Hiện thực hóa cơ chế hợp tác kinh tế toàn khu vực

(VOV5) -  Hội nghị hẹp Bộ trưởng kinh tế của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) nhằm thúc đẩy công tác chuẩn bị cho việc thiết lập Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), vừa kết thúc hôm qua (1/3) sau 3 ngày họp tại Malaysia. Tại đây, các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN đã nhất trí hiện thực hóa xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN đồng thời kết thúc đàm phán Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) vào cuối năm nay 2015. Đáng chú ý, trong số các thành viên ASEAN, Việt Nam hiện nằm trong top các nước đứng đầu về việc hoàn thành các cam kết xây dựng Cộng đồng ASEAN.

Hiện thực hóa cơ chế hợp tác kinh tế toàn khu vực - ảnh 1

Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) ra đời từ bản Tuyên bố “Tầm nhìn ASEAN 2020” được kí kết vào năm 1997, lúc ASEAN kỉ niệm 30 năm thành lập. Mục tiêu chính của AEC là tạo ra một thị trường thống nhất toàn khối ASEAN vào cuối năm 2015 (rút ngắn 5 năm so với mục tiêu đặt ra trước đó), trong đó hàng hóa, dịch vụ, vốn đầu tư và lao động có thể tự do di chuyển. Đối với Việt Nam, theo nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, tác động tích lũy sau khi tham gia AEC có thể giúp GDP của Việt Nam tăng thêm 3,5%.

Tham gia tích cực, chủ động

Năm 2015 được coi là một năm bản lề đối với công cuộc xây dựng Cộng đồng ASEAN. Cho đến nay, ASEAN đang tập trung hiện thực hóa AEC vào cuối năm 2015 với gần 90% khối lượng công việc hiện đã hoàn thành.

Đến nay, trong khối ASEAN, Việt Nam được đánh giá là một trong 4 thành viên có tỷ lệ hoàn thành tốt nhất các cam kết trong lộ trình tổng thể thực hiện AEC. Việt Nam đã giảm thuế nhập khẩu cho hơn 10 nghìn dòng thuế xuống mức 0-5%, chiếm khoảng 98% số dòng thuế trong biểu thuế. Ông Lê Triệu Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ chính sách thương mại đa biên, Bộ Công thương, cho biết: “Sự tham gia chủ động tích cực của Việt Nam thể hiện ở rất nhiều sáng kiến về thuận lợi hóa thương mại, được thực hiện với các nước ASEAN, có tác dụng quan trọng và có lợi cho nền kinh tế. Ví dụ như cơ chế hải quan 1 cửa. Hiện nay Việt Nam đang triển khai cơ chế hải quan 1 cửa quốc gia, tiến tới triển khai cơ chế 1 cửa ASEAN tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu. Hoặc cơ chế tạo thuận lợi cho hoạt động doanh nghiệp như tự chứng nhận xuất xứ. Nhìn chung chúng ta đạt được 90% cam kết thực hiện trong ASEAN”.

Tận dụng cơ hội, vượt qua thách thức

Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định việc tích cực và chủ động tham gia AEC sẽ mang lại những lợi ích to lớn cho Việt Nam. Đó là tăng trưởng kinh tế nhanh hơn, tạo ra nhiều việc làm, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài mạnh mẽ hơn hay năng lực sản xuất và tính cạnh tranh của nền kinh tế sẽ tốt hơn. Xét trên mối tương quan về quan hệ kinh tế của Việt Nam với ASEAN so với thế giới cũng như xét trên triển vọng của hợp tác kinh tế ASEAN, việc thiết lập AEC sẽ giúp nền kinh tế Việt Nam ngày càng định vị rõ hơn, vững chắc hơn trong cấu trúc chuỗi sản xuất chung của khu vực. Tuy nhiên, bên cạnh cơ hội, thách thức khi gia nhập AEC của Việt Nam cũng không nhỏ. Trước hết là sự chênh lệch về trình độ phát triển so với 6 nước ASEAN trong khu vực, và sức ép cạnh tranh khi các nước ASEAN loại bỏ các hàng rào thuế quan và phi thuế quan. Ông Lê Triệu Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương, cho biết thêm: “Chúng ta đang tham gia tích cực, chủ động. Tuy nhiên, trong quá trình này thách thức lớn nhất là quá trình cạnh tranh, khi mở cửa hàng hóa dịch vụ tự do, doanh nghiệp phải cạnh tranh khốc liệt hơn. Đây là cả tiến trình, cam kết của Việt Nam không phải đến năm 2015 mới đưa ra, mà cơ quan quản lý đã có lộ trình. Cơ quan quản lý nhà nước cần tạo môi trường kinh doanh thuận lợi. Về phía các doanh nghiệp phải tìm hiểu nghiên cứu để có chiến lược kinh doanh dài hạn và phù hợp, tận dụng được các cơ hội mang lại”.

Nỗ lực hội nhập kinh tế toàn khu vực

Cho đến nay, Việt Nam đã có sự chuẩn bị cả về phía các cơ quan chức năng và doanh nghiệp, để tham gia hiệu quả vào AEC. Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Cẩm Tú khẳng định: “Thứ nhất, chúng ta nỗ lực và hoàn thành có hiệu quả các giải pháp, biện pháp đã nêu trong kế hoạch tổng thể Cộng đồng kinh tế ASEAN. Thứ hai, chúng ta tiếp tục thực hiện tốt các cam kết trong ASEAN, các cam kết trong Tổ chức thương mại thế giới (WTO) và xa hơn nữa là những cam kết trong cấu trúc hội nhập khác. Đây sẽ là bước thúc đẩy mạnh mẽ cho sự phát triển kinh tế của đất nước. Qua đó, Việt Nam có cơ sở vững chắc, tiếp tục hội nhập thành công và sâu rộng vào nền kinh tế thế giới”.

Sớm nhận diện những cơ hội cũng như thách thức giúp Việt Nam xác lập một chiến lược rõ nét, tham gia chủ động, tích cực hơn, ứng phó linh hoạt và có hiệu quả hơn vào tiến trình thiết lập AEC. Năm 2015 chắc chắn đánh đấu bước phát triển mới trong hội nhập kinh tế ASEAN của Việt Nam./.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác