Nhiều “bước ngoặt” chính sách kể từ tháng 7/2015

(VOV5)- Kể từ hôm nay, 1/7/2015, 10 Luật mới của Việt Nam bắt đầu có hiệu lực thi hành. Đó là những Luật liên quan đến vấn đề nhà ở, bất động sản, đất đai, doanh nghiệp… được xem là bước đột phá trong các chính sách về phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam.

10 Luật có hiệu lực thi hành gồm: Luật Nhà ở sửa đổi; Luật Kinh doanh bất động sản; Luật Doanh nghiệp sửa đổi; Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp; Luật Đầu tư sửa đổi; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự; Luật Giáo dục nghề nghiệp; Luật Công an Nhân dân; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam. Song song đó, một số Nghị định khác cũng có hiệu lực.

Mở rộng đối tượng là tổ chức nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam
Chính sách nổi bật và đáng chú ý nhất có hiệu lực từ tháng 7/2015 chính là việc người nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam theo quy định tại Luật Nhà ở sửa đổi.

Nhiều “bước ngoặt” chính sách kể từ tháng 7/2015 - ảnh 1

Theo đó, tổ chức, cá nhân người nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp nước ngoài, quỹ đầu tư nước ngoài và chi nhánh ngân hàng nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam; Cá nhân nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam được sở hữu nhà ở tại Việt Nam, có quyền được mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế và sở hữu không đến 30% số lượng căn hộ trong một tòa nhà chung cư. Trong trường hợp là nhà ở riêng lẻ bao gồm biệt thự, nhà ở liền kề thì trên một khu vực có số dân tương đương một đơn vị hành chính cấp phường chỉ được mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế và sở hữu đến 250 căn nhà. Thời gian sở hữu nhà là 50 năm. Ngoài ra, những trường hợp này có thể được sở hữu lâu dài như người bản địa nếu kết hôn với người Việt Nam.

Ưu tiên phát triển giáo dục nghề nghiệp và phục vụ phát triển nông nghiệp
Luật Giáo dục nghề nghiệp có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2015 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dạy nghề theo hướng mở rộng phạm vi, điều chỉnh đến đối tượng các trường trung cấp chuyên nghiệp, trường cao đẳng, trung tâm kỹ thuật tổng hợp – hướng nghiệp, hoàn thiện hệ thống pháp luật về giáo dục nghề nghiệp theo tinh thần đối mới căn bản, toàn diện giáo dục.Theo đó, trình độ đào tạo của giáo dục nghề nghiệp gồm: Sơ cấp, trung cấp và cao đẳng. Cơ sở giáo dục nghề nghiệp bao gồm: Trung tâm giáo dục nghề nghiệp, trường trung cấp và trường cao đẳng. Trường cao đẳng được tách ra khỏi giáo dục đại học, trở thành một cơ sở của giáo dục nghề nghiệp.

Sẽ có hiệu lực từ 25/7/2015, Nghị định 55/2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn quy định cá nhân, hộ gia đình, tổ hợp tác, hộ kinh doanh, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã và chủ trang trại được tổ chức tín dụng cho vay không có tài sản bảo đảm theo 8 mức, trong đó, mức cho vay tối đa là 3 tỷ đồng đối với liên hiệp hợp tác xã nuôi trồng thủy sản hoặc khai thác hải sản xa bờ, cung cấp dịch vụ phục vụ khai thác hải sản xa bờ. Điều này sẽ tạo hành lang pháp lý để kinh tế biển của Việt Nam tiếp tục phát triển.

Rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục đầu tư
Luật Đầu tư sửa đổi và Luật Doanh nghiệp sửa đổi có nhiều điểm thay đổi quan trọng, cải cách mạnh mẽ về thủ tục hành chính.Cụ thể, Luật doanh nghiệp sửa đổi bãi bỏ yêu cầu về chứng chỉ hành nghề, xác nhận vốn pháp định trong hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp, rút ngắn thời hạn giải quyết thủ tục đăng ký doanh nghiệp hay thay đổi nội dung đăng ký xuống tối đa không quá 3 ngày. Luật Đầu tư sửa đổi cũng bãi bỏ thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với nhà đầu tư trong nước, đơn giản hóa hồ sơ, trình tự, thủ tục và rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài, thời hạn tối đa 15 ngày, thay cho 45 ngày như trước đây.

Một điểm nổi bật khác là doanh nghiệp không cần phải ghi ngành nghề kinh doanh trong giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Điều này đã thể chế hóa đầy đủ quyền tự do kinh doanh theo Hiến pháp 2013; giảm rủi ro, tăng tính chủ động, nhanh nhạy trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp; thuận lợi hóa quá trình gia nhập thị trường; giảm bớt thời gian chi phí trong thủ tục thành lập doanh nghiệp.       

Nhà nước chỉ được đầu tư vốn thành lập doanh nghiệp Nhà nước trong 4 lĩnh vực
Các cơ chế, quy định của Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp đều hướng đến mục tiêu đổi mới, nâng cao hiệu quả đầu tư, quản lý, sử dụng vốn Nhà nước cũng như nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Luật cũng quy định Nhà nước chỉ được đầu tư vốn thành lập doanh nghiệp Nhà nước trong 4 lĩnh vực, cụ thể là doanh nghiệp cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích thiết yếu cho xã hội; doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh; doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực độc quyền tự nhiên; doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đầu tư lớn, tạo động lực phát triển nhanh cho các ngành, lĩnh vực khác và nền kinh tế. Điểm mới quan trọng là chỉ các doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ mới được xem là doanh nghiệp nhà nước, thay vì 51% như trước đây…

Phản hồi

Các tin/bài khác