Nâng cao vị thế của Quốc hội Việt Nam trong khu vực

(VOV5) - Ngày 26/9, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân bắt đầu chuyến thăm hữu nghị chính thức CHDCND Lào, Vương quốc Campuchia, thăm chính thức Cộng hòa Liên bang Myanmar.


Dịp này, bà Nguyễn Thị Kim Ngân cũng sẽ tham dự Đại hội đồng Liên minh nghị viện Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á lần thứ 37 (AIPA 37), diễn ra từ 29/9 – 3/10, tại Myanmar. Đây là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân sau khi được bầu giữ cương vị Chủ tịch Quốc hội khóa XIV. Chuyến thăm nhằm thực hiện các thỏa thuận hợp tác đã ký giữa Quốc hội Việt Nam với Quốc hội của 3 nước; tiếp tục thể hiện chính sách chủ động hội nhập quốc tế, phát huy vị thế của Việt Nam và Quốc hội Việt Nam trên các diễn đàn đa phương.  


Nâng cao vị thế của Quốc hội Việt Nam trong khu vực - ảnh 1
Đoàn đại biểu đón Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thăm chính thức CHDCND Lào


Chuyến thăm chính thức CHDCDN Lào, Vương quốc Campuchia và CH Liên bang Myanmar của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân được tiến hành theo lời mời của Chủ tịch QH CHDCND Lào Pany Yathotou, Chủ tịch QH Vương quốc Campuchia Samdech Heng Samrin và Chủ tịch QH Cộng hòa Liên bang Myanmar Ma Uyn Khai Than.

Trong các chuyến thăm này, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân sẽ có các cuộc hội đàm, hội kiến với các nhà lãnh đạo cao nhất của 3 nước; tiến hành nhiều hoạt động bên lề có ý nghĩa như tham dự Hội thảo về quản lý nợ công, thăm Bệnh viện Chợ Rẫy - Phnom Penh, gặp gỡ các doanh nghiệp Việt Nam đang đầu tư tại Myanmar.

Tăng cường hợp tác nghị viện song phương

Chuyến thăm của Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân đến CHDCDN Lào diễn ra sau khi hai nước tổ chức thành công cuộc bầu cử QH và HĐND các cấp. Hơn 50 năm kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao, quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt, hợp tác toàn diện Việt - Lào đã phát triển tốt đẹp, không ngừng được vun đắp. Trên nền tảng mối quan hệ chính trị đó, năm 2012, Quốc hội 2 nước đã ký Thỏa thuận hợp tác. Đây là cơ sở quan trọng để cơ quan lập pháp 2 nước tiếp tục chủ động, tích cực triển khai sâu rộng các hoạt động hợp tác, tiến hành đều đặn các hoạt động trao đổi đoàn Lãnh đạo Quốc hội và các cơ quan tương ứng. Cùng với củng cố quan hệ hợp tác song phương, Quốc hội 2 nước cũng phối hợp chặt chẽ tại các diễn đàn nghị viện khu vực và quốc tế như: AIPA, Diễn đàn Nghị viện châu Á - Thái Bình Dương (APPF), Liên minh Nghị viện thế giới (IPU)… Thông qua chuyến thăm lần này, hai bên sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ, hỗ trợ nhau để Lào đảm nhiệm thành công vai trò Chủ tịch ASEAN, góp phần duy trì thống nhất, đoàn kết trong ASEAN, thúc đẩy hoàn tất các biện pháp còn lại trong Lộ trình xây dựng Cộng đồng, đóng góp thiết thực cho việc xây dựng Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025.

Với Campuchia, quan hệ hợp tác giữa Quốc hội 2 nước đang phát triển mạnh mẽ về mọi mặt. Các chuyến thăm, trao đổi, tiếp xúc thường xuyên giữa lãnh đạo cấp cao, các ủy ban của hai Quốc hội đã góp phần tích cực thúc đẩy quan hệ hữu nghị truyền thống lâu đời và hợp tác toàn diện Việt Nam - Campuchia cũng như tình đoàn kết giữa nhân dân hai nước. Trong chuyến thăm Campuchia lần này của Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân, hai bên sẽ tiếp tục tăng cường trao đổi đoàn các cơ quan của Quốc hội, trong đó có Ban Thư ký Quốc hội Việt Nam và Ban Thư ký Thượng viện Campuchia, từ đó, tiếp tục hợp tác, phối hợp tham vấn, ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn nghị viện quốc tế và khu vực.


Sau 41 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, quan hệ hữu nghị truyền thống Việt Nam-Myanmar có một bề dày lịch sử đáng trân trọng. Myanmar là một trong những quốc gia đầu tiên ở Đông Nam Á thiết lập quan hệ ngoại giao và nhiệt tình ủng hộ Việt Nam trong sự nghiệp kháng chiến chống giặc ngoại xâm và giải phóng đất nước trước đây. Ngày nay, hai nước đã xác định và duy trì 12 lĩnh vực ưu tiên hợp tác. Kể từ khi Quốc hội Myanmar chính thức trở thành thành viên đầy đủ của AIPA ( tháng 9/2011), hợp tác giữa Quốc hội Việt Nam và Quốc hội Myanmar đã có những bước phát triển tích cực. Quốc hội và Văn phòng Quốc hội hai nước đã kí Thỏa thuận hợp tác; hai bên thành lập Nhóm nghị sỹ hữu nghị. Trên diễn đàn đa phương, hai nước  phối hợp hiệu quả tại các diễn đàn liên nghị viện IPU và AIPA. Trên cơ sở đó, chuyến thăm chính thức Myanmar của Chủ tịch  Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân không chỉ  khẳng định sự coi trọng mà còn mong muốn thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa hợp tác nhiều mặt cùng có lợi giữa Việt Nam và Myanmar trong bối cảnh mới.




Phát huy vị thế trên diễn đàn đa phương


Ngay sau khi kết thúc chuyến thăm Lào, Campuchia và Myanmar, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân sẽ tham dự Đại hội đồng AIPA 37 tại Thủ đô Nay Pyi Taw từ 29/9 – 3/10. Với chủ đề “AIPA sống động vì một Cộng đồng ASEAN tiến bộ”, AIPA 37 sẽ tiếp tục thúc đẩy việc thực hiện xây dựng Cộng đồng ASEAN theo các nội dung đã đề ra trong văn kiện Tầm nhìn ASEAN 2025.


Là thành viên của Hội đồng liên nghị viện các nước Đông Nam á (AIPA) từ năm 1995 đến nay, Quốc hội Việt Nam liên tục tham gia đầy đủ vào các kỳ họp Đại hội đồng AIPA, các cuộc họp chuyên đề và đã hai lần tổ chức thành công Đại hội đồng AIPA ở Hà Nội vào các năm 2002 và 2010. Sự tham gia của Quốc hội Việt Nam trong AIPA khiến Việt Nam thêm gần gũi với các nước trong khối ASEAN, có nhiều đóng góp tích trong việc thúc đẩy sự phát triển của AIPA về mặt tổ chức, phương thức hoạt động; đề cao vai trò của AIPA và tăng cường cơ chế phối hợp giữa AIPA và ASEAN, nhất là thúc đẩy tiến trình xây dựng Cộng đồng  ASEAN và phát huy vai trò của ASEAN trong các cấu trúc khu vực đang định hình.


Chuyến công du nước ngoài đầu tiên đến Lào, Campuchia, Myanmar của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân sau khi nhậm chức thể hiện Việt Nam coi trọng phát triển quan hệ hợp tác với các nước trong khu vực. Đồng thời việc người đứng đầu cơ quan lập pháp Việt Nam dự AIPA 37 tiếp tục thể hiện chính sách tích cực, chủ động hội nhập quốc tế; phát huy vai trò và vị thế của Việt Nam và Quốc hội Việt Nam trên các diễn đàn đa phương, đóng góp tích cực vào sự hợp tác trong AIPA cũng như hợp tác ASEAN. 
         

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác