Những giải pháp đồng bộ để phòng, chống tham nhũng

Những giải pháp đồng bộ để phòng, chống tham nhũng - ảnh 1
Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)

(VOV5) - Hội nghị lần thứ 5, Ban chấp hành TW Đảng khóa XI bế mạc hôm giữa tuần đã đưa ra nhiều quyết sách quan trọng, trong đó nội dung được dư luận quan tâm và bày tỏ sự đồng tình cao là việc Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng (PCTN) trực thuộc Bộ Chính trị. Đây được xem là một trong những giải pháp cần thiết bởi vì cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng đang đòi hỏi phải được triển khai đủ mạnh mới có thể đem lại hiệu quả.

Trước thềm Hội nghị TW5, câu lạc bộ Thăng Long (Hà Nội), nơi sinh hoạt của 1600 cán bộ hưu trí , nguyên là cán bộ trung cao cấp ở các cơ quan Trung ương và Hà Nội đã có kiến nghị gửi Bộ Chính trị, Ban Bí thư tham gia ý kiến về các giải pháp phòng, chống tham nhũng. Ông Dương Ngọc Sơn, Phó Chủ nhiệm thường trực Câu lạc lộ Thăng Long, nguyên phó Tổng thanh tra chính phủ, cho biết để có bản kiến nghị này, Câu lạc bộ đã tổ chức 2 cuộc hội thảo với rất nhiều ý kiến tâm huyết, trong đó kiến nghị 5 giải pháp về phòng chống tham nhũng“ Chúng tôi rất phấn khởi vì ý tưởng của chúng tôi góp ý với Trung ương cũng phù hợp với chủ trương của Hội nghị TW. Cái quan trọng nhất là kỳ này, Bộ chính trị trực tiếp vào cuộc để chỉ đạo công tác phòng chống tham nhũng của đất nước. Đây là vấn đề hết sức quan trọng. Sau này, khi Ban chỉ đạo TW phòng chống tham nhũng đi vào hoạt động dưới sự chỉ đạo của Bộ chính trị và trực tiếp là Tổng bí thư thì tôi tin rằng công tác phòng chống tham nhũng sẽ khởi sắc và có kết quả tốt”

Về đổi mới mô hình Ban chỉ đạo TW về phòng, chống tham nhũng, tại Hội nghị vừa qua, Ban chấp hành TW đã quyết định lập lại Ban nội chính TW, vừa thực hiện chức năng một ban đảng đồng thời là cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo TW về phòng, chống tham nhũng. Theo nhiều chuyên gia phương án này sẽ thay đổi hẳn mô hình hiện tại cả về thành phần Ban chỉ đạo. Ngoài ra, với mô hình này, công tác phòng, chống tham nhũng được đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp, thường xuyên của Bộ chính trị, Ban bí thư, bảo đảo sự độc lập tương đối với các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp. . Ông Mai Thúc Lân, nguyên Phó chủ tịch Quốc hội, nói:“ Đó là việc làm hết sức cụ thể, thiết thực, đem lại lòng tin của cán bộ, đảng viên trong việc thực hiện Nghị quyết TW4 của Ban chấp hành TW về “ Một số vấn đề cấp bách trong công tác xây dựng Đảng”. Đó là thành công được dư luận hoan nghênh nhất. Lần này, TW quyết như vậy rất là đúng và hy vọng rằng, cơ quan này sẽ hoạt động và có kết quả thiết thực hơn trong ngăn chặn và khống chế tham nhũng.”.

 Ngoài ra, việc lập lại Ban nội chính TW, vừa thực hiện chức năng một ban đảng đồng thời là cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo TW về phòng, chống tham nhũng còn phù hợp với thể chế Đảng lãnh đạo toàn diện hiện nay. Hơn thế nữa, phòng chống tham nhũng là cốt lõi của chống suy thoái trong cán bộ, đảng viên nên mô hình này cũng giúp thúc đẩy thực hiện Nghị quyết TW 4 về xây dựng, chính đốn Đảng. Luật sư Lưu Văn Đạt, Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn về Dân chủ - Pháp luật, Ủy ban TW MTTQ Việt Nam, nhận xét:“Với chủ trương của TW là đưa về Bộ chính trị, tôi cho rằng như thế là thích hợp vì hệ thống chính trị của chúng ta là Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ. Bộ chính trị trực tiếp quản lý thì phòng, chống tham nhũng có thể có hiệu quả hơn. Nếu Đảng ra tay thì chắc chắn có hiệu quả hơn”.

Cùng với việc hoàn chỉnh bộ máy phòng chống tham nhũng theo mô hình mới, dư luận cũng mong rằng các cơ quan chức năng tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm hạn chế những bất cập nảy sinh tiêu cực, sử dụng đúng người, phát huy cao độ vai trò giám sát của nhân dân. Có như vậy, công tác phòng chống tham nhũng, vốn được coi là một vấn đề khó và phức tạp, liên quan trực tiếp đến sự tồn vong của chế độ, mới thực sự phát huy hiệu quả./.

Phản hồi

Các tin/bài khác