Chuyến công du nhiều ẩn ý

(VOV5) - Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov vừa kết thúc chuyến công du tới Bắc Kinh và gặp gỡ với người đồng cấp Vương Nghị. Dù được thông báo đây chỉ là hoạt động ngoại giao tiền trạm cho chuyến thăm của Tổng thống Nga Vladimir Putin vào tháng tới, song chuyến thăm này lại thu hút sự chú ý đặc biệt của giới phân tích chính trị quốc tế bởi nó diễn ra vào đúng thời điểm quan hệ giữa Moscow và phương Tây đang hết sức căng thẳng liên quan đến vấn đề Ukraine. Và những chuyển động ngoại giao của Moscow mang nhiều ẩn ý hơn là chỉ đơn thuần củng cố quan hệ song phương. 

Chuyến công du nhiều ẩn ý - ảnh 1
Trong khuôn khổ chuyến thăm Trung Quốc, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov
đã hội kiến Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình. (Nguồn: Xinhua)


Tại cuộc hội đàm với người đồng cấp Trung Quốc, Ngoại trưởng Sergei Lavrov khẳng định quan hệ đối tác chiến lược Nga-Trung đang ở mức độ tin cậy lẫn nhau rất cao. Hai bên nhất trí đánh giá lĩnh vực thành công nhất trong quan hệ song phương là hợp tác thương mại. Bất chấp tình hình kinh tế thế giới không thuận lợi trong năm 2013, kim ngạch thương mại Nga - Trung vẫn đạt 88,8 tỷ USD với xu hướng đầu tư ngày càng tăng, đặc biệt xuất khẩu dầu mỏ Nga sang Trung Quốc và đầu tư của Trung Quốc vào khai thác khí đốt tại thềm lục địa của Nga. Các lĩnh vực xã hội, quân sự, an ninh cũng phát triển mạnh.



Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định, mục đích chính của chuyến công du là Moscow đang đẩy mạnh các hoạt động ngoại giao hướng Đông, đặc biệt là Trung Quốc trong bối cảnh quan hệ Nga-phương Tây đang rơi vào cuộc chiến tranh lạnh mới sau những sự kiện ở Ukraine.



Nỗ lực giành ảnh hưởng



Cuộc khủng hoảng Ukraine đã đẩy Nga, Mỹ vào cuộc Chiến tranh Lạnh mới và quan hệ hai nước rơi vào trạng thái đối đầu tồi tệ nhất từ khi Liên bang Xô Viết tan rã năm 1991. Giống như cuộc đối kháng Mỹ - Liên Xô năm xưa, Trung Quốc trở thành nước thứ ba quan trọng và việc Trung Quốc chọn đứng về phía bên nào là điều mà cả Mỹ và Nga quan tâm nhất. Bởi vậy, một trong những nhiệm vụ quan trọng của ông S.Lavrov tại Bắc Kinh là tìm kiếm sự ủng hộ từ Trung Quốc.



Theo nhận định, trong nỗ lực tranh giành ảnh hưởng này, Moscow có phần chiếm ưu thế hơn vì Moscow và Bắc Kinh có nhiều điểm tương đồng về kinh tế, quan điểm chính trị và lập trường đối với phương Tây. Hai nước Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc này là đồng minh gần gũi của nhau trong hàng loạt các vấn đề nóng của thế giới như Syria, Iran, CHDCND Triều Tiên…. Một lợi thế khác của Nga trong thế trận này là quan hệ đối thủ - đối tác, quan hệ hợp tác - kiềm chế lẫn nhau giữa Trung Quốc và Mỹ.



Thực tế, những phản ứng của Trung Quốc đối với tình hình Ukraine gần đây rất đáng lưu tâm. Kể từ khi cuộc khủng hoảng bắt đầu nổ ra cuối năm 2013, truyền thông Trung Quốc có thiên hướng chỉ trích phương Tây đã gây ra hỗn loạn ở Ukraine và cho rằng quyết tâm của ông Putin nhằm bảo vệ quyền lợi của người dân Nga là hoàn toàn dễ hiểu. Sau khi Moscow đưa quân vào Crimea, Trung Quốc chỉ lên tiếng thúc giục các bên liên quan giải quyết tranh chấp một cách hòa bình theo khung pháp lý. Lá phiếu trắng của Trung Quốc đối với Nghị quyết của Hội đồng bảo an hồi tháng 3 vừa qua về việc sáp nhập Crimea vào Liên bang Nga đã phần nào thể hiện thái độ quan điểm của Trung Quốc trước vấn đề Ukraine. Lá phiếu trắng này khó có thể coi là hành động phản đối Nga.



Do vậy, trong chuyến thăm Bắc Kinh lần này, ông S.Lavrov không ngần ngại nhấn mạnh Nga đánh giá cao lập trường khách quan và cân bằng của Trung Quốc về vấn đề Crimea sáp nhập vào Liên bang Nga và cho rằng Bắc Kinh đã thể hiện sự hiểu biết toàn diện các yếu tố, đặc biệt là yếu tố lịch sử trong cách đánh giá cuộc khủng hoảng tại Ukraine.



Định hình trật tự thế giới mới


Cuộc khủng hoảng tại Ukraine hiện nay đang đi đến những diễn biến hết sức phức tạp. Dù khó đi đến một cuộc chiến tranh nhưng rất có thể bất ổn ở Ukraine sẽ trở thành một bước chuyển lớn hướng tới việc định hình trật tự thế giới mới. Những nỗ lực cô lập Nga của Mỹ và phương Tây sẽ đẩy Moscow và Trung Quốc xích lại gần nhau, điều mà Washington không hề mong muốn. Mặc dù mối quan hệ Nga-Trung có một lịch sử phức tạp nhưng với hợp tác hai bên cùng có lợi, vẫn có thể không ngăn được động lực hình thành một liên minh mới, đối trọng với Mỹ, Đáng chú ý, Moscow và Bắc Kinh đang cân nhắc hoàn tất một thỏa thuận hợp tác cung cấp khí đốt từ Nga sang Trung Quốc trong 30 năm và vấn đề này sẽ được quyết định trong chuyến thăm Trung Quốc của Tổng thống Nga V.Putin tháng 5 tới. Nếu thành hiện thực thì quan hệ thương mại giữa Nga và Trung Quốc hoàn toàn có thể bù đắp những tổn thất gây ra bởi các biện pháp trừng phạt của Mỹ.


Từ những diễn biến trên có thể thấy chuyến thăm Trung Quốc của ông S.Lavrov đã ít nhiều đạt thành công. Dù không công khai ủng hộ nhưng chính thái độ ngầm không phản đối của Bắc Kinh có thể khiến Moscow hài lòng, tạo thuận lợi cho Nga bước vào đàm phán 4 bên tại Geneva, Thụy Sĩ hôm nay, để tìm kiếm một giải pháp chính trị ở Ukraine./.
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác