Những tác động tích cực từ kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII

(VOV5) -  Hôm nay, kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII hoàn tất chương trình nghị sự sau hơn 1 tháng làm việc. Kỳ họp để lại nhiều dấu ấn trong việc thực thi các nhiệm vụ của cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất trên cả 3 lĩnh vực lập pháp,giám sát và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước. 

Những tác động tích cực từ kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII - ảnh 1


Các mốc đáng chú ý của kỳ họp thứ 8, Quốc hội  khóa XIII phải kể đến là việc Quốc hội thông qua rất nhiều dự án luật quan trọng đối với sự phát triển của đất nước. Quốc hội cũng quyết định các mục tiêu, chỉ tiêu kinh tế - xã hội cho năm 2015 cũng như các giải pháp để hiện thực hóa các chỉ tiêu này. Ngoài ra, điểm nhấn đáng chú ý nữa là tại kỳ họp, lần thứ 2, Quốc hội tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với 50 chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn.       


Hoàn thiện hệ thống pháp luật theo tinh thần của Hiến pháp 2013

Một trong  những nhiệm vụ trọng tâm của kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII  là xem xét, thông qua 18 dự án luật, cho ý kiến về 12 dự án luật khác. Đây là số lượng dự án luật lớn nhất được xem xét thông qua, cho ý kiến tại một kỳ họp Quốc hội từ trước đến nay. Trong số các dự án Luật được thảo luận và thông qua đó có nhiều dự án quan trọng, liên quan đến việc tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế, tổ chức bộ máy Nhà nước như Luật tổ chức Quốc hội (sửa đổi), Luật tổ chức Chính phủ (sửa đổi); các luật liên quan đến  quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân theo tinh thần và nội dung của Hiến pháp mới như Luật nhà ở (sửa đổi), Luật kinh doanh bất động sản (sửa đổi). Ngoài ra còn phải kể đến một số dự án Luật tạo sự đổi mới trong thu hút đầu tư  cũng như  hoạt động sản xuất kinh doanh như Luật đầu tư (sửa đổi), Luật doanh nghiệp (sửa đổi). Đánh giá về sự ra đời của Luật đầu tư  (sửa đổi), Bộ Trưởng Bộ kế hoạch và đầu tư Bùi Quang Vinh khẳng định: Luật này sau khi sửa đổi sẽ tạo ra động lực cho cải cách môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam và thúc đẩy sự hình thành cũng như sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp, đem lại lợi ích cho các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp mới khởi nghiệp.

Cũng tại kỳ họp này, Quốc hội thông qua Nghị quyết phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người; thông qua Nghị quyết phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về quyền của người khuyết tật. Việc Việt Nam phê chuẩn 2 Công ước quốc tế liên quan đến quyền con người này góp phần đảm bảo ngày càng tốt hơn các quyền con người cơ bản ở Việt Nam.


Những tác động tích cực từ kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII - ảnh 2

Quyết định những chỉ tiêu chủ yếu về kinh tế - xã hội của năm 2015

Quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước là một trong 3 nhiệm vụ của Quốc hội, bên cạnh nhiệm vụ lập pháp và giám sát tối cao. Tại kỳ họp này các đại biểu Quốc hội thông qua Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2015. Theo đó, Quốc hội nhất trí năm 2015, Việt Nam phấn đấu tăng trưởng cao hơn năm 2014. Cụ thể mục tiêu tăng GDP đạt 6,2%; tốc độ tăng giá tiêu dùng (CPI) khoảng 5%; tỷ lệ hộ nghèo giảm 1,7%  - 2%; tạo việc làm cho khoảng 1,6 triệu lao động...Để thực hiện các mục tiêu trên, Quốc hội yêu cầu Chính phủ tập trung triển khai nhiều nhiệm vụ trọng tâm. Phó chủ nhiệm Uỷ ban kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Phúc nêu rõ: Tiếp tục thực hiện quyết liệt, có hiệu quả các đột phá chiến lược, tái cơ cấu nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của doanh nghiệp và của nền kinh tế.  Cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, đặc biệt là thủ tục đầu tư, xây dựng, đất đai, thuế, hải quan và tín dụng ngân hàng. Tập trung đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu gắn với cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, phấn đấu đến cuối năm 2015 đưa tỷ lệ nợ xấu dưới 3%. Nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công; bảo đảm nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia trong giới hạn an toàn theo quy định.

Trong khuôn khổ kỳ họp thứ 8, Quốc hội tiến hành giám sát tối cao chuyên đề “Việc thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế trong lĩnh vực đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và hệ thống ngân hàng; tiến hành chất vấn Thủ tướng Chính phủ và 4 Bộ trưởng. 

Thành công trong lấy phiếu tín nhiệm 

Một sự kiện được dư luận quan tâm tại kỳ họp này là việc Quốc hội tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với 50 chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Đây là lần thứ hai Quốc hội thay mặt cử tri và đồng bào cả nước thực hiện việc đánh giá tín nhiệm đối với các chức danh lãnh đạo chủ chốt trong bộ máy Nhà nước. Trong phát biểu đánh giá kết quả việc lấy phiếu, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh rằng Quốc hội đã thực hiện công việc nghiêm túc, đáp ứng được mục đích, nguyên tắc, quy trình, thủ tục theo quy định của pháp luật. Các đại biểu Quốc hội thực hiện trọng trách cao cả, vừa có ý nghĩa chính trị, vừa có ý nghĩa pháp lý, làm việc thận trọng, khách quan, công tâm và chính xác đối với việc lấy phiếu. Đánh giá về hiệu quả lấy phiếu tín nhiệm, ông Chu Sơn Hà, đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội, cho biết:  Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm từ kỳ họp thứ 6, đến nay là kỳ họp thứ 8. Như vậy là sau 1 năm, việc lấy phiếu rất có hiệu quả, được cử tri ghi nhận. Cử tri đánh giá cao việc làm này và cho rằng lấy phiếu tín nhiệm là hoạt động giám sát rất tốt của Quốc hội đối với các chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. 

Cử tri Võ Ái Dân, Nguyên Vụ trưởng Vụ công tác phía Nam Văn phòng Quốc hội, cho rằng: Chất lượng của lá phiếu kỳ này phản ánh một sự tiến lên. Điều này cho tôi một lòng tin, có sự đổi mới, có trách nhiệm của đại biểu đối với lá phiếu. Và tôi tin lần lấy phiếu thứ 3, thứ 4… sẽ có những tiến bộ nhiều hơn thông qua những lá phiếu đầy trách nhiệm và chất lượng.

Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII kết thúc với nhiều điểm nhấn quan trọng. Những quyết sách được thông qua tại kỳ họp này sẽ sớm được triển khai trong thực tiễn, góp phần hiện thực hóa các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội cũng như đóng góp cho quá trình phát triển của đất nước trong giai đoạn tới./. 

Phản hồi

Các tin/bài khác