Liên minh quốc tế chống IS liệu có hoàn thành sứ mệnh?

(VOV5)- Sau 2 tuần hình thành, Liên minh quốc tế chống lực lượng thánh chiến Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) tại Trung Đông đang tiến hành những bước đi đầu tiên nhằm tiêu diệt tận gốc nhóm phiến quân tàn bạo này. Số các quốc gia cam kết gia nhập liên minh do Mỹ khởi xướng ngày một tăng, hiện tại lên tới 54 quốc gia. Song liệu liên minh này có thực sự gắn kết với nhau để hoàn thành sứ mệnh, cho đến nay vẫn đang là câu hỏi lớn?


Trung Đông hiện vẫn là khu vực khủng hoảng “chồng chất”, khiến cho việc tái lập một nền an ninh khu vực gần như là nhiệm vụ bất khả thi. Trong khi nội chiến ở Syria còn chưa được giải quyết, chính quyền Iraq còn yếu, thì sự nổi lên của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) trở thành mối đe dọa an ninh vượt ra ngoài phạm vi khu vực. Sự hung hăng, tàn bạo của các phiến quân IS, đặc biệt bằng những hành động sát hại các nhà báo, con tin, đặt ra nhu cầu cấp bách thế giới phải hành động khẩn cấp, chung vai đối phó với tổ chức tàn bạo này. 


Để thực hiện chiến lược toàn diện nhằm tiêu diệt IS, theo đó mở rộng chiến dịch không kích các mục tiêu của IS không chỉ ở Iraq và cả bên trong lãnh thổ Syria, rạng sáng ngày 23/9, Washington đã tiến hành một loạt các cuộc không kích vào lãnh thổ Syria nhằm truy quét hang ổ của nhóm phiến quân Hồi giáo. Với sự tham gia của các tàu khu trục USS Arleigh Burke mang tên lửa hành trình Tomahawk ở ngoài khơi Biển Đỏ và tàu tuần dương tên lửa dẫn đường USS Philippines Sea ở phía bắc vịnh Ba Tư, các đợt không kích của Mỹ đã phá hủy nhiều cơ sở hạ tầng và khí tài quan trọng của IS. Trước đó, Mỹ đã thực hiện gần 200 cuộc không kích ở Iraq kể từ tháng 8 đến nay. 


Liên minh quốc tế chống IS liệu có hoàn thành sứ mệnh? - ảnh 1
Máy bay chiến đấu của Mỹ (ảnh: Utah People's Post)


Phản ứng trái chiều của cộng đồng quốc tế


Việc Mỹ lãnh đạo các cuộc không kích tại Syria đã gây ra những phản ứng trái chiều ở Trung Đông và trên khắp thế giới, từ ủng hộ tuyệt đối tới lên án gay gắt. 


5 quốc gia khu vực là Arab Saudi Arabia, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất, Jordan, Bahrain và Qatar đã cùng nhập cuộc với Mỹ trong chiến dịch chống IS. Mặc dù phần lớn số bom và tên lửa đánh vào các mục tiêu của IS là từ các máy bay chiến đấu của Mỹ, song sự tham gia của các nước Arab có tầm quan trọng đặc biệt về mặt địa chính trị. Nó chứng tỏ một điều cuộc chiến chống IS đã làm chuyển dịch động lực khu vực, giành được sự ủng hộ của các nước Arab, những quốc gia trước đây phản đối việc Mỹ can thiệp quân sự ở trong vùng. Tại châu Âu, một trong những tuyên bố ủng hộ Mỹ mạnh mẽ nhất tới từ Anh, dù nước này chưa trực tiếp tham gia không kích. Bỉ, Hà Lan cam kết sẽ điều chiến đấu cơ F-16, có thể tác chiến trong một tuần, để hỗ trợ các đợt không kích nhằm vào IS do Mỹ dẫn đầu. Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ, một thành viên của NATO và có chung đường biên giới dài với Syria, vẫn đứng ngoài. Cho đến nay, Istanbul mới chỉ tiết lộ kế hoạch có thể sẽ cung cấp hỗ trợ quân sự và hậu cần cho các cuộc không kích của Mỹ. 


Tại Syria, phản ứng từ Damascus cho đến nay vẫn chưa rõ ràng. Trong khi phe đối lập Syria lên tiếng ủng hộ việc không kích IS, thì các quan chức của Syria và Iran lại chỉ trích chính quyền của Tổng thống Mỹ Barack Obama vì đã loại bỏ hai nước này khỏi liên minh quốc tế chống IS. Nga gọi các cuộc không kích là hành động vi phạm luật pháp quốc tế và sẽ thất bại. Theo Moscow, bất kỳ hành vi can thiệp quân sự nào cũng cần được thực hiện theo đúng luật pháp quốc tế. Việc không kích ở Syria đòi hỏi sự đồng ý của chính phủ Syria và sự phê chuẩn của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc. Lebanon, một đồng minh khác của chính quyền Tổng thống Bashar Al-Assad còn lên án mạnh mẽ hơn, cho rằng Mỹ không đủ tư cách chiến đấu chống khủng bố.


Cuộc chiến không dễ dàng


Hy vọng của Tổng thống Barack Obama về việc quốc tế sẽ ủng hộ các hành động chống IS tại Iraq, Syria có vẻ đang dần thành hiện thực với 54 quốc gia cam kết tham gia. Tuy nhiên, liên minh này có gắn kết với nhau hay không để cùng thực hiện một sứ mệnh là một dấu hỏi lớn. 


Cuộc chiến chống IS này chắc chắn sẽ không dễ dàng với Mỹ và các nước đồng minh. Giới phân tích nhận định chiến lược toàn diện chống IS mục đích rõ ràng, nhưng chưa rõ tính khả thi. Quyền lợi của các bên tham gia liên minh bị xung đột khiến họ khó đạt được mục tiêu chung, Giải pháp tăng cường hỗ trợ cho các lực lượng tác chiến địa phương cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Việc cung cấp vũ khí và huấn luyện cho các tay súng người Kurd gây quan ngại cho các nước trong khu vực. Hơn nữa, không có gì đảm bảo rằng một ngày nào đó các nhóm vũ trang được cho là “ôn hòa” sẽ không quay súng chống lại Mỹ và phương Tây. Đó là chưa nói đến những khó khăn về nguồn lực tài chính khiến các nước tham gia liên minh khó thực hiện được những đóng góp đã cam kết. Chính vì vậy, tham vọng loại bỏ lực lượng phiến quân IS thánh chiến đang thách thức an ninh khu vực và thế giới của liên minh chắc chắn kéo dài nhiều năm, đối mặt với nhiều khó khăn, thử thách.


Liên minh quốc tế chống IS liệu có hoàn thành sứ mệnh? - ảnh 2
Xe tăng của lực lượng người Kurd. Chiếc xe tăng này hướng về khu vực do IS kiểm soát (ảnh: Reuters)


Quyết tâm đã có. Nhưng những biện pháp tạo được sự đồng thuận quốc tế có thể sẽ không giải quyết triệt để và kịp thời các vấn đề an ninh quốc tế, nhất là trong cuộc đấu tranh với một lực lượng khủng bố cực đoan và tàn bạo như IS. Trong lúc này, điều cần thiết là các nước, nhất là các nước lớn, cần xác định  đúng các lợi ích và nhượng bộ nhất định, để góp phần vào hòa bình, an ninh chung của thế giới./.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác