Những tín hiệu tích cực trong hoạt động kiểm soát lạm phát

Những tín hiệu tích cực trong hoạt động kiểm soát lạm phát - ảnh 1
Các ngân hàng đồng loạt hạ lãi suất

(VOV) - Lãi suất huy động và các loại lãi suất chủ chốt vừa được Ngân hàng Nhà nước VN quyết định cắt giảm thêm 1%. Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước quyết định mở tín dụng cho vay đối với lĩnh vực không khuyến khích bao gồm tín dụng chứng khoán, bất động sản và tiêu dùng nhằm trung chuyển vốn cho nền kinh tế, hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh. Những động thái này được xem là bước đi hợp lý trong quá trình điều hành kinh tế vĩ mô bằng các giải pháp tín dụng trong bối cảnh lạm phát đang được kiểm soát tốt.

Ngay sau khi Ngân hàng Nhà nước công bố việc giảm lãi suất điều hành và trần lãi suất tiền gửi thêm 1%, Ngân hàng đầu tư và Phát triển Việt Nam đã áp dụng biểu lãi suất mới áp dụng cho vay ngắn hạn thông thường xuống còn 14,5%/năm, lãi suất cho vay trung dài hạn còn 16%/năm; lãi suất cho vay đầu tư và kinh doanh chứng khoán ngắn hạn là 17%/năm, trung dài hạn là 18%/năm. Ông Phạm Quang Tùng, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng đầu tư và Phát triển Việt Nam cho biết”Ngay trong những ngày tới đây chúng tôi dự kiến sẽ công bố những gói tín dụng dành cho các lĩnh vực ưu tiên và những đối tượng khách hàng mục tiêu. Ngoài việc giảm lãi suất chúng tôi cũng sẽ công bố rõ số tiền để các đối tượng khách hàng tiếp cận.”


Những tín hiệu tích cực trong hoạt động kiểm soát lạm phát - ảnh 2
Việc các ngân hàng công bố thông tin hạ lãi suất cho vay sẽ nhận được sự hưởng ứng của nhiều doanh nghiệp. Ảnh: Ngọc Hà/TTXVN.


Theo ông Đỗ Minh Toàn, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Á châu, việc điều chỉnh 1% lãi suất huy động thời điểm này là khá hợp lý do tình hình thanh khoản của nhiều ngân hàng đã tốt hơn trước. Ngoài ra, điều kiện kinh tế vĩ mô, tốc độ tăng lạm phát thấp trong những tháng gần đây cũng là tín hiệu tốt để có thể hạ lãi suất. Đợt giảm lãi suất này sẽ giúp hạ thấp chi phí vốn cho nền kinh tế và không có nhiều tác động đến diễn biến lạm phát từ nay đến cuối năm. Ông Đỗ Minh Toàn khẳng định: ”Các dấu hiệu tích cực của nền kinh tế hiện nay cho thấy rằng là đã đến lúc chúng ta phải suy nghĩ về việc giảm lãi suất xuống thấp hơn, vì vậy việc giảm lãi suất như thế này sẽ góp phần hỗ trợ thúc đẩy kinh tế của nước ta phát triển hơn.”


Nhận định về việc Ngân hàng Nhà nước giảm trần lãi suất huy động tiền đồng Việt Nam từ 13% xuống 12%/năm từ ngày 11/4, ông Trần Xuân Quảng, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Thương mại Cổ phần Hàng Hải cho rằng: Cả ngân hàng và khách hàng đều đã chuẩn bị trước khi mức lãi suất huy động 12%/năm mà Ngân hàng Nhà nước chính thức áp dụng. Vấn đề chính là các ngân hàng cần chuẩn bị đầy đủ về chất lượng và dịch vụ hiện đại để đảm bảo việc huy động nguồn vốn và ổn định thanh khoản, phục vụ sản xuất kinh doanh và cho vay hỗ trợ các doanh nghiệp. Ông Trần Xuân Quảng cho biết:”Chúng tôi đánh giá việc hạ lãi suất của Ngân hàng Nhà nước cũng như lãi suất cơ bản lãi suất trần là một tín hiệu tốt cho nền kinh tế trên cơ sở đánh giá các chỉ số về lạm phát ở mức tương đối thấp trong thời gian vừa qua. Thứ hai là nó cũng là tín hiệu để Ngân hàng Nhà nước thông báo đến nền kinh tế là việc hạ lãi suất sẽ diễn ra trong thời gian tới để các doanh nghiệp phục hồi và phát triển.”


Sau khi phân tích tình hình hiện tại cũng như dự báo biến động của nền kinh tế, Ngân hàng Nhà nước cũng quyết định mở tín dụng cho vay đối với lĩnh vực không khuyến khích bao gồm tín dụng chứng khoán, bất động sản và tiêu dùng. Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình, việc mở cơ chế như vậy đã được tính toán trên cơ sở đánh giá các giải pháp rõ ràng, thận trọng, có lộ trình để vẫn đảm bảo thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát dưới 10%, giữ ổn định vĩ mô, tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp và tăng trưởng GDP hợp lý. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh:”Chúng tôi tin tưởng rằng nếu lĩnh vực bất động sản được tháo gỡ một phần sẽ giúp cho nhiều lĩnh vực khác như xi măng, sắt thép có thể giải phóng được hàng tồn kho tạo ra công ăn việc làm cho những người làm xây dựng tạo ra luồng vốn trung chuyển trong nền kinh tế và cũng cải thiện tình hình nợ xấu trong hệ thống ngân hàng.”


Nghị quyết 11 của Chính phủ về kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội đã nêu rõ Ngân hàng Nhà nước phải điều hành chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng nhưng linh hoạt để kiểm soát lạm phát, hỗ trợ ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an toàn hệ thống. Trong ba tháng đầu năm 2012, Ngân hàng Nhà nước đã từng bước gỡ nút thắt thanh khoản. Tính đến thời điểm hiện tại tiền gửi của các Tổ chức tín dụng tại Ngân hàng Nhà nước đạt 60.000 tỷ đồng, cao hơn cả dự trữ bắt buộc là 15.000 -20.000 tỷ đồng. Thời gian qua, trái phiếu Chính phủ cũng đã phát hành thành công trên 30.000 tỷ đồng, với mức lãi suất thấp từ 11,25-11,27% cho kỳ hạn 3 năm.Từ giữa tháng 3 đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã phát hành được 45.000 tỷ đồng tín phiếu. Thêm vào đó, tín hiệu thị trường cũng cho thấy chỉ số giá tiêu dùng giảm, do vậy hạ thêm một bậc lãi suất trong hoạt động tín dụng của Ngân hàng Nhà nước VN là bước đi thích hợp tại thời điểm này. Việc hạ trần lãi suất xuống 12%, việc mở tín dụng cho vay đối với lĩnh vực không khuyến khích là các động thái điều hành chính sách tiền tệ tích cực nhằm tiếp tục tạo điều kiện cho nền kinh tế VN ổn định và phát triển./.

Phản hồi

Các tin/bài khác