Kết quả bầu cử tại Hy Lạp: kẻ mừng, người lo

(VOV5)- Không nằm ngoài dự đoán, đảng Syriza cánh tả ở Hy Lạp giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Quốc hội trước thời hạn diễn ra ngày 25/01. Điều này đồng nghĩa với việc lãnh đạo đảng Syriza, ông Alexis Tsipras, trở thành Thủ tướng mới của Hy Lạp và cũng là lần đầu tiên kể từ cuộc Chiến tranh Thế giới thứ II, một đảng cánh tả lên cầm quyền tại quốc gia này. Trái ngược với sự vui mừng của người dân Hy Lạp, nhiều nước thuộc Liên minh châu Âu, đón nhận với tâm trạng dè chừng khi Syriza là đảng phản đối chính sách thắt lưng buộc bụng của EU. 


Kết quả cuộc bầu cử chính thức do Bộ Nội vụ Hy Lạp công bố ngày 26/1 xác nhận chiến thắng áp đảo của đảng Syriza. Theo đó, đảng này giành chiến thắng với 36,37% số phiếu ủng hộ, tương đương 149/300 ghế trong Quốc hội Hy Lạp. Kết quả trên vượt xa đảng Dân chủ Mới (ND) của Thủ tướng Antonis Samaras khi chỉ giành được 76 ghế. Đảng "Bình minh Vàng" và đảng Potami (Dòng sông) nhận được 17 ghế; đảng Cộng sản Hy Lạp (KKE) đứng thứ 5 với 15 ghế.


Kết quả bầu cử tại Hy Lạp: kẻ mừng, người lo  - ảnh 1
Chiến dịch tranh cử của ông Tsipras được lên kế hoạch khéo léo và rất am hiểu về truyền thông (ảnh: AP)


Cương lĩnh tranh cử phù hợp nguyện vọng cử tri


Thắng lợi của đảng Syriza không gây bất ngờ bởi kết quả nhiều lần thăm dò dư luận trước đó cho thấy đảng này luôn giành số phiếu ủng hộ của cử tri cao hơn các đảng khác. Nguyên nhân là cương lĩnh tranh cử của Syriza đánh trúng tâm lý của người dân Hy Lạp khi khẳng định bỏ chính sách thắt lưng buộc bụng, ngừng việc cắt giảm lương và chi tiêu công, chấm dứt nạn tham nhũng... Đây là những điều mà người dân Hy Lạp, những người đang kiệt sức vì các biện pháp thắt lưng buộc bụng theo yêu cầu của các chủ nợ quốc tế trong 5 năm qua, đang phải chịu đựng. Thực tế cũng cho thấy mặc dù kinh tế Hy Lạp thời gian qua được cải thiện, kinh tế có tăng trưởng dương nhưng do chính sách thắt lưng buộc bụng nên 25% người dân vẫn thất nghiệp, nhiều người lâm vào cảnh nghèo khó. Do đó, không ít cử tri dường như quên mất giá trị của các gói cứu trợ quốc tế và chuyển sang dồn phiếu cho đảng Syriza.   



Nắm rõ tâm lý của cử tri nên ngay trong phát biểu nhậm chức Thủ tướng ở thủ đô Athens, ngày 26/01, lãnh đạo đảng Syriza, ông Alexis Tsipras tái cam kết sẽ nỗ lực hết sức vì lợi ích của người dân và đất nước Hy Lạp. Trước đó, ngay khi xác nhận thắng cử, đảng Syriza cũng kịp đưa ra những tuyên bố khiến cả Liên minh châu Âu (EU) không khỏi lo ngại. Đó là kể từ ngày 26/1 Hy Lạp ngừng chính sách thắt lưng buộc bụng mà đất nước thi hành 5 năm qua theo yêu cầu của các chủ nợ quốc tế để đổi lấy chương trình cứu trợ kinh tế. Đồng thời, Athens sẽ đưa ra kế hoạch cải cách, đầu tư và khôi phục kinh tế của riêng mình. Các chương trình hợp tác với Nhóm Bộ trưởng Tài chính Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), còn gọi là Eurogroup, sẽ phải chấm dứt.


Châu Âu lo ngại


Mặc dù gửi điện chúc mừng tới lãnh đạo đảng Syriza song trước những tuyên bố đi ngược lại thỏa thuận với các chủ nợ, nhiều quốc gia trong Liên minh châu Âu không quên khẳng định rõ quan điểm Hy Lạp phải thực hiện cam kết thắt lưng buộc bụng. Thủ tướng Đức Angela Merkel hy vọng Chính phủ mới của Hy Lạp sẽ thực hiện những cam kết với các chủ nợ quốc tế. Berlin cũng tuyên bố Đức mong muốn được hợp tác cùng Chính phủ mới của Hy Lạp trong khi sẽ xem xét thận trọng những chính sách, kế hoạch cũng như quá trình thực hiện các cam kết của Athen trong tương lai. Thủ tướng Phần Lan Alexander Stubb khẳng định nước ông sẽ phản đối đề xuất xóa một phần nợ cho Hy Lạp, song nhấn mạnh Helsinki sẵn sàng thảo luận các điều khoản và gia hạn nợ cho Athens.


Trong khi đó, ông Alexis Tsipras, lãnh đạo Đảng Syriza vẫn để ngỏ khả năng ở lại Eurozone nhưng đòi hỏi EU phải giảm bớt gánh nặng nợ nần và đàm phán lại các điều khoản của gói cứu trợ trị giá 240 tỷ euro mà nước này vay từ bộ 3 chủ nợ (Quỹ Tiền tệ quốc tế - IMF, Ngân hàng Trung ương châu Âu - ECB và EU) từ giữa năm 2010. Nếu không đạt được thỏa thuận này thì Hy Lạp sẽ bị vỡ nợ và buộc phải rút khỏi Eurozone. Nhưng kịch bản ra khỏi Eurozone cũng chưa chắc sẽ mang lại cho Hy Lạp một viễn cảnh tốt đẹp hơn. Đây là thách thức đối với Syriza và các chủ nợ bởi bộ 3 chủ nợ dường như không có ý định nhượng bộ. Ông Benoit Coeure, Thành viên ban lãnh đạo Ngân hàng Trung ương châu Âu, khẳng định Hy Lạp phải trả khoản nợ. Đó là luật chơi của Eurozone. Ở đây không có chỗ cho các hành động đơn phương. 


Trên thị trường tiền tệ, sau khi thông tin đảng cánh tả Syriza giành chiến thắng, đồng euro lập tức lao dốc không phanh khi giảm xuống chỉ còn 1,1112 euro đổi 1USD. Đây là đáy thấp nhất 11 năm đối với đồng tiền chung này. Trên thị trường vàng, trong phiên giao dịch sáng ngày 26/1, giá vàng ở châu Á hướng tới mức cao nhất trong 5 tháng qua do tâm lý lo ngại về nguy cơ bất ổn ở châu Âu, thúc đẩy giới đầu tư mua vàng để bảo toàn tài sản.


Không chỉ liên quan đến kinh tế, kết quả bầu cử tại Hy Lạp cũng gây ra cho châu Âu mối lo ngại về chính trị. Đó là hiệu ứng domino từ chiến thắng của đảng cánh tả Syriza. Thắng lợi từ một đảng chống thắt lưng buộc bụng sẽ tiếp thêm tinh thần cho các đảng theo đường lối tương tự ở châu Âu như Podemos, đảng hiện đang rất thành công trong việc lôi kéo cử tri ở Tây Ban Nha chống lại những chính sách hà khắc mà Chính phủ đang áp dụng để đối phó với suy thoái kinh tế. Ngay sau thắng lợi của đảng cánh tả Syriza, thủ lĩnh đảng Podemos Pablo Iglesias có bài phát biểu với người ủng hộ tại TP Valencia, Tây Ban Nha rằng Syriza, Podemos sẽ cùng chiến thắng.


Kết quả bầu cử tại Hy Lạp tuy được người dân vui mừng đón nhận nhưng cũng đặt ra những thách thức không nhỏ đối với đảng cầm quyền và ngay cả với Liên minh châu Âu. Kịch bản nào cho tương lai của Hy Lạp là điều khó ai có thể đưa ra nhận định chắc chắn. Trước những diễn biến khó lường tại Hy Lạp, nhất cử nhất động từ Athens đang được dư luận dõi theo từng ngày./.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác