ mình phải quyết tâm thực hiện bản Quyết tâm thư viết ngày 12-3-1954.

Nhận lệnh về, tôi chọn ba đồng chí Thịnh, Hối, Cà đều là dân Thái Bình đã từng ở hậu địch quen với súng đạn. Bốn người bò lên, tôi nghĩ không biết địch đã chiếm hết C1 chưa ?...

Trên đường khoảng hai trăm mét, anh em mình hy sinh, bị thương nằm ở đó, máu, bùn nhầy nhụa. Trong chiến hào, có người bị thương chưa được băng. Bốn người chúng tôi dừng lại băng cho hai, ba anh em. Tôi gặp anh Đọn (Mùi) người cùng quê, nhập ngũ một ngày với tôi. Anh bị thương vào đầu, ở hàm, không nói được gì …gần đột phá khẩu có bốn hố bom, đi đến chỗ cái hố bom gần nhất sâu khoảng bốn, năm mét, rộng khoảng hai mươi lăm, ba mươi mét. Những đồng chí tiến lên lần trước đều đi bên phải hố bom, từ đồi C2 bên cạnh, địch nó bắn 2 khẩu đại bác bốn nòng sang, quân ta thương vong nhiều. Không vượt lên được, tôi trông thấy ba đồng chí hy sinh dưới hố bom.

Tôi bảo anh em ta đi về phía bên trái hố bom, tuy khó đi vì vướng nhiều dây thép gai, lại trời mưa trơn và có thể có mìn, đi không cẩn thận dễ rơi xuống hố bom. Tôi nói anh em lấy xẻng Mỹ gập lên như cuốc, vừa cuốc vừa bò đi rất chậm. Thay nhau cuốc thành bậc đi theo sườn trái lên, bốn người chúng tôi đã lên an toàn , nếu trượt chân thì kéo nhau lên!

Qua khỏi hố bom khoảng bốn mươi mét thì lên đến cách chân lô cốt còn độ mười lăm mét nữa . Tôi bảo Thịnh cầm súng trường Mát bật lưỡi lê cho mũ vào giơ lên xem địch có bắn không ? Ngoáy mũ một lúc không thấy gì , tôi bắn một băng tiểu liên lên lô cốt, ném quả lựa đạn khói cũng không thấy gì. Tôi bảo ba người ở lại đào hào nếu địch đến đánh , còn tôi về báo cáo anh Thuỷ .

Tôi chạy về , vừa đi , vừa thương anh em thương binh liệt sỹ mình nằm trong bùn máu, nhưng vẫn phải đi cho nhanh kịp về báo cáo với Đại đội Trưởng .

Địch bắn cầm canh, chốc chốc lại một loạt đạn bên C2 bắn sang. Tôi vừa bò vừa chạy trượt ngã liên tục, tôi trông thấy anh Thuỷ trong hầm chỉ huy ở ngã sáu chiến hào, đang đợi . Thấy tôi anh Thuỷ hỏi :

-Tình hình thế nào ?

Tôi mệt quá ngồi thở không nói được , quần áo đầy bùn máu . Anh ra đỡ tôi , tưởng tôi bị thương. Đỡ mệt tôi nói to :

-Báo cáo Đại đội Trưởng, địch chưa chiếm hết được đồi C1!

Anh hỏi : Thật không ?

-Thật ! – Tôi báo cáo.

Anh Thuỷ rất mừng, vỗ vào đùi một cái rồi chạy ngay vào hầm gọi điện thoại. Độ năm phút sau, anh quay ra hạ lệnh cho tôi :

-Song, đưa Tiểu đội lên đánh lấy “lô cốt cột cờ và đồi C1” ngay, sẽ có chi viện tiếp.

Tôi chấp hành mệnh lệnh dẫn ba đồng chí đi trước và giao cho đồng chí Hợp Tiểu đội phó đi cuối cùng. Yêu cầu mỗi người cách nhau năm mét đến tám mét .

Khi tiến đến lô cốt đầu cầu và vẫn đi bên trái hố bom rồi nhảy xuống giao thông hào bắn mấy phát tiểu liên . Người tôi gặp đầu tiên là đồng chí Hoàng Niệm Chính - trị viên Tiểu đoàn 215 (D215). Tôi thấy mặt anh đen xì, tay cầm quả lựa đạn mỏ vịt của Mỹ , giơ lên định ném … Tôi sung sướng reo lên : anh Niệm , anh Niệm ! Tôi Song đây !!!! (Tôi làm liên lạc cho anh Hoàng Niệm từ chiến dịch Tây Bắc trên đường hành quân lên Điện Biên Phủ lần thứ nhất cuối năm 1952)

Anh Niệm rất mừng khi thấy chúng tôi . Anh hỏi: có súng Trung liên không? đông không? tôi báo cáo: một tiểu đội.

- Trong lô cốt chỉ có anh và một anh chiến sỹ bị thương băng ở đầu …

Anh Niệm bảo tôi phải tìm chỗ để đặt trung liên phía bên phải, xung phong theo hào phía bên trái, cẩn thận đấy, địch đang ở lô cốt cột cờ cao hơn.

Tôi dẫn đồng chí Hựu đặt trung liên, Hựu đang đưa khẩu súng trung liên lên miệng giao thông hào thì bị địch bắn vào đầu, tôi chạy lại băng bó, bế Hựu vào lòng. Máu nóng của Hựu chảy vào da thịt tôi ướt ra quần áo. Hựu nắm rất chắc tay tôi rồi từ từ tắt thở …Tự nhiên tôi thấy người lặng đi rất khó thở … Hựu là người dân tộc Cao Lan , cùng học trung liên với tôi năm 1952…

Anh Hoàng Niệm đứng sát tôi , vỗ vỗ vai nói :

- Chiến đấu khó tránh khỏi hi sinh … Song bình tĩnh! Bình tĩnh lại !!!

Tôi quấn dù cho Hựu và đưa vào hầm …

Tôi phân công cho Danh bắn trung liên (Danh đã đánh trận đồi xanh ngày 3/3). Hối lắp đạn và chọn chỗ đặt trung liên an toàn, phân công Cà quan sát nhìn ký hiệu để bắt liên lạc .

Tôi và Thịnh bàn nhau và chuẩn bị bò lên đánh lô cốt cột cờ. Quan sát thấy rõ hai khẩu trung liên và mấy cái đầu đội mũ sắt nhấp nhô ở lô cốt cột cờ. Tôi bò ở giao thông hào bên trái thấy bốn đồng chí đã hi sinh trong chiến hào dài khoảng mười hai mét , độ sâu chỉ còn khoảng ba mươi phân , lách người nhẹ nhàng để trườn đi tránh địch trông thấy. Đến một ngách nhỏ gặp đồng chí bị thương cả hai chân, tay lăm lăm quả lựu đạn “chày” đã mở nắp nhìn tôi thều thào nói :

- Địch ở cột cờ…

 Và đưa cho tôi quả lựu đạn đó.

Tôi nhận ra quả lựu đạn, tự nhủ: mình phải quyết tâm chiến đấu lấy lại lô cốt cột cờ. Tôi dùng một đoạn dây thép gai uốn cong vào mảnh bao tải cuốn lên dây thép để quan sát địch qua khe bao tải, bò nhích gần lên cách địch chừng mười lăm, mười sáu mét rồi ra lệnh để đồng chí Danh bắn trung liên. Lập tức tôi ném hai quả lựa đạn lên lô cốt cột cờ ( trong đó có một quả của đồng chí bị thương đưa ). Khẩu trung liên của địch tung lên , địch kêu lên ối , ối!.. Tôi ném quả lựa đạn khói nổ mù mịt rồi hô xung phong . Thịnh cũng xung phong lên . Tôi vừa chạy vừa bắn tiểu liên . Đến nơi thì thấy một tên Tây đen chết, hai tên bị thương nằm gần khẩu trung liên thứ hai . Tôi và Thịnh bắn mấy tên địch chạy xuống lô cốt số sáu và sang C2(*) .

Mừng quá , chiếm được lô cốt cao nhất rồi. Tôi đứng lên miệng giao thông hào vẫy gọi anh Niệm.

 Anh Niệm đến từ lúc nào, đẩy mạnh vai tôi xuống giao thông hào. Anh nói:

- Sao cậu dại thế ?

Khi ấy tôi mới nghĩ ra nếu địch bắn thì sao ?

Tôi đánh tiếp lô cốt số sáu gần C2 nhất. Trên đường hào đến lô cốt, nhiều xác địch chết chưa chôn thối ghê … Tôi dẫm phải bụng một tên nổ đến bốp một cái, một chiếc giày ba ta đi bên chân phải của tôi bị tụt vào bụng một lính tây không rút ra được .

Khi quay về lô cốt số bốn vào một ngách thấy bi đông nước và một cái đèn pin kiểu Mỹ. Tôi lấy soi và thấy một đôi giày săng đá liền lấy đi vào chân, tuy rộng nhưng đỡ lo mảnh đại bác đâm vào bàn chân .

Chúng tôi bắt được bốn tên và năm tên bị thương nữa. Tôi nhìn thấy khẩu trung liên “Vanh Cát”, “Vanh nới” của Mỹ nằm bên cạnh tên bị thương, tôi mang ra lau chùi, bắn thử , đạn nổ rất giòn và khẩu súng này nhẹ hơn hẳn khẩu trung liên “bơ ren nô” của Đức. Nhìn sang đồi C2 thấy có mấy tên đội mũ sắt, tôi bắn luôn. Sau đó nhìn thấy một người đột mũ ca nô lom khom ở giao thông hào, tôi đoán là y tá, không bắn nữa (người đó nhỏ nhắn giống phụ nữ).

Chiếm được C1, trời đã tố . Địch vẫn bắn liên tục đại bác sang C1 và bắn pháo sáng rất nhiều trông rõ cả mảnh đạn dưới đất. Chúng tôi lợi dụng pháo sáng nhanh chóng sửa chữa hầm hào, kiểm lại quân số tiểu đội còn sau người, hai đồng chí hy sinh (Hựu và Hợp Tiểu đội phó), ba đồng chí bị thương (Liễu, Rô, Độ).

Khoảng chín giờ tối hôm đó có quân lên thay.

Tôi gặp anh Hoàng Vượng Tiểu đoàn Trưởng 439 thay anh Hoàng Niệm và đồng chí Dương là đội trung đội trưởng 12 của tôi.

Lúc này đã có máy vô tuyến điện để liên lạc, chúng tôi được phân công làm công tác thương binh liệt sỹ, chuyển đồng chí Hựu về ngay phía sau và đồng chí Địch, Hợp….

Sáng hôm sau , tôi được đồng chí Hoàng Văn Lới làm Đại đội Trưởng thay anh Nguyễn Văn Thuỷ bị thương nặng. Anh Lới là người dân tộc tỉnh Cao Bằng. Tôi làm liên lạc cho anh. Theo lệnh trên yêu cầu phải lên báo cáo trực tiếp. Chúng tôi đến hầm Trung đoàn Trưởng Vũ Lăng báo cáo tình hình. 

Đồng chí Vũ Lăng mời chúng tôi ăn bánh bích quy và tặng mỗi người một hộp suất ăn của người lính Pháp. Đồng chí Vũ Lăng nhớ ra đã gắn Huân chương chiến công cho tôi ở trận Đồi Xanh. Đồng chí bắt tay tôi rất chặt và bảo:

- Song cố gắng hơn nữa nhé!

Quá trình giữa ta và địch, giành giật ác liệt trên C1 gần mười ngày đêm, từ ngày mồng một tháng tư đến ngày mười tháng tư năm 1954 thì C1 bị chia đôi, mỗi bên một nửa ta và địch cách nhau mười lăm hai mươi mét. Địch ở điểm trên cao Lô cốt cột cờ là điểm cao nhất của đồi C1 (Mấy hôm trước thường xuyên địch treo trên cột cao độ 7,8 m lá cờ tam tài, hằng ngày chúng tôi đều quan sát thấy). Vì lô cốt cao nhất nếu đã chiếm  lô cốt cột cờ coi như đã làm chủ đồi C1 …

Từng tổ thay phiên nhau lên giữ C1 từ ba đến bốn ngày. Khi phòng ngự ở đồi C1 thời gian đầu địch thường xuyên ném lựu đạn sang bên trận địa của ta và ta cũng đánh lại. Hai bên đều tích cực đào hầm hào, thấy rõ địch hất đất lên bụi mù và đẩy từng bao tải cát lên thành hầm, thời gian sau cũng chỉ để phòng quan sát ít ném lựu đạn hơn. Nhưng có lúc bất ngờ ta lại phải bắt tỉa chết một vài tên khi thấy chúng. Có những lúc địch còn ném bánh mỳ, hộp thịt sang (lúc đầu tưởng lựu đạn), sau nghe tiếng bịch nhẹ chính là bánh mỳ. Khi đầu không ai ăn, sau có đồng chí ăn thử thấy ngon nên cùng ăn, có lúc anh em mình ném cơm sang phía địch …

Năm đó trời mưa rất nhiều giao thông hào đầy nước bùn, hầm hàm ếch nhiều khi nước vào mùi hôi thối ruồi nhặng rất nhiều … Sau chúng tôi đào hầm hàm ếch giữa hào cao hơn và nguỵ trang cửa hầm lấy dù của địch lót trong hầm để ngủ, lau chân tay bằng dù. Khi trời mưa to thì ra tắm: hứng nước vào tay, xoa lên mặt thấy thoải mái, khoẻ hẳn lên và lấy dù trắng lau người cũng dễ chịu ngủ ngon hơn. Khi tạm thời yên bình mang thư gia đình, thư người yêu ra đọc cho nhau nghe và đọc cả: “Thượng Cam Lĩnh” của Chí nguyện quân Trung Quốc chiến đấu ở Triều Tiên .

Khi phòng ngữ ở đồi C1 gần một tháng, căng nhất là địch thỉnh thoảng dùng dúng phun lửa bắn sang, nếu không cảnh giác thụt nhanh xuống giao thông hào thì bị cháy tóc, quần áo hoặc bị bỏng, cháy da thịt có đồng chí bỏng nặng, hy sinh. Sau chúng tôi đã nguỵ trang bằng bao tải nhiều chỗ đánh lạc hướng mục tiêu và khi quan sát thấy trên đường từ C2 sang có thằng vác một cái ống dài và một hai thằng đi sau đeo sau lưng bình to là báo cho mọi người cảnh giác địch sắp dùng súng phun lửa, đồng thời bắn trung liên, ném lựu đạn sang trận địa địch. Thế là mấy tên dùng súng phun lửa mất tinh thần bắn cho xong để rút lui nên ta không bị trực tiếp ngọn lửa thẳng vào người, để phân biệt giữa trận địa của ta và địch chúng tôi cắm cờ trắng để pháo binh ta bắn chính xác. Việc làm này, đồng chí Hoàng Vượng Tiểu đoàn Trưởng rất mừng và khen ngợi Tiểu đội Trung đội 12 chúng tôi .

Thời đó địch hay thả dù tiếp tế vào giữa tháng tư, chiều hôm trước một dù hoa của địch rơi xuống gần hầm của ta và địch . Sáng sớm, cậu Thịnh đói, mò ra ngoài xem có đồ hộp thì mang về. Nhưng đến chín giờ không thấy Thịnh đâu, anh em lo lắm, mãi sau mới thấy cậu ta về. Hỏi sao về muộn, Thịnh mới kể: “ Tôi chui vào dù không thấy gì, tìm mãi chẳng thấy đồ hộp mà có bốn viên đại bác, trời lại hiu hiu giớ mát nên tôi nằm nghỉ. Ai ngờ hoá ra ngủ say. Một lúc sau bọn địch nhìn thấy chiếc dù cũng lần mò ra định lấy đồ (vì giữa ta và địch chỉ cách xa nhau khoảng hai chục mét). Khi kéo dù thấy đôi chân lấm lem bùn đất thò ra. Chúng sợ kêu thất thanh rồi bỏ chạy lên đồi. Còn Thịnh cũng nhờ tiếng hét mà tỉnh giấc … chạy xuống chân đồi!

Nghe chuyện, không ai nhịn được cười và cũng chẳng nỡ phê bình Thịnh nữa!

Nhưng khó khăn nhất thời gian này là ai cũng thèm rau xanh, thèm canh, vì ăn cơm nắm với cá khô, thịt trâu khô, muối rang lẫn với riềng ăn lâu ngày rất nóng ruột. Anh nuôi Nguyễn Văn Vườn rất thương anh em đã hái rau tàu bay ở rừng, vài ngày mới được một bữa nấu canh rồi cho vào nilon buộc lại đưa vào trong ba lô của Mỹ đeo sau lưng mang lên C1 cho đơn vị .

Chúng tôi rất sung sướng khi được uống nước canh mát ruột, mát gan, tỉnh người lại,…

Có một buổi sáng, chúng tôi reo lên đón anh Vườn đang đến, nhưng anh không cười như mọi lần mà nghẹn ngào khóc mãi mới nói được:

- Căm thù thằng tây quá, nó đã bắn bục ba lô canh rồi. Thế có tức không cơ chứ .

Chúng tôi nhìn thấy quần áo anh Vườn ướt hết, mở ba lô ra còn một ít cọng rau tàu bay chia nhau mỗi người mấy ngọn. Anh Vườn bảo: “ Mai tao mang lên sớm hơn trước khi sương mù tan thì thằng bố Tây cũng phải chịu”

Chúng tôi đồng thanh hoan hô anh Vườn.

Trong chiến dịch này, anh Vườn đã được tặng thưởng Huân chương Chiến công … Phòng ngự trên đồi C1 gần 1 tháng đến đợt 3.

Đêm ngày 1/5/1954, ta đã đánh nhanh chóng chiếm lại đồi C1 và tiếp tục đánh C2, A1  đến ngày 7/5/1954 chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng . /.

Đánh lấy lại lô cốt cột cờ đồi C1 Điện Biên Phủ (Ngày 31-3-1954) - ảnh 2
Anh hùng LLVT nhân dân Đặng Đức Song (giữa) trong buổi giao lưu với thế hệ trẻ. - Ảnh Trần Anh Thư/Báo Quân đội nhân dân


Đại tá Đặng Đức Song, năm nay 80 tuổi, là người tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ từ những ngày đầu đến khi chiến thắng, được Nhà nước tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân trong chiến dịch lịch sử Điện Biên, dũng sĩ Đồi Xanh. Trong lễ trao giải ông tâm sự: “Khi viết tác phẩm này, tôi nhớ lại những kỷ niệm sâu sắc với những người đồng đội đã chiến đấu cùng tôi trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Khi ấy, chúng tôi đang ở độ tuổi thanh niên 18-20, tuổi thanh xuân đã tình nguyện đi bộ đội, chiến đấu giải phóng quê hương. Tôi nhớ đến người đồng chí đã hy sinh trên tay tôi, máu chảy thấm đẫm áo tôi. Tôi nhớ đến người chiến sĩ bị thương hai chân, trao cho tôi quả lựu đạn đã rút dây, thúc giục tôi tiến lên phía trên. Với tinh thần quả cảm ấy, chúng tôi đã quyết tâm đánh lấy lại lô cốt cột cờ, tiếp đến là cả đồi C1.”

Phản hồi

Các tin/bài khác