IPU-132 và dấu ấn Việt Nam

(VOV5) - Công tác chuẩn bị, tiếp đón và tổ chức Đại hội đồng Liên minh Nghị viện Thế giới IPU-132 tại Việt Nam đã chiếm trọn vẹn sự hài lòng của các thành viên tham dự, không ít đại biểu gọi là điều tuyệt vời. Đó là cảm nhận chân thành của các nghị sĩ, đại biểu đại diện cho 166 quốc gia đến từ khắp nơi trên thế giới tham dự IPU-132, sự kiện ngoại giao nghị viện lớn nhất hành tinh đang diễn ra tại Hà Nội. 


IPU-132 và dấu ấn Việt Nam - ảnh 1

Chủ tịch Quốc hội Việt Nam, Chủ tịch IPU-132 Nguyễn Sinh Hùng trả lời báo chí tại buổi họp báo quốc tế ngày 1/4

5 ngày hoạt động với khoảng gần 70 sự kiện, bao gồm các phiên thảo luận chính và các hoạt động bên lề, IPU-132 đã đi đến cuối chặng đường và để lại dấu ấn tốt đẹp về một Việt Nam thân thiện, hòa bình, tích cực, chủ động, có trách nhiệm trong lòng bạn bè quốc tế.

Nội dung thiết thực với mỗi quốc gia, dân tộc

Không chỉ tạo được dấu ấn với những ấn tượng ban đầu, các đoàn đại biểu đánh giá cao những nội dung được chuẩn bị trong IPU-132. Những vấn đề về vai trò của nghị viện trong các lĩnh vực an ninh mạng, quản trị nước, luật pháp quốc tế, chủ quyền quốc gia, quyền con người, bình đẳng giới, các vấn đề của Liên hợp quốc, an ninh mạng, chăm sóc sức khỏe của bà mẹ và trẻ em… được thảo luận trong khuôn khổ IPU-132, là những nội dung rất thiết thực đối với nghị viện mỗi quốc gia. Nữ nghị sĩ Hon. Rosaline J. Smith của Quốc hội Sierra Leone, cho rằng: Việt Nam đã làm tốt công tác chuẩn bị cho Hội nghị và có đóng góp đáng kể cho Ðại hội đồng IPU 132. Về nội dung thảo luận, tôi có thể khẳng định rằng chủ đề thảo luận của Hội nghị lần này rất tuyệt, đó là biến lời nói thành hành động, hiện thực hóa các kế hoạch, những cam kết của nghị viện. Tôi rất ấn tượng với những gì mà nước chủ nhà Việt Nam đã làm cho IPU lần này.

Chủ đề của IPU-132 là “Các mục tiêu phát triển bền vững, biến lời nói thành hành động” do Việt Nam đưa ra đúng thời điểm cộng đồng thế giới tổng kết việc thực hiện các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ (MDGs), thông qua Chương trình nghị sự phát triển bền vững và hoạch định các mục tiêu cho giai đoạn tiếp theo sau năm 2015. Điều này khiến IPU-132 trở thành một kỳ họp thực chất và hiệu quả hơn. Nữ nghị sĩ Đức Dagmar Freitag chia sẻ: Chúng ta cần hợp tác để biến lời nói thành hành động vì có rất nhiều vấn đề không thể thể giải quyết ở tầm quốc gia mà phải có sự chung tay của cả cộng đồng quốc tế. Đó là lý do chúng tôi có mặt ở Hà Nội để cùng giải quyết các vấn đề chung. Sự tham gia của 166 quốc gia tại IPU lần này và những nghị quyết được thông qua sẽ có tầm ảnh hưởng rất lớn.

Cùng chung nhận định, ông Hans Franken, nghị sĩ Hà Lan cho rằng mỗi kỳ đại hội đồng IPU, việc lựa chọn chủ đề được các thành viên IPU và Hội đồng IPU nhất trí thông qua trên cơ sở đề xuất của nước chủ nhà. Chủ đề do Việt Nam đề xuất lần này nhận được sự ủng hộ của hầu hết các thành viên bởi phù hợp hoàn toàn với mục tiêu mà cộng đồng quốc tế đang hướng tới: Tôi đánh giá cao chủ đề phát triển bền vững tại Đại hội IPU lần này. Các vấn đề không chỉ giải quyết ở từng quốc gia, mà được thảo luận rộng rãi trên phạm vi quốc tế vì chúng ta sống trong cùng một thế giới và chúng ta cần nhau.

Sẽ là thách thức đối với các nhà tổ chức sự kiện IPU lần sau 

Không chỉ được đánh giá cao về công tác chuẩn bị nội dung chương trình nghị sự, IPU-132 tại Việt Nam còn để lại ấn tượng sâu đậm về một quốc gia có nền văn hóa đậm đà bản sắc, thân thiện, chu đáo và mến khách. Trong suốt những ngày diễn ra Hội nghị, ngay tại tiền sảnh Trung tâm Hội nghị Quốc gia, nhiều gian hàng trưng bày sản phẩm truyền thống mang đậm bản sắc của 54 dân tộc Việt Nam đã “níu” chân các đại biểu quốc tế. Nhiều đại biểu tỏ ra thích thú khi lựa chọn cho mình một món quà “rất Việt Nam”: Đó là chiếc túi thổ cẩm do các nghệ nhân Hà Giang làm hay một chiếc áo lụa Hà Đông, thậm chí chỉ là một bức ảnh chụp chung với các nghệ nhân Việt Nam...Đặc biệt, một không gian âm nhạc truyền thống đã thu hút sự chú ý hầu hết đại biểu tham dự IPU-132. Đại biểu quốc hội Chile, bà Denise Pascal-Allende, bày tỏ: Tôi yêu âm nhạc, nghệ thuật và văn hóa truyền thống Việt Nam. Tôi đã có dịp được tới Đồng Mô để tham dự buổi giao lưu văn hóa trong khuôn khổ IPU 132. Đây quả thực là quãng thời gian để lại nhiều ấn tượng trong tôi về bản sắc văn hóa dân tộc đặc sắc của các bạn.

Hết lời ca ngợi sự chuẩn bị kỹ càng chu đáo của nước chủ nhà Việt Nam cho IPU-132, nghị sĩ Indonesia Rahayu Saraswati khẳng định khó có quốc gia nào có thể làm tốt hơn Việt Nam tại kỳ họp IPU lần này và “tuyệt vời” là từ mà nữ nghị sĩ này nhắc lại nhiều lần trong cuộc trò chuyện với phóng viên VOV: Tôi cho rằng Việt Nam đã làm được những điều rất tuyệt vời. Đây là lần đầu tiên tôi đến Việt Nam và rất có ấn tượng với nước mến khách này. Tôi không có cảm giác khác lạ của một vị khách, tôi cảm thấy ở đây thoải mái như chính trong ngôi nhà của mình vậy.

“Việt Nam – một đất nước tuyệt vời!”. Chủ tịch IPU Saber Choudhury đã khẳng định điều này khi chia sẻ những cảm nhận đối với công tác tổ chức IPU 132 của Việt Nam. Theo ông Saber Choudhury, những đóng góp của Việt Nam tại IPU lần này vượt qua sự kì vọng của IPU, đồng thời cũng là thách thức đối với các nhà tổ chức IPU trong tương lai. Đối với Việt Nam, thêm một lần tổ chức thành công sự kiện ngoại giao đa phương, Việt Nam có thêm cơ hội quảng bá về lịch sử, văn hóa, du lịch, đất nước, con người cũng như sự phát triển kinh tế năng động, để mở ra những cơ hội hợp tác, phát triển mới./.

Phản hồi

Các tin/bài khác