Nỗ lực cứu vãn Hiệp định thương mại EU-Canada

(VOV5) - Sau quá trình đàm phán kéo dài 7 năm, Hiệp định Thương mại và Kinh tế toàn diện Liên minh châu Âu EU - Canada (CETA), đang có nguy cơ phá sản khi EU không nhận được sự đồng thuận từ Bỉ, quốc gia thành viên. Nếu CETA không được ký kết, đây sẽ là một đòn giáng mạnh vào chính sách thương mại của EU, vốn đang loay hoay trong vấn đề Anh rời khỏi EU và tình trạng tăng trưởng trì trệ. Bởi vậy, lúc này mọi nỗ lực ngoại giao đang dồn vào với hy vọng tìm ra hướng cứu vãn Hiệp định này.

Nỗ lực cứu vãn Hiệp định thương mại EU-Canada - ảnh 1
Thủ tướng mới đắc cử của Canada Justin Trudeau tại cuộc họp báo ở Ottawa ngày 20/10. (THX/TTXVN)



Theo kế hoạch, CETA sẽ được ký kết trong chuyến công du của Thủ tướng Canada Justin Trudeau tới Brussels vào ngày 27/10 tới. Tuy nhiên, tuần vừa qua, cơ quan lập pháp vùng Wallonie của Bỉ đã bỏ phiếu phủ quyết việc ký kết CETA do những lo ngại liên quan đến các tiêu chuẩn về tiêu dùng và bảo vệ môi trường tại châu Âu sẽ bị hạ thấp, cùng với đó là thị trường lao động bị đe dọa. Điều này đồng nghĩa với việc Chính phủ Bỉ không thể thông qua thỏa thuận CETA bởi theo quy định, Chính phủ Bỉ chỉ có thể thông qua CETA khi nhận được sự đồng ý của tất cả các cơ quan lập pháp cấp liên bang, vùng và cộng đồng ngôn ngữ tại nước này. Để có hiệu lực, thỏa thuận này cần sự phê chuẩn của tất cả 28 nghị viện các nước thành viên và 10 nghị viện vùng. Chỉ 1 nghị viện không tán thành, CETA sẽ không được thực thi. Diễn biến này đã đẩy văn kiện này rơi vào tình trạng đổ vỡ sau quá trình đàm phán kéo dài 7 năm.


Tại sao CETA bị phản đối?

Vậy tại sao một thỏa thuận kinh tế được dự báo giúp kim ngạch thương mại hai chiều tăng thêm 20% và tạo ra 80.000 việc làm mới lại gặp trở ngại như vậy. Và liệu điều này có tạo ra tiền lệ xấu cản trở EU ký kết các hiệp định thương mại lớn khác.


Nếu CETA không được thông qua, thiệt hại đầu tiên có thể thấy ngay là về kinh tế. Bởi theo ước tính của tờ Nhật báo phố Wall, CETA có thể thúc đẩy sản lượng kinh tế của EU tới 5,8 tỷ Euro mỗi năm. Đáng lo ngại hơn, CETA thất bại, điều này sẽ đặt ra những câu hỏi lớn về tương lai các chính sách thương mại của EU, trong đó có cả số phận của Hiệp định thương mại tự do xuyên Đại Tây Dương (TTIP) giữa Mỹ và EU. Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk cảnh báo EU có thể sẽ không bao giờ có thể ký kết 1 thỏa thuận thương mại tự do nào nữa nếu CETA không được thông qua và CETA có thể sẽ là thỏa thuận thương mại cuối cùng của khối này.

Nỗ lực cứu vãn Hiệp định thương mại EU-Canada - ảnh 2
(Ảnh minh họa: dw.com)



Sở dĩ CETA bị phản đối bởi nhiều nước lo ngại việc thông qua CETA sẽ hạ thấp các tiêu chuẩn về môi trường và luật lao động. Riêng đối với vùng Wallonie, chính quyền ở đây lo ngại việc thông qua CETA sẽ xóa bỏ 99% thuế quan giữa Canada và EU, khiến họ không cạnh tranh được với các sản phẩm giá rẻ từ Canada. Trong 1 năm qua, sự phản đối các thỏa thuận tự do thương mại đã gia tăng ở Châu Âu vì cho rằng, các thỏa thuận trao quá nhiều quyền cho các tập đoàn đa quốc gia mà bên thua thiệt chính là người tiêu dùng, người lao động. Trong khi đó, theo giới quan chức EU, các thỏa thuận thương mại là cơ hội tốt nhất để châu Âu định hình toàn cầu hóa, để phục vụ lợi ích của người dân, chứ không chỉ riêng lợi ích của một số ít công ty.


Nỗ lực cứu vãn CETA

Trước nguy cơ CETA đổ vỡ, các cuộc ngoại giao con thoi đang diễn ra với hy vọng tìm ra hướng cứu vãn Hiệp định này. Ngày 24/10, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk có cuộc thảo luận với Thủ tướng Bỉ Charles Michel, đồng thời gặp Thủ hiến vùng Wallonia của Bỉ Paul Magnette nhằm khai thông bế tắc. EU đã đặt cho Bỉ hạn chót để ra quyết định có ký thỏa thuận với Canada sau 7 năm đàm phán hay không. Bộ trưởng Thương mại Canada bày tỏ mọi cơ hội đang phụ thuộc bên phía EU, đồng thời bày tỏ hy vọng có thể tìm được một giải pháp cho vấn đề trên. Trước đó, Canada chỉ trích EU không có được tiếng nói chung trong vấn đề CETA. Hiện, vẫn còn thời gian để cứu vớt thỏa thuận. Tuy cơ quan lập pháp vùng Wallonie và Cộng đồng nói tiếng Pháp đã bỏ phiểu phản đối CETA, nhưng quyết định chính thức cuối cùng thuộc về các chính phủ cấp liên bang, vùng và cộng đồng ngôn ngữ tại nước này, bao gồm 6 bên : nhà nước liên bang, vùng Flander, vùng Wallonie, vùng thủ đô Brussels, cộng đồng tiếng Đức và cộng đồng tiếng Pháp.


Hiện các cuộc tiếp xúc đang gấp rút diễn ra, nỗ lực để vượt qua trở ngại, bởi các bên đều không muốn uổng phí 7 năm dài đàm phán. Sự được mất là rất lớn và đây không chỉ là phạm vi làm ăn thương mại mà còn là quan hệ ngoại giao giữa các nước có liên quan.

Phản hồi

Các tin/bài khác