Đổi mới phương thức đối ngoại phục vụ phát triển đất nước trong tình hình mới

(VOV5) -  Hội nghị Ngoại giao 29 đã xác định phát huy cao độ trí tuệ và kinh nghiệm của toàn ngành để trao đổi, tìm ra phương hướng, biện pháp cụ thể nhằm thúc đẩy các lợi ích an ninh và phát triển, nâng cao hơn nữa vị thế quốc tế của đất nước.


Hội nghị Ngoại giao lần thứ 29, một sự kiện quan trọng của ngành ngoại giao Việt Nam diễn ra 2 năm một lần, hôm nay khai mạc tại thủ đô Hà Nội. Diễn ra ngay sau kỳ Đại hội Đảng CSVN lần thứ 12, trong bối cảnh môi trường trong và ngoài nước có nhiều cơ hội và thách thức, Hội nghị ngoại giao 29 được xác định là một kỳ đại hội đổi mới tư duy, phương thức, xác định đường lối đối ngoại mới đưa đất nước bước vào một giai đoạn phát triển mới, đặc biệt là giữ vững chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ.


Đổi mới phương thức đối ngoại phục vụ phát triển đất nước trong tình hình mới - ảnh 1
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh phát biểu tại Hội nghị Ngoại vụ toàn quốc lần thứ 18


Chủ đề của Hội nghị Ngoại giao 29 là “Nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế - Thực hiện thắng lợi đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng lần thứ 12”. Hội nghị nhằm đánh giá tiến trình thực hiện đường lối đối ngoại thời gian qua, đặc biệt là trong nhiệm kỳ 5 năm vừa qua, đồng thời xác định nhiệm vụ chủ yếu của ngoại giao trong thời gian tới, đổi mới tư duy một cách toàn diện trong hoạt động đối ngoại, đặc biệt là tư duy về ngoại giao phục vụ phát triển.

Công tác đối ngoại đóng góp tích cực vào việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội

Nhìn lại chặng đường đã đi, sau 30 năm Đổi mới và nhất là trong nhiệm kỳ Đại hội Đảng XI (2011-2015), có thể khẳng định chưa bao giờ quan hệ ngoại giao của Việt Nam lại rộng mở như hiện nay. Bên cạnh việc tiếp tục củng cố, phát triển quan hệ với các mối quan hệ với bạn bè truyền thống, ngoại giao Việt Nam thời gian qua đã hoàn thành việc xây dựng khuôn khổ quan hệ đối tác với hầu hết các nước có ảnh hưởng lớn ở khu vực và trên thế giới, mang lại ngày càng nhiều lợi ích về kinh tế, thương mại, đầu tư, chính trị, quốc phòng, an ninh, văn hóa. Đến nay, Việt Nam có quan hệ kinh tế, thương mại với 224 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong giai đoạn 5 năm từ 2011 - 2015, tổng mức lưu chuyển ngoại thương hàng hóa, dịch vụ đạt trên 1.400 tỷ USD, gấp đôi giai đoạn 2006 – 2010. Tổng số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt gần 60 tỷ USD, tăng trên 33% so với 5 năm 2006 – 2010. Cũng trong 5 năm qua, ngành ngoại giao Việt Nam đã vận động được thêm 36 đối tác mới, nâng tổng số đối tác chính thức công nhận quy chế kinh tế thị trường ở Việt Nam lên 59. Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh nhận định: “Trong thời gian qua, Việt Nam đã hội nhập và ngày càng hội nhập quốc tế tích cực. Từ chủ trương ban đầu là hội nhập kinh tế, 5 năm qua chúng ta đã hội nhập toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Không chỉ ký kết rất nhiều các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà còn tham gia vào các lĩnh vực hợp tác quốc phòng an ninh, như lần đầu tiên tham gia vào các hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc. Ngoài ra đóng vai trò quan trọng vào cơ chế của các tổ chức quốc tế như Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc, ASEAN... Đó là những thành tựu cơ bản trong hoạt động đối ngoại”.

Bên cạnh đó, công tác đối ngoại góp phần quan trọng vào nhiệm vụ giữ vững chủ quyền lãnh thổ, biển, đảo, bảo vệ an ninh Tổ quốc. Trước những diễn biến phức tạp ở Biển Đông, đối ngoại đã sử dụng linh hoạt, triệt để các biện pháp chính trị, ngoại giao, mọi kênh đối thoại, tiếp xúc, kiên quyết đấu tranh bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, đồng thời chủ động tranh thủ mọi cơ hội để giảm căng thẳng, khôi phục lòng tin, thúc đẩy hợp tác hữu nghị, nỗ lực đối thoại nhằm tìm kiếm giải pháp cơ bản, lâu dài.

Vì lợi ích tối cao của quốc gia, dân tộc

Những thành tựu đối ngoại này là tiền đề quan trọng để đưa đất nước bước vào giai đoạn phát triển mới. Tuy nhiên, tiến trình hội nhập quốc tế bên cạnh những thuận lợi lại đang tạo nhiều sức ép lên các vấn đề văn hóa, xã hội và môi trường của đất nước. Đại hội Đảng 12 đã xác định rõ hai định hướng đối ngoại quan trọng đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong nhiều năm tới, đó là “nâng cao hiệu quả các hoạt động đối ngoại” và “triển khai mạnh mẽ định hướng chiến lược chủ động và tích cực hội nhập quốc tế”. Bám sát các nhiệm vụ đó, Hội nghị Ngoại giao 29 đã xác định phát huy cao độ trí tuệ và kinh nghiệm của toàn ngành để trao đổi, tìm ra phương hướng, biện pháp cụ thể nhằm thúc đẩy các lợi ích an ninh và phát triển, nâng cao hơn nữa vị thế quốc tế của đất nước. Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh nhấn mạnh: “Hội nghị ngoại giao lần này tập trung bàn làm sao đưa ra những biện pháp để thực hiện những mục tiêu cao nhất của đất nước trong giai đoạn sắp tới. Đó là làm sao duy trì được môi trường hòa bình ổn định thông qua việc tăng cường quan hệ với các nước, mở rộng quan hệ với các nước trên cơ sở lợi ích quốc gia. Mục tiêu thứ hai là tăng cường hội nhập và hội nhập quốc tế một cách chủ động tích cực. Tiếp tục đổi mới những tư duy phục vụ kinh tế, đồng hành cùng với doanh nghiệp với người dân trong việc hội nhập quốc tế”.

Bên cạnh đó, ngành ngoại giao tiếp tục tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa quốc phòng - an ninh - đối ngoại trong việc bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, đồng thời giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển. Với tinh thần đổi mới và ý thức trách nhiệm cao đối với nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao phó cho ngành đối ngoại, Hội nghị Ngoại giao 29 sẽ là Hội nghị của quyết tâm hành động, đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác