Năm 2016: Brexit làm thay đổi châu Âu

(VOV5) - Việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), còn gọi là Brexit, là một trong những  sự kiện khiến thế giới bàng hoàng trong năm 2016. Không chỉ dẫn đến những thay đổi to lớn trong đời sống chính trị nước Anh cũng như để lại hệ lụy lâu dài cho kinh tế - xã hội xứ sở sương mù, Brexit còn tác động mạnh mẽ lên ngôi nhà chung châu Âu năm 2016.

Năm 2016: Brexit làm thay đổi châu Âu - ảnh 1
Sự kiện Brexit đã khiến thị trường tài sản trên toàn cầu náo loạn. Ảnh minh họa: Tnternet



Kết quả cuộc trưng cầu ý dân ngày 23/6/2016  về việc Anh rời Liên minh châu Âu (Brexit) cho thấy có 52% ủng hộ rời EU so với 48% muốn ở lại. Trước đó, ngay cả lãnh đạo phe ủng hộ Brexit cũng không thể ngờ tới kịch bản phe mình lại chiến thắng.


Ảnh hưởng tiêu cực ban đầu tới Anh nhẹ hơn dự báo  

Chính trị nước Anh có nhiều thay đổi kể từ sau sự kiện Brexit. Tất cả các đảng phái chính trị đều bị ảnh hưởng bởi Brexit. Áp lực nội bộ rất lớn cho tất cả các đảng phái, chính trường và dư luận nội bộ Anh. Đối với đảng Bảo thủ, sau sự ra đi của ông David Cameron, bà Theresa May, một người được cho là ôn hòa đã lên nắm quyền lãnh đạo đảng, trở thành Thủ tướng Anh, với nhiệm vụ quan trọng là kích hoạt tiến trình phức tạp để Anh rời EU. Trong khi đó, Công đảng, đảng đối lập lớn nhất Anh, cũng rối ren sau Brexit. Khoảng 20 thành viên Công đảng (gồm nhiều vị trí cấp cao) đồng loạt từ chức tuy nhiên  Chủ tịch đảng Jeremy Corbyn, người ủng hộ Anh ở lại EU, tìm cách tại vị. Chính điều này khiến sự đoàn kết trong đảng này bị rạn nứt đáng kể.


Tại Scotland, Thủ hiến Scotland Nicola Sturgeon nhiều lần đe dọa sẽ cho tiến hành trưng cầu ý dân đòi độc lập tách khỏi Vương quốc Anh. Trong khi đó, đảng Độc lập Vương quốc Anh (UKIP) cực hữu, có tư tưởng bài dân nhập cư và đã vận động rất mạnh cho việc rời khỏi EU, ngày càng củng cố vị trí trên chính trường Anh.


“Điểm sáng” trong bức tranh nước Anh 2016 chính là kinh tế. Khi xảy ra Brexit, nhiều dự đoán cho rằng, kinh tế Anh sẽ bước vào thời kỳ suy thoái nhưng thực tế cho thấy kinh tế Anh lại có những dấu hiệu khởi sắc nhờ vào sức tiêu dùng mạnh mẽ, sự cải thiện lớn về sản xuất công nghiệp và đầu tư kinh doanh. Các số liệu cho thấy 6 tháng sau Brexit, sản xuất và dịch vụ của Anh vẫn ổn định, doanh thu bán lẻ cao hơn dự kiến, thị trường việc làm phục hồi, tỷ lệ thất nghiệp đạt mức thấp nhất trong 11 năm trở lại đây (4,8%). 


Châu Âu chồng chất khó khăn

Việc cử tri Anh quyết định rời khỏi EU khiến châu Âu trải qua thời kỳ khó khăn, có thể nói là khó khăn nhất từ sau khi  chiến tranh lạnh kết thúc đến nay. Brexit xảy ra không những khiến liên minh mất đi sức mạnh mà còn khiến các nhà lãnh đạo EU phải bận tâm nhiều hơn, trong khi danh sách những vấn đề EU phải đương đầu không hề nhỏ. Cuộc chiến chống khủng bố quốc tế, cuộc khủng hoảng di cư, khó khăn kinh tế sau những thách thức do người nhập cư gây ra đối với xã hội châu Âu vẫn là những nỗi lo thường trực của các nhà lãnh đạo châu Âu.


Thực tế cũng cho thấy, việc Anh rời EU cũng khiến châu Âu bị chia rẽ khi các thành viên EU có thái độ, phản ứng khác nhau. Trong khi Thụy Sĩ quyết định rút đơn xin gia nhập EU  thì một số quốc gia như Italy, Hà Lan có ý tưởng tiến hành trưng cầu dân ý như Anh.


Về kinh tế, cơ bản, các chính sách kinh tế của EU vẫn được duy trì như cũ. Tuy nhiên sức nặng của EU với tư cách là một đối tác đàm phán với các nước châu Á như Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Trung Quốc đã giảm đi. Trong chiến lược chống khủng bố, việc Anh rời EU khiến EU mất đi khả năng tiếp cận mạng lưới thông tin tình báo rộng khắp và rất có hiệu quả của Anh.


Thử thách ở phía trước

Năm 2017, nước Anh sẽ chính thức bước vào giai đoạn tiến hành đàm phán với EU để rút khỏi liên minh này. Theo giới phân tích, các nội dung đàm phán của Chính phủ Anh với EU sẽ là vấn đề gây nhiều tranh cãi nhất trên chính trường Anh năm 2017, và chính những tranh cãi này sẽ đẩy nước Anh bước vào thời kỳ bất ổn định khi mà các nhà đầu tư, giới chủ cũng như người lao động đều trong tình trạng bất an. Khó khăn với nước Anh là sẽ phải tự quyết định xem họ muốn giữ lại hay muốn loại bỏ những điều luật nào của EU?. Điểm chốt ở đây là Đảng bảo thủ chỉ nắm được đa số quá bán (ở mức tối thiểu) trong khi chính nội bộ cũng đang mâu thuẫn. Mọi thay đổi đều phải được Quốc hội thông qua. Càng đi vào đàm phán chi tiết, khó khăn sẽ càng nhiều đặc biệt là các vấn đề như tự do đi lại, việc làm, quyền lợi của công dân Anh ở châu Âu và ngược lại, các vấn đề kinh tế thương mại.  


Đối với châu Âu, nguy cơ kinh tế đình trệ ở Anh sẽ ảnh hưởng đến nguồn thu xuất khẩu ở các nước có mối giao thương lớn với Anh như Ireland, Hà Lan, Bỉ và Cyprus. Các quốc gia đầu tư trực tiếp nước ngoài ở Anh hay có quan hệ mật thiết với ngành ngân hàng nước này, gồm Cyprus, Pháp, Bỉ, Hà Lan, Đức, Phần Lan, Hy Lạp và Tây Ban Nha, cũng có thể bị tác động tiêu cực. Nhìn chung, hậu quả kinh tế từ Brexit đối với EU trong ngắn hạn tuy không quá lớn, nhưng việc Anh rời "mái nhà chung" sẽ làm trầm trọng hơn những điểm yếu cản trở tiến trình phục hồi kinh tế của khu vực trong những năm gần đây. Ngoài ra, những rạn nứt chính trị trong EU về vấn đề Brexit sẽ gia tăng khi tiến trình này diễn ra gần như trùng thời điểm với các cuộc bầu cử quan trọng tại nhiều quốc gia.


Tác động của Brexit sau 6 tháng diễn ra cuộc trưng cầu dân ý với Anh và EU tuy khác nhau song dù sao sự ra đi của Anh cũng làm cho cả hai bên thiệt hại. Ảnh hưởng của sự kiện này sẽ còn kéo dài trong những năm tới.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác