Bãi bỏ yêu sách “ Đường lưỡi bò” để giải quyết gốc rễ căng thẳng ở Biển Đông

(VOV5) - “Đường lưỡi bò”, còn gọi là “đường chữ U” hay “đường đứt khúc 9 đoạn” đã từng được biết đến là yêu sách ngang ngược, không có cơ sở lịch sử, pháp lý và thực tiễn của Trung Quốc đối với Biển Đông. Học giả Trung Quốc mới đây tiếp tục phản đối “ đường lưỡi bò” và cho rằng những vấn đề liên quan đến “đường lưỡi bò” sẽ phải được giải quyết trước nhất và quan trọng nhất trong quá trình tìm kiếm hòa bình trên Biển Đông …

Bãi bỏ yêu sách “ Đường lưỡi bò” để giải quyết gốc rễ căng thẳng ở Biển Đông - ảnh 1
Không tòa án nào công nhận “đường lưỡi bò” - Ảnh: internet


Biển Đông là một vùng biển nửa kín nằm ở rìa phía Tây Thái Bình Dương, với diện tích khoảng 3,5 triệu km2…“Đường lưỡi bò” mà Trung Quốc yêu sách gồm 9 nét vẽ đứt khúc, xuất phát từ Vịnh Bắc Bộ, chạy sát bờ biển miền Trung của Việt Nam khoảng 50 đến 100 km, xuống phía Nam chạy sát bãi Tăng Mẫu (James Shoal) của Malaysia, đảo Natuna của Indonesia và vòng lên phía Bắc, chạy sát đảo Palawan của Philippines, phủ lên một vùng nước mà Philippines tuyên bố chủ quyền và kết thúc ở eo biển Luzong giữa Philippines và Đài Loan. Trong bản đồ khổ dọc mà Trung Quốc công bố hồi tháng 6/ 2014, “đường lưỡi bò” lên đến 10 đoạn, bao gồm luôn cả bang Arunachal Pradesh của Ấn Độ. Yêu sách “đường lưỡi bò” được Trung Quốc đưa ra vì mục đích chính trị, thực chất là mưu đồ độc chiếm Biển Đông.

Trung Quốc không có cơ sở pháp lý cho yêu sách ngang ngược của mình

Cho đến nay, phía Trung Quốc không có hoặc không thể có tài liệu hoặc văn bản nào xác định và công khai cụ thể những toạ độ cũng như vị trí chính xác của các đường đứt khúc của đường lưỡi bò, kể cả trong công hàm của Trung Quốc gửi Liên Hợp quốc tháng 5/2009.

Trung Quốc cũng không thể chính thức giải thích tại sao “đường lưỡi bò” lại là đường đứt đoạn chứ không phải là đường liền mạch vì nước này muốn thế giới hiểu đường lưỡi bò là ranh giới bao quanh vùng nước “danh nghĩa lịch sử”, “vùng nước lịch sử” hay “biên giới trên biển” của Trung Quốc.

Dư luận quốc tế đặt câu hỏi tại sao trong tuyên bố của chính phủ Trung Quốc về các vùng biển ngày 4/9/1958 lại không hề nhắc đến một câu chữ nào về “vùng nước lịch sử” đường lưỡi bò trên Biển Đông. Trong các văn bản pháp lý khác sau đó của Trung Quốc như: Pháp lệnh về lãnh hải và vùng tiếp giáp (1992); Tuyên bố về đường cơ sở lãnh hải (1996); Luật về vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa (1998) cũng hoàn toàn không tuyên bố gì về “vùng nước lịch sử” này. Về mặt pháp lý, nếu lấy Công ước Liên Hợp quốc về Luật biển năm 1982, (một văn kiện pháp lý cơ bản về biển đã được 161 quốc gia phê chuẩn và tham gia, trong đó có Trung Quốc), để soi chiếu thì có thể nói là yêu sách “đường lưỡi bò” của Trung Quốc hoàn toàn vô lý cả trên văn bản pháp lý và thực tế. Điều đáng nói là Công ước này hoàn toàn không có điều khoản nào ghi nhận khái niệm về “vùng nước lịch sử”.

Học giả Trung Quốc phản đối mạnh mẽ yêu sách “đường lưỡi bò”

Ngay sau khi Trung Quốc lần đầu tiên phát hành bản đồ khổ dọc có đường lưỡi bò 10 đoạn ôm gần trọn Biển Đông hồi tháng 6/2014, diễn đàn Bbs.tianya.cn nổi tiếng của Trung Quốc có bài viết cho rằng “đường 9 đoạn” hiện nay không còn đứng vững và bị cộng đồng quốc tế bác bỏ mạnh mẽ “chứ nói gì đến 10 đoạn”. Học giả Li Linh Hua, cựu chuyên viên Trung tâm tin tức hải dương Trung Quốc, cũng đăng trên trang cá nhân bài viết nhan đề “Tuổi thọ của đường 9 đoạn còn được mấy ngày?”. Học giả này từng khẳng định Trung Quốc không có bất kỳ căn cứ nào để xác định "đường 9 đoạn" là đường biên giới quốc gia của mình, đồng thời từng yêu cầu Trung Quốc phải tôn trọng Công ước Liên Hiệp Quốc về luật Biển (UNCLOS) 1982. Trước đó, ngày 30/4/2013, học giả Li Wa Dang nói trên trang cá nhân của mình rằng: “Việc nước ta (Trung Quốc) đơn phương lập đường chín đoạn chồng chéo trên các vùng đặc quyền kinh tế rộng 200 hải lý của các nước láng giềng ở Biển Đông, gây ra một loạt các sự khác biệt và mâu thuẫn, trái với tinh thần của Công ước của Liên Hợp Quốc về luật biển 1982”. Theo học giả Li Wa Dang, vấn đề tranh chấp ở Biển Đông bắt nguồn từ “đường 9 đoạn” và điều này sẽ phải được giải quyết trước nhất và quan trọng nhất trong quá trình tìm kiếm hòa bình trên Biển Đông. Ông khẳng định: Nhà nước (Trung Quốc) nên xem xét nghiêm túc việc bãi bỏ “các đường thể hiện lịch sử truyền thống” để có thể mở đường cho việc giải quyết gốc rễ của vấn đề Biển Đông.

Trung Quốc nên từ bỏ yêu sách “ đường lưỡi bò”

Ngay khi yêu sách “đường lưỡi bò” xuất hiện trước cộng đồng quốc tế tháng 5/2009, Việt Nam, Philippines đã gửi Công hàm phản đối lên Liên Hợp Quốc. Tháng 7/2010, Indonesia, cũng chính thức gửi Công hàm lên Liên Hợp Quốc để phản đối yêu sách này của Trung Quốc.Trong tuyên bố ngày 23/7/2010 tại Hà Nội, Ngoại trưởng Mỹ Clinton đã lên tiếng phản đối những yêu sách biển không tuân thủ Công ước Luật biển 1982 của Trung Quốc mà “đường lưỡi bò” chính là đối tượng được nhắc đến. Yêu sách “đường lưỡi bò” của Trung Quốc càng ngày càng vấp phải những phản ứng mạnh mẽ của không chỉ giới học giả Trung Quốc, các nhà nghiên cứu, các luật gia luật biển quốc tế, các quốc gia liên quan đến Biển Đông như Việt Nam, Malaysia, Indonesia, Philippines, mà còn từ các nước đứng ngoài tranh chấp chủ quyền nhưng có lợi ích thương mại, hàng hải đối với Biển Đông như Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ…

Biển Đông, dù muốn hay không, Trung Quốc vẫn phải chấp nhận thực tế, là một vùng biển có vị trí quan trọng, liên quan đến 9 quốc gia và một vùng lãnh thổ, là phần không thể thiếu trong chính sách phát triển của tất cả các quốc gia xung quanh Biển Đông cũng như các quốc gia ngoài khu vực này. Khi xu hướng toàn cầu hoá đang ngày càng gia tăng, ảnh hưởng chung đến toàn thế giới, thì đòi hỏi ngang ngược của Trung Quốc về “đường lưỡi bò” sẽ ngày càng bị lên án mạnh mẽ, quyết liệt/.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác