Những dấu ấn tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII

(VOV5)- Sau hơn 1 tháng làm việc với tinh thần dân chủ, trách nhiệm cao, hôm nay (26/6), kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII kết thúc thành công tốt đẹp. Tại kỳ họp, Quốc hội thảo luận và thông qua nhiều nội dung quan trọng, có ý nghĩa quyết định sự phát triển của đất nước. 


Kỳ họp này để lại dấu ấn trong việc thực thi các nhiệm vụ của Quốc hội trên cả 3 lĩnh vực lập pháp, giám sát và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước. Quốc hội đã thông qua nhiều dự án luật lớn, quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước và đời sống nhân dân. Quốc hội đề ra những giải pháp phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Ngoài ra, để chuẩn bị cho Đại hội toàn quốc Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ XII, các đại biểu Quốc hội cũng thảo luận, góp ý vào các dự thảo Văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng.

Những dấu ấn tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII - ảnh 1
Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII

Trọng tâm là công tác xây dựng Luật
Là kỳ họp gần cuối của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII nên tại kỳ họp này, Quốc hội đặt nhiệm vụ trọng tâm vào công tác xây dựng luật để góp phần hoàn thành chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của nhiệm kỳ. Quốc hội thông qua được 11 dự án Luật, 5 Nghị quyết và cho ý kiến đối với 15 dự án luật khác. Tất cả các dự án Luật được Quốc hội thông qua hoặc cho ý kiến tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII đều là những dự án Luật quan trọng, trong đó Quốc hội ưu tiên thông qua những dự án Luật nhằm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội đất nước giai đoạn 2015 - 2020. Đáng chú ý có Luật Tài nguyên, Môi trường biển và hải đảo; Luật Ngân sách Nhà nước (sửa đổi); Luật Kiểm toán Nhà nước (sửa đổi), Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật… Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nêu rõ: “Khối lượng và nhu cầu hoạt động lập pháp của Quốc hội ngày càng lớn để đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước, xây dựng Nhà nước pháp quyền, hoàn thiện nền kinh tế thị trường và tích cực hội nhập quốc tế. Nên việc xây dựng hệ thống pháp luật phải đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, khả thi trong cuộc sống. Luật mới ban hành phải tốt hơn luật hiện hành.”


Hầu hết các dự án luật được lấy ý kiến hoặc thông qua tại kỳ họp này thể hiện tinh thần thượng tôn Hiến pháp năm 2013, cụ thể hóa tính ưu việt của Hiến pháp, bảo vệ tốt hơn nữa quyền con người, quyền công dân. 


Thúc đẩy tăng trưởng, đảm bảo an sinh xã hội
Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII tập trung bàn các giải pháp thực hiện thắng lợi  các nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2015 và các biện pháp phát triển kinh tế - xã hội những năm tiếp theo. Trong bối cảnh nền kinh tế đất nước đang trên đà hồi phục, phát triển bền vững luôn là mục tiêu hướng tới của Việt Nam. Trước mắt, trong năm 2015, Việt Nam phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) là 6,2%, kim ngạch xuất khẩu tăng 10%, kiềm chế lạm phát ở mức khoảng 5%, tạo việc làm cho khoảng 1,6 triệu lao động. Để phát triển kinh tế - xã hội bền vững, Quốc hội thực hiện đồng bộ các giải pháp. Giải pháp mang tính chiến lược, căn bản là phải kiên quyết đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với tái cơ cấu nền kinh tế, trong đó thực hiện quyết liệt tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước. Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam, cho biết: “Chính phủ tiếp tục duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Thành công của Việt Nam là kêu gọi nguồn vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài (ODA). Cho nên Chính phủ vẫn tiếp tục kêu gọi đầu tư ODA vào Việt Nam. Giải pháp then chốt nhất cho hội nhập quốc tế thành công là nâng cao khả năng cạnh tranh ở cả 3 cấp là quốc gia, doanh nghiệp và người dân.”


Một giải pháp quan trọng khác được Quốc hội nêu ra là tổ chức lại thị trường, mở rộng thị trường xuất khẩu; đồng thời đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, quyết liệt phòng chống tham nhũng, lãng phí.


Nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát
Phiên chất vấn và trả lời chất vấn là hoạt động giám sát quan trọng trong mỗi kỳ họp Quốc hội. Kỳ họp này, Quốc hội dành 2,5 ngày cho phiên chất vấn và trả lời chất vấn của thành viên Chính phủ. 4 Bộ trưởng trả lời chất vấn là Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ trưởng Bộ Công thương, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm rõ thêm một số vấn đề trong chỉ đạo, điều hành kinh tế - xã hội thuộc trách nhiệm của Chính phủ và trực tiếp trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội. Ông Nguyễn Hạnh Phúc, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, đánh giá: “Chất vấn có đổi mới. Cách hỏi của các đại biểu và cách trả lời của các Bộ trưởng đi thẳng vào nội dung vấn đề, chất lượng và rất sát thực. Quốc hội đã ra Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn. Tôi cho rằng chất vấn thành công.”


Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII đã xác định những việc cần làm ngay, những việc cần tiếp tục hoàn thành trong năm 2015 để hướng tới mục tiêu phát triển bền vững. Thành công của kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII tạo niềm tin cho đồng bào, cử tri cả nước./.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác