Điều chỉnh chính sách kích thích kinh tế phát triển

(VOV5)- Kinh tế Việt Nam đang phục hồi rõ nét và khá toàn diện. Tuy nhiên, những khó khăn, thách thức lớn vẫn đang ở phía trước. Tái cơ cấu kinh tế nhanh hơn,  tập trung mọi điều kiện để hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục, phát triển sản xuất; nới lỏng tỷ lệ lạm phát ở mức độ hợp lý hơn để kích cầu nền kinh tế… là những giải pháp được các đại biểu Quốc hội đề nghị cần tập trung thực hiện trong năm 2015 để tạo đà phát triển tốt hơn cho nền kinh tế trong thời gian tới.

                                               

Theo báo cáo của Chính phủ, lạm phát được kiểm soát, kinh tế vĩ mô ổn định tốt hơn. Tốc độ tăng giá tiêu dùng giảm mạnh, 9 tháng tăng 2,25%, thấp nhất trong 10 năm qua; dự kiến cả năm tăng dưới 5%. Tăng trưởng tín dụng đến cuối tháng 9 đạt 7,26% (cùng kỳ là 6,87%), dự kiến cả năm tăng 12 - 14% theo kế hoạch. Tỷ giá, thị trường ngoại hối ổn định, dự trữ ngoại tệ tăng, đạt mức cao nhất từ trước đến nay. Trong 14 chỉ tiêu kế hoạch năm 2014, dự báo có 13 chỉ tiêu đạt.

Kinh tế phục hồi khá toàn diện nhưng vẫn tồn tại những vấn đề lớn
Năm 2014, nền kinh tế bắt đầu xuất hiện những dấu hiệu rất tốt. Theo ông Cao Sỹ Kiêm, đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình, chiều hướng đi lên của nền kinh tế khá rõ rệt, phục hồi rõ hơn, toàn diện hơn cả kinh tế, xã hội, sản xuất, tiêu dùng, xuất khẩu. Đặc biệt, việc kiểm soát lạm phát, sức mua... bắt đầu đi vào giải quyết dài hạn, cải cách cơ cấu gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, cải cách thể chế.

Tuy nhiên, nếu đặt năm 2014 trong mục tiêu dài hạn của kế hoạch 5 năm thì năm nay, tình hình kinh tế - xã hội vẫn bộc lộ những vấn đề lớn. Kết quả thực hiện các mục tiêu về kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, tăng trưởng hợp lý và tái cơ cấu nền kinh tế cũng chưa hẳn đã đáp ứng được yêu cầu. Nhiều đại biểu dẫn chứng kiềm chế lạm phát, năm nay tương đối tốt, khả năng dưới mức dự báo, khoảng 4 - 4,5%. Tuy nhiên đây không chỉ là kết quả của chính sách điều hành mà còn do tổng cầu yếu, khả năng tăng trưởng hạn chế. Nếu lạm phát cao hơn một chút mà tăng trưởng cao thì xu hướng sẽ tốt hơn. 

Điều chỉnh chính sách kích thích kinh tế phát triển - ảnh 1

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang, Bắc Giang, Bình Định thảo luận ở tổ. (Ảnh: Nguyễn Dân/TTXVN)

Cần tạo điều kiện cụ thể cho doanh nghiệp phát triển sản xuất
Lo lắng trước tình trạng số doanh nghiệp (DN) giải thể, ngừng hoạt động 9 tháng tăng cao (trên 70.000 DN) trong khi số DN thành lập mới chỉ khoảng 51.000, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng con số đó phản ánh tình hình sản xuất, kinh doanh vẫn khó khăn. Ông Đỗ Ngọc Niễn, đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận, cho rằng ngoài các chính sách về giảm thuế, giảm lãi suất cần phải tìm thêm các chính sách mới để hỗ trợ DN như xúc tiến, mở rộng thị trường, ứng dụng công nghệ mới... Theo bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường, đại biểu đoàn thành phố Hà Nội, để năm 2015, GDP tăng trưởng được 6,2%, thì Chính phủ cần có chương trình phát triển mạnh mẽ cho khối doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp trong nước, để tạo nguồn thu bền vững, lâu dài. Ông Vũ Xuân Hồng, đại biểu Quốc hội đoàn Phú Thọ, nêu ý kiến: Thời gian qua có nhiều  doanh nghiệp đã quay lại làm việc nhưng cũng còn nhiều doanh nghiệp chưa gượng lại được. Bây giờ phải tập trung giúp về thuế, vốn, cụ thể là chính sách về thuế, công nghệ, và đặc biệt doanh nghiệp vừa và nhỏ phải được tiếp cận các nguồn vốn. Các địa phương có chính sách thuận lợi về đất đai. Vì sang năm thành lập cộng đồng ASEAN mà 1 trong những trụ cột là trụ cột kinh tế, rồi Việt Nam đang đàm phán  mạnh mẽ với Mỹ và các nước về TPP, đàm phán giai đoạn cuối với các nước châu Âu về các Hiệp ước thương mại tự do. Do đó, chúng ta phải chuẩn bị cho doanh nghiệp chủ động tham gia  các sân chơi này bằng cách hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp.

Tái cơ cấu nền kinh tế cần có kết quả cụ thể
Theo nhiều đại biểu Quốc hội, mặc dù đã có Đề án tổng thể và các đề án chi tiết nhưng đến nay, kết quả tái cơ cấu nền kinh tế chưa rõ. Ông Lê Minh Thông, đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa, cho rằng khi xử lý các căn bệnh của nền kinh tế thì phải đánh giá được thực chất căn bệnh đã được xử lý đến đâu và mang lại hiệu ứng sức khỏe cho nền kinh tế như thế nào.

Liên quan đến xử lý nợ xấu khi tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, các tổ chức tín dụng, theo ông Phạm Huy Hùng, đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội, đã đến lúc phải xem xét lại cơ chế hoạt động của công ty mua bán nợ (VAMC). Để có câu trả lời thuyết phục, nên kiểm toán toàn diện hệ thống ngân hàng để có thể giải quyết đúng mức những vấn đề lớn trong tái cơ cấu ngân hàng. Ông Trần Du Lịch, đại biểu Quốc hội đoàn thành phố Hồ Chí Minh, cho rằng để giải quyết hiệu quả vấn đề nợ xấu, không nên sử dụng nguồn ngân sách Nhà nước: Nợ xấu bản chất của nó không có gì xấu và chuyện bình thường của tổ chức tín dụng nhưng khi nó thành vấn đề của kinh tế vĩ mô thì nó vượt sức của tổ chức tín dụng. Quan điểm của tôi là không dùng ngân sách để trả nợ xấu. Bởi vì hiện nay Chính phủ còn có nhiều nguồn để thực hiện việc này, ví dụ quỹ cổ phần hóa, các quỹ tập trung với hàng chục nghìn tỷ đồng, chúng ta có thể mượn một thời gian. Trong khi ngân sách đang bội chi thì tại sao lại dùng ngân sách để giải quyết nợ xấu. Tôi cho rằng Quốc hội nên có Nghị quyết cho phép Chính phủ sử dụng những nguồn quỹ đang quản lý, trừ ngân sách để giải quyết nợ công.

Năm 2015, Chính phủ đặt mục tiêu tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, GDP tăng trưởng 6,2%, tốc độ tăng giá tiêu dùng khoảng 5%; tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu ở mức 5%. Để đạt được những mục tiêu này, cần có các chính sách kinh tế mạnh mẽ, cụ thể hơn nữa kích thích kinh tế phát triển./. 

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác