Hội nghị thường niên IMF-WB: Những lực cản cho hợp tác

(VOV5)- Hội nghị thường niên Quỹ tiền tệ thế giới (IMF) và Ngân hàng thế giới (WB) đang diễn ra tại thủ đô Tokyo của Nhật Bản có sự tham gia của gần 20.000 quan chức chính phủ, giới chủ doanh nghiệp và các thống đốc ngân hàng trung ương. Hội nghị nhằm tháo gỡ những nút thắt của cuộc khủng hoảng ở khu vực đồng tiền chung Châu Âu (eurozone), ngăn chặn đà giảm tốc của nền kinh tế toàn cầu cũng như các biện pháp hỗ trợ các nước đang phát triển. Dư luận trông đợi sẽ có những kết quả cụ thể được đưa ra tại Hội nghị lần này để vực dậy nền kinh tế thế giới trong bối cảnh dự báo tăng trưởng của kinh tế thế giới bị hạ thấp. Tuy nhiên một số căng thẳng trong quan hệ song phương có thể sẽ là lực cản dẫn đến hợp tác thành công tại Hội nghị lần này.

Hội nghị thường niên của IMF và WB cùng những cuộc họp bên lề là cuộc tập hợp hàng năm lớn nhất của giới lãnh đạo tài chính, kinh tế và ngân hàng trên thế giới. Trước năm 2008, có thể thấy vai trò của IMF chưa được coi trọng nhưng cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008 đã làm thay đổi mọi thứ, khiến các nền kinh tế thế giới nhìn nhận khác về sự cần thiết của tổ chức này. Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới vẫn tiếp tục diễn biến theo chiều hướng xấu, Hội nghị lần này được kỳ vọng là dịp để các nhà tài chính hàng đầu thế giới đưa ra những quyết sách quan trọng để tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế toàn cầu, điều chỉnh có hiệu quả những chính sách của các nước phát triển, tăng cường nỗ lực đối phó với những thách thức khi mà cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu đã lan rộng ra ngoài khu vực, làm tổn thương đến các nền kinh tế mới nổi.

Hội nghị thường niên IMF-WB: Những lực cản cho hợp tác  - ảnh 1
Ảnh: AFP

Tuy nhiên, ngay trước thềm Hội nghị,  Trung Quốc đã thông báo Bộ trưởng tài chính và Thống đốc Ngân hàng trung ương nước này sẽ không tham dự các sự kiện của Hội nghị mà chỉ cử cấp phó đi thay. Sự vắng mặt của 2 quan chức cấp cao hàng đầu trong lĩnh vực tài chính ngân hàng Trung Quốc cùng đại diện của một loạt các ngân hàng Trung Quốc tại diễn đàn quan trọng này cho thấy sự rạn nứt nghiêm trọng trong quan hệ song phương giữa hai cường quốc Châu Á giờ đã ảnh hưởng trực tiếp đến quan hệ đa phương. Bởi, quan hệ kinh tế-tài chính Trung-Nhật là một trong những mối quan hệ cần thiết và quan trọng trong cơ chế kinh tế thế giới. Trước ngưỡng cửa Hội nghị, Tổng giám đốc IMF Christine Lagarde đã kêu gọi nền kinh tế lớn thứ 2 và thứ 3 thế giới hãy cùng tập trung hướng vào tăng trưởng toàn cầu thay vì phân tâm bởi cuộc tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, đồng thời nhấn mạnh rằng nền kinh tế toàn cầu hiện nay rất cần cả Nhật Bản lẫn Trung Quốc can dự đầy đủ. Thế nhưng các thành viên của cuộc xung đột chưa hề thể hiện thái độ hưởng ứng lời kêu gọi tiến tới bắt tay hợp tác.

Trong khi đó, ngay tại thời điểm khai mạc Hội nghị, Mỹ và Trung Quốc cũng bùng nổ một cuộc chiến thương mại khi Washington đưa ra cáo buộc hai đại gia viễn thông của Bắc Kinh là Huawei và ZTE là mối hiểm họa an ninh quốc gia. Theo một báo cáo điều tra của Ủy ban tình báo hạ viện Mỹ, Bắc Kinh có thể đã sử dụng 2 công ty công nghệ hàng đầu của mình để do thám về kinh tế-quân sự, hoặc tiến hành các cuộc tấn công mạng nhằm vào Washington. Trước cáo buộc này, phía Bắc Kinh đã phản bác và cho rằng báo cáo này chỉ dựa vào nghi ngờ chủ quan và chứng cứ không có thực, lấy vấn đề an ninh quốc gia làm lý do để tiến hành tố cáo vô cớ đối với Trung Quốc, bài xích các doanh nghiệp Trung Quốc triển khai hoạt động kinh doanh bình thường và cạnh tranh chính đáng tại Mỹ. Vụ việc căng thẳng này xảy ra chỉ 2 tuần sau khi Hoa Kỳ chính thức đệ đơn lên Tổ chức thương mại thế giới (WTO) kiện Trung Quốc trợ giá xe hơi và linh kiện xuất khẩu, còn Trung Quốc kiện lại Hoa Kỳ đánh thuế quá mức vào sản phẩm Trung Quốc. Đây chỉ là 1 trong số 10 vụ kiện Trung Quốc mà Mỹ đang tiến hành trong suốt 2 năm qua và là một phần trong những nỗ lực của Tổng thống Hoa Kỳ  Barrack Obama nhằm làm giảm thặng dư mậu dịch của Trung Quốc đối với Hoa Kỳ.

Nhìn về Châu Âu, các nhà phân tích cũng không thấy bất cứ dấu hiệu khả quan nào khi các nỗ lực giảm thiểu nợ và tăng tính thanh khoản, cũng như các gói kích cầu của các quốc gia trên thế giới vẫn không đem lại hiệu quả rõ rệt. Tăng ngân sách, giảm thâm hụt bằng cách thắt chặt chi tiêu, dẫn đến cắt giảm các chương trình phúc lợi xã hội và hỗ trợ cho người nghèo thực tế vẫn đang là vòng luẩn quẩn ở các quốc gia trong khu vực. Hiện, dư luận trông chờ quỹ giải cứu khủng hoảng, hay còn gọi là Cơ chế Bình ổn châu Âu, trị giá 650 tỉ USD do khối eurozone công bố hôm 8/10 có thể đưa khu vực này thoát ra khỏi tình trạng hiện nay. Điều quan trọng là châu Âu cần đạt được đồng thuận các chính sách về thuế và chi tiêu công, cũng như cần nhanh chóng triển khai việc hợp nhất hệ thống ngân hàng trong khu vực. Đây là vấn đề được trông đợi tại Hội nghị lần này.

Theo báo cáo “Triển vọng kinh tế thế giới” do IMF công bố hồi tuần trước, dự báo tăng trưởng của nền kinh tế thế giới sẽ giảm từ 3,5% xuống còn 3,3% trong năm nay và từ 3,9% xuống còn 3,6% trong năm 2013. Đà hồi phục của kinh tế toàn cầu phụ thuộc rất lớn vào các chính sách của các cường quốc cũng như mối quan hệ giữa các nước này. Nhưng tại diễn đàn quan trọng năm nay, sự thiếu vắng vai trò chủ chốt của kinh tế thế giới hay những cái bắt tay hờ hững thiếu thiện chí, khiến dư luận không khỏi lo ngại, kinh tế thế giới sẽ tiếp tục chứng kiến những bước thụt lùi mới./.

Phản hồi

Các tin/bài khác