Bầu cử Hạ viện Nga, lực đẩy cho người đứng đầu điện Kremli

(VOV5) - Chiến thắng của đảng nước Nga thống nhất cũng giúp mở đường cho Tổng thống Vladimir Putin đắc cử lần thứ 4 trong cuộc bầu cử năm 2018.

Cuộc bầu cử Duma Quốc gia (Hạ viện Nga) vừa được tổ chức thành công với chiến thắng thuộc về đảng cầm quyền Nước Nga thống nhất. Mặc dù diễn ra sau hàng loạt sự kiện và khó khăn Nga phải trải qua, đảng này vẫn chiếm được sự tín nhiệm cao của cử tri. Chiến thắng của đảng nước Nga thống nhất cũng giúp mở đường cho Tổng thống Vladimir Putin đắc cử lần thứ 4 trong cuộc bầu cử năm 2018.


Bầu cử Hạ viện Nga, lực đẩy cho người đứng đầu điện Kremli - ảnh 1
Chủ tịch đảng Nước Nga Thống nhất, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev phát biểu tại thủ đô Moskva sau cuộc bầu cử ngày 18/9. AFP/TTXVN


Với hơn 54% số phiếu ủng hộ, bỏ xa đảng về thứ hai là Cộng sản Liên bang Nga (KPRF) giành được hơn 13% phiếu bầu, đảng Nước Nga thống nhất của Tổng thống V.Putin đã chiến thắng trong cuộc bầu cử Duma quốc gia, tức Hạ viện Nga khóa 7 và như vậy, đảng của Tổng thống Putin giành 343 ghế trong Quốc hội gồm 450 thành viên.


Vượt qua phép thử lòng tin của người dân

Cuộc bầu cử lần này diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế Nga đang bị suy thoái nghiêm trọng vì lệnh trừng phạt của phương Tây liên quan tới khủng hoảng Ukraine, chiến dịch quân sự ở Syria. Tuy nhiên, những khó khăn kinh tế mà Nga gặp phải dường như không ảnh hưởng thái độ của người dân khi tỷ lệ tín nhiệm ông Putin vẫn ở mức cao. Những biện pháp cấm vận đã ảnh hưởng tới không chỉ giới thượng lưu mà cả những người dân bình thường của Nga, tuy nhiên, tất cả họ đều cho rằng, đây là sự tấn công nhằm vào chính họ hơn là vào chính quyền. Tổng thống Putin đại diện cho "biểu tượng của sự đoàn kết" toàn dân tộc Nga. Người Nga tự hào về ông Putin như tự hào về quốc gia. Nói cách khác, niềm tin đặt vào ông không gắn liền với những biến đổi của cuộc sống hằng ngày.


Bầu cử Hạ viện Nga, lực đẩy cho người đứng đầu điện Kremli - ảnh 2
Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu tại trụ sở đảng Nước Nga Thống nhất ở thủ đô Moskva sau cuộc bầu cử ngày 18/9. AFP/TTXVN


Ông Putin, 63 tuổi, người đã có 17 năm cầm quyền trong vai trò Tổng thống hoặc Thủ tướng Nga. Hầu hết các cử tri cho rằng khó có ai đủ khả năng thay thế ông Putin và họ lo sợ nước Nga trở lại thời kỳ rối loạn và bất ổn như hồi những năm 1990 ngay sau khi sự sụp đổ của Liên bang Xô Viết nếu như giai đoạn cầm quyền của ông kết thúc. Putin chủ trương tăng cường thịnh vượng đất nước. Đói nghèo được giảm bớt, tầng lớp trung lưu phát triển, khả năng chi tiêu gia tăng. Thêm vào đó, trong ý nghĩ của người dân Nga, Crimea là niềm vinh quang và tự hào dân tộc, nơi quân đội Nga Hoàng chiến đấu chống các lực lượng Anh, Pháp và Thổ Nhĩ Kỳ thế kỷ 19. Chính vì vậy, người dân Nga không kêu gọi lãnh đạo thay đổi quan điểm đối với tình hình Ukraine và tiếp tục đặt niềm tin vào người lãnh đạo đất nước.


Còn nhiều thách thức

Thế nhưng không thể phủ nhận, chính những khó khăn về kinh tế cũng đã khiến cho kết quả lần bầu cử này khá khiêm tốn so với số phiếu áp đảo trong cuộc bầu cử năm 2007. Bên cạnh đó, tỷ lệ ủng hộ đảng cầm quyền tại Nga thời gian qua có sự giảm nhẹ. Đảng nước Nga thống nhất dù dẫn đầu nhưng chỉ với 41,1% số phiếu ủng hộ. Có thể nói, một nước Nga đang bước vào năm thứ 3 của một cuộc suy thoái kinh tế kéo dài đã khiến cho cử tri có phần e dè hơn. Thực tế cho thấy, năm 2015, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Nga giảm 3,7% và dự báo sẽ còn giảm tiếp thêm 1,9% trong năm nay. Nguyên nhân chính vẫn là do giá dầu mỏ và khí đốt giảm mạnh. Trong khi đó, các lệnh trừng phạt của phương Tây vẫn đang tác động mạnh tới nền kinh tế Nga. Theo thống kê, trong giai đoạn 2014 - 2017, Nga đã mất khoảng 600 tỷ USD vì những nguyên nhân này. Ngân hàng Thế giới cũng cho biết Nga đang tiến vào một giai đoạn "gần trì trệ". Đồng ruble rớt giá thê thảm, các biện pháp cấm vận của phương Tây đang cản bước các ngân hàng Nga tiếp cận thị trường tài chính nước ngoài.


Bầu cử Hạ viện Nga, lực đẩy cho người đứng đầu điện Kremli - ảnh 3
tịch Ủy ban bầu cử trung ương Nga Ella Pamfilova (thứ 3, trái) và các thành viên công bố kết quả bầu cử tại thủ đô Moskva ngày 18/9. AFP/TTXVN


Bên cạnh đó, một thách thức phải kể đến là những khúc mắc trong quan hệ với Ukraine và Mỹ sau cuộc bầu cử tại Nga. Cần nhắc lại một điểm đáng chú ý là cuộc bầu cử có sự tham gia của người dân Crimea sau khi bán đảo này sáp nhập vào Nga hơn 2 năm trước. Mỹ và Ukraine đều đã lên tiếng phản đối và khẳng định không công nhận tính hợp pháp của cuộc bầu cử ở Crimea. Chắc chắn rằng, việc Nga sử dụng kết quả hợp pháp trên bán đảo Crimea sẽ là yếu tố kích thích những mâu thuẫn vốn có với Mỹ và Ukraine. Rõ ràng, xích mích tăng lên với hai nước này sẽ phần nào làm chậm lại tiến trình giải quyết vấn đề Ukraine cũng như các hồ sơ nóng có sự tham gia của cả Nga và Mỹ.

Những khó khăn đối nội và đối ngoại đều đang là những thách thức lớn đối với nước Nga. Đây sẽ là những khó khăn mà đảng cầm quyền nước Nga thống nhất và Tổng thống Putin sẽ phải vượt qua thời gian tới. Làm sao để chèo lái nước Nga ra khỏi khó khăn chồng chất về kinh tế để đi vào quỹ đạo ổn định mới là những lá phiếu chắc chắn nhất cho đảng nước Nga thống nhất lúc này. Vì vậy, việc đảng cầm quyền Nga giành thắng lợi lần này có thể nói chưa phải là kết quả cuối cùng, mà là mở ra chặng đường thử thách mới cho chính quyền của Tổng thống Putin.

Phản hồi

Các tin/bài khác