Nhân dân được tham gia quyết định những vấn đề của đất nước

(VOV5) - Phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm thực hiện quyền làm chủ của nhân dân là nội dung quan trọng của Dự thảo văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng cộng sản Việt Nam. Cán bộ, đảng viên và nhân dân cả nước cho rằng: Dân chủ được thực hiện đầy đủ, nghiêm túc trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, đảm bảo để nhân dân tham gia ở tất cả các khâu của quá trình đưa ra những quyết định liên quan đến lợi ích, cuộc sống của nhân dân và của đất nước. 

Nhân dân được tham gia quyết định những vấn đề của đất nước - ảnh 1
Người dân tham gia ở tất cả các khâu của quá trình đưa ra những quyết định liên quan đến lợi ích, cuộc sống của nhân dân và của đất nước (Ảnh minh họa. Nguồn: CPV)

Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần XII của Đảng cộng sản Việt Nam, trong mục “ Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác dân vận, tăng cường quan hệ máu thịt giữa Đảng với nhân dân” ghi rõ nội dung: “ Kịp thời thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng thành chính sách, pháp luật phù hợp với thực tiễn và đáp ứng lợi ích, nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Tiếp tục thể chế hóa, cụ thể hóa mối quan hệ Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ, nhất là nội dung nhân dân làm chủ và phương châm: dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, giám sát”.

Phát huy dân chủ để xây dựng khối đại đoàn kết

Ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cho rằng: Hiến pháp năm 2013 của Việt Nam đã đặt vấn đề dân chủ và quyền con người ở vị trí trang trọng nhất. Từ đó, nhiều chủ trương, nghị quyết của về dân chủ đã được bàn bạc, thảo luận và được thể chế hóa bằng pháp luật. Quốc hội đã ban hành nhiều đạo luật nhằm đảm bảo quyền dân chủ của nhân dân. Bên cạnh đó, nhiều Dự án Luật cũng liên quan đến vấn đề dân chủ đang được xem xét trình ra Quốc hội trong kì họp thứ 10 tới như Luật về Hội, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, Luật báo chí (sửa đổi), Luật tiếp cận thông tin… Ông Nguyễn Túc cho rằng: "Các đại biểu Quốc hội của chúng ta ngày càng nói tiếng nói của nhân dân. Không ít trường hợp Đảng đã tiếp thu ý kiến của nhân dân và thay đổi lại Nghị quyết của Đảng cho phù hợp, để phù hợp với phương châm ý Đảng nhưng phải gắn với lòng dân".

Ông Nguyễn Thái Hòa, nguyên Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bắc Giang,  cho rằng  vấn đề phát huy quyền làm chủ của người dân được đặt ra là phù hợp với tiến trình phát triển của đất nước. Theo ông Hòa: "Muốn phát huy đoàn kết toàn dân phải luôn luôn tôn trọng nhân dân, tôn trọng quyền làm chủ của nhân dân. Vì nhân dân bao giờ cũng là đối tượng của tất cả chính quyền. Nhân dân cũng là đối tượng lãnh đạo của Đảng, nhân dân cũng là mục tiêu, mục đích lãnh đạo của Đảng. Muốn thực hiện dân chủ phải phát huy sức mạnh của dân, trong sức mạnh của dân thì đoàn kết là động lực".

Phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong mọi lĩnh vực

Về các giải pháp để tiếp tục phát huy dân chủ gắn với kỷ luật, kỷ cương, bảo đảm thực hiện quyền làm chủ của nhân dân, nhiều cán bộ, đảng viên cũng bày tỏ đồng tình cao với Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng cộng sản Việt Nam khi cho rằng: mọi đường lối, chủ trương của đảng, chính  sách, pháp luật của nhà nước đều phải xuất phát từ nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, được nhân dân tham gia góp ý kiến. Ông Triệu Đức Thanh, đảng viên ở thành phố Hà Giang, tỉnh Hà Giang, cho rằng để thực hiện dân chủ, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, Nhà nước phải nhận thức đúng, đầy đủ về quyền làm chủ của nhân dân, xây dựng hệ thống chính sách, pháp luật, cơ chế thực thi dân chủ; tạo lập các yếu tố, các tiền đề kinh tế - xã hội để thực thi dân chủ. Điều quan trọng nhất là dân chủ phải được thực thi tốt từ cơ sở để nhân dân phát huy quyền làm chủ của mình. Theo ông Thanh: "Đây là một chủ trương đúng nhưng phải làm thế nào nhất là ở các tổ chức Đảng ở cơ sở phải có biện pháp, cách làm để phát huy được quyền làm chủ của nhân dân. Đặc biệt, trong các lĩnh vực phát triển kinh tế, văn hóa thì phải thực sự tôn trọng ý kiến của nhân dân và có biện pháp tổ chức lấy ý kiến của nhân dân để nhân dân được tham gia ý kiến của mình ngay từ khâu đầu tiên. Đồng thời cũng là để nhân dân giám sát kết quả thực hiện các chương trình, mục tiêu của Đảng đã đề ra".

Phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa và bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân là nhằm củng cố vững chắc niềm tin của nhân dân đối với Đảng; tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc và mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với nhân dân; tập hợp, vận động nhân dân thực hiện tốt các chủ trương của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước; phát huy sức mạnh to lớn của nhân dân, tạo thành phong trào cách mạng rộng lớn xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác