Giám sát, phản biện xã hội: chức năng quan trọng của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong thời kỳ mới

(VOV5) - Tại Đại hội toàn quốc Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam lần thứ 8 khai mạc ngày 26/9 tới đây, thực hiện giám sát và phản biện xã hội là một trong những nhiệm vụ quan trọng được đưa vào văn kiện Đại hội. Đây cũng là việc làm cụ thể triển khai Hiến pháp 2013 và "Quy chế giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội" do Bộ chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XI ban hành 12/2013. Thực hiện tốt chức năng này, MTTQ không chỉ thể hiện rõ vai trò đại diện và bảo vệ cho quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân mà còn góp phần quan trọng để xây dựng Đảng, chính quyền vững mạnh.


Giám sát, phản biện xã hội: chức năng quan trọng của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong thời kỳ mới - ảnh 1
Ảnh minh họa (nguồn: internet)


 Sau khi Quốc hội thông qua Hiến pháp 2013 và ngày 12/12/2013, Bộ Chính trị ban hành "Quy chế giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội" cùng "Quy định về việc MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, chính quyền", MTTQ Việt Nam có đầy đủ chức năng, nhiệm vụ giám sát, phản biện, góp ý xây dựng Đảng, chính quyền và cả quy chế thực hiện để đảm nhiệm trọng trách này.


Mục đích thực hiện chức năng giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam là nhằm góp phần xây dựng và củng cố chính quyền nhân dân, để cơ quan nhà nước, chính quyền tăng cường công tác quản lý mọi mặt của đời sống xã hội, khắc phục những tồn tại, yếu kém trong quản lý, điều hành phục vụ người dân ngày càng tốt hơn.


Nhiệm vụ cơ bản để xây dựng Nhà nước của dân, do dân, vì dân


Giám sát và phản biện xã hội là 2 mặt công tác cơ bản của MTTQ Việt Nam nhằm hướng tới mục tiêu xây dựng một Nhà nước mà ở  đó "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra" với tư cách là người chủ đích thực. Thực hiện chức năng đã được Hiến định, trong "Quy chế giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội" do Bộ Chính trị ban hành, MTTQ Việt Nam theo dõi, phát hiện, đánh giá, kiến nghị nhằm tác động tới cơ quan, tổ chức, cán bộ, đảng viên, đại biểu dân cử, công chức, viên chức Nhà nước về việc thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Mặt trận nhận xét, đánh giá, nêu chính kiến, kiến nghị đối với dự thảo các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.


Thời gian qua, MTTQ Việt Nam làm khá tốt chức năng phản biện. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân nên hiệu quả giám sát của MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân chưa cao. Các hoạt động của MTTQ và các tổ chức thành viên chủ yếu chỉ là góp ý kiến, kiến nghị về chủ trương, chính sách, pháp luật trong quá trình dự thảo. Mặt trận vẫn lắng nghe và phản ánh tâm tư, nguyện vọng của nhân dân. Nhưng việc phản ánh ấy mới chỉ dừng ở báo cáo tổng hợp ý kiến cử tri mỗi năm hai lần trình bày trước Quốc hội và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh. Trong khi đó yêu cầu của phản biện xã hội phải ở mức sâu hơn và cần được tổ chức thực hiện một cách khoa học.


Nâng cao hiệu quả giám sát và phản biện xã hội trên nhiều phương diện


Để nâng cao chất lượng giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc trong thời gian tới, vấn đề nhân sự là khâu rất quan trọng. Bà Bùi Thị Thanh, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, cho biết: "
Nhiệm kỳ tới, chúng tôi quyết tâm đầu tư nhiều hơn cho công tác tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Thứ hai, tăng cường biên soạn tài liệu nội dung, chương trình bài bản hơn và phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ mới để tập huấn cho cán bộ Mặt trận nói chung, trong đó chú ý đến cán bộ mặt trận ở xã, phường, thị trấn và khu dân cư”.


Giám sát và phản biện của Mặt trận thể hiện vai trò làm chủ và quyền làm chủ của nhân dân. Mặt trận đại diện cho nhân dân để thực hiện vai trò, trách nhiệm này. Ông Nguyễn Túc, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn văn hóa-xã hội, cho rằng để thực hiện tốt công tác giám sát và phản biện thì Mặt trận phải huy động được sức mạnh của toàn dân. Do đó, Mặt trận phải phát huy được sức mạnh của dân để dân giám sát và phản biện: 
“Giám sát, phản biện của Mặt trận là giám sát phản biện của nhân dân, làm được việc này thì thành công. Dân hưởng ứng nhiều thì ta thành công nhiều, dân hưởng ứng hoàn toàn thì ta thắng lợi hoàn toàn còn dân hưởng ứng ít thì khó khăn. Ở đây vấn đề chính là tổ chức nhân dân tham gia ngày càng đông, trên mọi lĩnh vực, đặc biệt những cán bộ, người cao tuổi có trình độ và đã từng kinh qua hoạt động đó”.


Cơ chế xử lý kết quả giám sát và phản biện xã hội cũng là yêu cầu được đặt ra. Nếu tính từ tháng 12/2013 trở về trước thì cơ chế để xử lý kết luận giám sát và phản biện xã hội còn mờ nhạt thì sau khi Bộ chính trị ban hành Quy chế giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội, đã có những quy định cụ thể về việc tiếp thu, xem xét, xử lý kết quả giám sát, phản biện. Tới đây nếu luật MTTQ VN (sửa đổi) được Quốc hội thông qua với những quy định chi tiết về giám sát và phản biện xã hội thì vấn đề nêu trên sẽ cơ bản được đáp ứng. Tại Đại hội VIII sắp tới, nội dung trên cũng được đề cập cụ thể. Phó chủ tịch Ủy ban TWMT TQ Việt Nam Nguyễn Văn Pha cho biết: "
Trong dự thảo báo cáo chính trị trình Đại hội VIII, chúng tôi dự kiến đưa ra 5 chương trình hành động. Và nội dung giám sát, phản biện xã hội thuộc chương trình thứ 3, cụ thể là tham gia công tác xây dựng Đảng, chính quyền của MTTQ. Trong công tác này sẽ nói đậm nét  nhiệm vụ giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận. Nếu được Đại hội thông qua, chúng tôi sẽ xây dựng chương trình giám sát, phản biện  xã hội hàng năm rồi triển khai ở mặt trận Tổ quốc các cấp".


Năm 2014 là năm đầu tiên thực hiện Quy chế Giám sát - Phản biện của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị, cũng là năm đầu tiên Hiến pháp 2013 đi vào cuộc sống, mà tại đó bản chất Nhà nước của dân, do dân, vì dân được thể hiện đầy đủ, rõ ràng qua tổ chức đại diện và bảo vệ cho quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân là MTTQ Việt Nam.


Do đó để thực hiện tốt nhiệm vụ giám sát và phản biện xã hội chính là cách để quyền làm chủ của dân được tôn trọng, để tạo nên sự đồng thuận trong xã hội, góp phần xây dựng đất nước trong sạch, vững mạnh./.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác