Afghanistan vẫn bất ổn sau 14 năm chống khủng bố

(VOV5) - Viễn cảnh về đất nước hòa bình, phát triển xem ra vẫn còn rất xa vời với người dân nơi đây.

14 năm sau ngày Tổng thống Mỹ George W. Bush chính thức phát động cuộc chiến chống khủng bố tại Afghanistan (07/10/2001), quốc gia Nam Á này vẫn chìm trong bất ổn. Viễn cảnh về đất nước hòa bình, phát triển xem ra vẫn còn rất xa vời với người dân nơi đây. Hồng Vân -BTV Đài TNVN có bài viết Afghanistan vẫn bất ổn sau 14 năm chống khủng bố. 

Sự bất ổn của Afghanistan thể hiện rõ ở nền kinh tế kém phát triển, phiến quân Taliban ngày một lớn mạnh, số người ủng hộ Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đang gia tăng tại nhiều tỉnh ở Afghanistan. 

Xung đột tiếp diễn

Kể từ ngày 1/1/2015, ngày mà lực lượng an ninh quốc gia Afghanistan chính thức tiếp quản toàn bộ nhiệm vụ đảm bảo an ninh từ liên quân Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), thực tế, tình trạng xung đột ở Afghanistan vẫn chưa chấm dứt. Trái ngược với các phát ngôn lạc quan năm 2014 của quân đội Mỹ về tình hình Afghanistan như triệt phá được hệ thống khủng bố quốc tế Al-Qaeda ở Nam Á (Afghanistan và Pakistan); xây dựng được một quân đội quốc gia Afghanistan ngày càng có nhiều khả năng tự bảo vệ đất nước, những yếu tố mang tính nền tảng của một đất nước, một xã hội vẫn đầy bấp bênh. An ninh đang xấu hơn khi các tay súng Taliban vẫn thường xuyên tiến hành các vụ tấn công đẫm máu nhằm vào dân thường và lực lượng an ninh. Mặc dù Tổng thống Asraf Ghani nhiều lần kêu gọi Taliban ngồi vào bàn đàm phán cũng như tham gia các tiến trình chính trị của đất nước, song phía Taliban luôn tỏ ra không mấy mặn mà. Thậm chí, lãnh đạo của Taliban còn tuyên bố “sẽ không tham gia các cuộc đàm phán hòa bình chừng nào vẫn còn sự hiện diện của quân đội nước ngoài tại Afghanistan”. Mới đây nhất, lần đầu tiên sau 14 năm bị lật đổ, nhóm phiên quân Hồi giáo Taliban đã bất ngờ chiếm thành phố Kunduz, thủ phủ của tỉnh cùng tên ở miền Bắc Afghanistan, bất chấp ở đây có tới 7 nghìn quân của Chính phủ (trong khi Taliban chỉ có dưới 1 nghìn quân). Điều này phơi bày sự bất lực của chính quyền Kabul trong việc  giải quyết tình trạng rối loạn hiện nay, đồng thời cho thấy Taliban vẫn nuôi quyết tâm lật đổ bộ máy lãnh đạo đương nhiệm.

Đáng lo ngại hơn số lượng nhóm và cá nhân công khai thề trung thành hoặc ủng hộ Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đang tăng tại nhiều tỉnh ở Afghanistan. Báo cáo từ nhóm giám sát al-Qaeda của Liên Hợp Quốc (LHQ) cho biết khoảng 10% lực lượng nổi dậy Taliban có cảm tình với IS. Bên cạnh đó, Chính phủ Afghanistan xác định đã phát hiện các nhóm sử dụng một số hình ảnh biểu tượng của IS hoặc ủng hộ tổ chức này tại 25 trong số 34 tỉnh ở Afghanistan.


Afghanistan vẫn bất ổn sau 14 năm chống khủng bố - ảnh 1
Binh lính Afghanistan (Ảnh: Reuters)


Trong bối cảnh rối ren như vậy Chính phủ Afghanistan lại bắt đầu xuất hiện rạn nứt. Thậm chí phe đối lập đã đề cập khả năng sử dụng Hiến pháp để loại bỏ Tổng thống đương nhiệm và tổ chức bầu cử sớm. Một dấu hiệu rõ ràng của dấu hiệu này là mới đây, Quốc hội đã bác bỏ việc đề cử ông Masoom Stanekzai làm Bộ trưởng Quốc phòng. Sự bác bỏ này khiến Tổng thống Asraf Ghani không thể có một Nội các hoàn chỉnh sau 9 tháng cầm quyền.

Kinh tế suy thoái, đói nghèo bủa vây

Năm 2015, thế giới chứng kiến làn sóng di cư ồ ạt từ Châu Á và Châu Phi sang Châu Âu. Trong đó ước tính số dân di cư từ Afghanistan chiếm 36% (153.000 người), chỉ đứng sau Syria (38%). Đáng chú ý người Afghanistan di cư đến Châu Âu chủ yếu là thế hệ trẻ. Ngoài vấn đề an ninh thì nguyên nhân chính khiến người dân Afghanistan ra đi là nền kinh tế kiệt quệ.  Trong thập kỷ qua, Kabul thất bại trong việc tạo ra nền kinh tế đa dạng. Hiện nay, do viện trợ nước ngoài giảm và các thỏa thuận xây dựng và dịch vụ hậu cần mất đi, Afghanistan đang trải qua cuộc suy thoái nghiêm trọng. Tỷ lệ thất nghiệp trong giới trẻ tăng lên. Và họ cho rằng, di cư đến Châu Âu là hy vọng lớn nhất để có một cuộc sống tốt hơn.  


Afghanistan vẫn bất ổn sau 14 năm chống khủng bố - ảnh 2
Vũ khí hạng nặng của quân Hồi giáo IS (ảnh: Reuters)


Tại thủ đô Kabul, khoảng 80% dân số ở các khu định cư tạm thời, luôn trong tình trạng thiếu nước sạch, vệ sinh kém. Có khoảng 9 triệu người Afghanistan (trên tổng số 29 triệu dân) sống dưới mức chuẩn nghèo với thu nhập 1 USD/ngày. Gần 2/3 số người lớn ở Afghanistan bị mù chữ, tức là cao hơn khoảng 15% so với mức trung bình của các nước kém phát triển nhất. Ngoài ra, theo báo cáo của Liên hợp quốc, diện tích trồng cây thuốc phiện tại Afghanistan trong năm 2014 tăng cao chưa từng có. Các hoạt động buôn lậu thuốc phiện không chỉ đem lại lợi nhuận cho Taliban và nhiều nhóm nổi dậy khác mà còn làm gia tăng tình trạng tham nhũng và tội phạm.

14 năm sau ngày phát động cuộc chiến chống khủng bố, Afghanistan vẫn đang phải vật lộn giải quyết hàng loạt bất ổn từ chính trị đến kinh tế, xã hội. Dấu hiệu về một nền hòa bình và cuộc sống khấm khá hơn vẫn còn xa vời. 

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác