Phát huy mọi nguồn lực để thực hiện thành công công cuộc đổi mới

(VOV5) - Tọa đàm khoa học “Giải pháp đột phá cho việc huy động và phát huy mạnh mẽ mọi nguồn lực và sức sáng tạo của nhân dân nhằm thực hiện thành công sự nghiệp đổi mới đất nước” do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức, vừa diễn ra hôm cuối tuần tại Hà Nội. Các chuyên gia, các nhà khoa học đã cung cấp các luận cứ nhằm hoàn thiện các  giải pháp đột phá để thực hiện hiệu quả công cuộc đổi mới, trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến việc phát huy vai trò của nhân dân. 

Phát huy mọi nguồn lực để thực hiện thành công công cuộc đổi mới - ảnh 1
Tọa đàm khoa học “Giải pháp đột phá cho việc huy động và phát huy mạnh mẽ mọi nguồn lực và sức sáng tạo của nhân dân nhằm thực hiện thành công sự nghiệp đổi mới đất nước” (Nguồn: hcma.vn)

Sau hơn 30 năm đổi mới, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu to lớn trên mọi lĩnh vực, có ý nghĩa lịch sử. Đó là: đất nước thoát khỏi khủng hoảng kinh tế-xã hội, bước vào nhóm nước có thu nhập trung bình. Trong toàn giai đoạn, tốc độ tăng GDP bình quân ở mức cao, (năm 2014 vượt mức 2.000USD/người), đời sống người dân không ngừng được nâng lên. Những thành tựu này khiến thế và lực của Việt Nam không ngừng được nâng cao trên trường quốc tế. Có được những kết quả đó, một trong những nguyên nhân là do Việt Nam không ngừng thu hút và phát huy mạnh mẽ mọi nguồn lực của nhân dân.

Thành tựu trong thu hút nguồn lực nhân dân

Trong suốt những năm đổi mới, cùng với đẩy mạnh phát triển kinh tế, Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn quan tâm, chăm lo phát triển mọi mặt đời sống của nhân dân; phát huy quyền làm chủ thực sự của người dân trên cơ sở tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân và thu được những kết quả quan trọng về chăm lo đời sống người dân, xóa đói giảm nghèo. Điển hình nhất là trong 25 năm (1990-2015), tỷ lệ nghèo ở Việt Nam đã giảm từ gần 60% xuống còn 5,97%, với khoảng hơn 30 triệu người dân thoát nghèo. Việt Nam cũng đạt được thành tựu ấn tượng về giáo dục và y tế. Tỷ lệ nhập học ở bậc tiểu học đạt hơn 95% và ở bậc trung học cơ sở là 80%. Việt Nam trở thành một trong những "điểm sáng" được cả thế giới ghi nhận về công tác an sinh xã hội. Cùng với quá trình phát triển đất nước, vai trò làm chủ của người dân đã được coi trọng, phát huy trên thực tế. Phương châm "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra" đã được chú trọng thực hiện tốt ở các cấp, qua đó giúp người dân có điều kiện tham gia trong mọi hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội với vai trò chủ thể. Cùng với đó, khối đại đoàn kết toàn dân tộc luôn được củng cố, tăng cường và phát huy cao độ, góp phần tạo sự đồng thuận cao trong các tầng lớp nhân dân.

Tiếp tục phát huy mọi nguồn lực trong đổi mới

Cốt lõi của việc tiếp tục sự nghiệp đổi mới đất nước hiện nay là đưa Việt Nam trở thành nước công nghiệp hiện đại. Giải pháp đột phá là lấy khoa học, công nghệ, tri thức và nguồn nhân lực chất lượng cao làm động lực chủ yếu. Theo đó,Việt Nam chọn lọc một số ngành công nghiệp chế tạo, chế biến, công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp sạch, công nghiệp năng lượng, xây dựng nền nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, ứng dụng công nghệ cao. Đồng thời, đẩy mạnh phát triển nền nông nghiệp theo hướng hiện đại, đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn các khu vực sản xuất và cao hơn tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế. Giáo sư, Tiến sỹ Đỗ Thế Tùng, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Chính trị, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh”, nêu giải pháp: “Muốn có công nghệ cao hoặc phải đẩy mạnh nghiên cứu khoa học hoặc là nhập khẩu công nghệ. Câu hỏi là làm cách nào để có nhân lực công nghệ cao và vốn cho nghiên cứu hay nhập khẩu công nghệ? Nếu như chỉ nhận thức cần phải làm gì khi mở đầu quá trình đổi mới thì không thể tiếp tục đổi mới toàn diện và đồng bộ mà phải có cách lấy nguồn nhân lực, vật lực, nhất là công nghệ cao để thực hiện đổi mới".

Để tiếp tục công cuộc đổi mới, tư tưởng chỉ đạo của Đảng cộng sản Việt Nam là: phát triển nhanh và bền vững trong mọi lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội và môi trường. Đồng thời, tiếp tục đánh giá sự đúng đắn của các chủ trương, chính sách nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế. Về điều này, ông Nguyễn Sỹ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, phát biểu: “Chúng ta thúc đẩy tự do kinh doanh đã nhiều, chỉ còn lại lĩnh vực còn cần phải cải thiện. Bộ Công Thương vừa qua đưa ra 20 lĩnh vực độc quyền của nhà nước. Như vậy hạn chế quyền tự do kinh doanh của người dân và doanh nghiệp. Nếu còn độc quyền nhiều thì rõ ràng quyền tự do kinh doanh không có thì không thể làm giàu. Bởi vậy, cần để người dân tiếp cận thị trường, tự doanh kinh doanh, cố gắng chống độc quyền nhà nước”.

Trong nhiệm kỳ Đại hội XII, Đảng cộng sản Việt Nam đã xác định “đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, phát huy mọi nguồn lực và động lực để phát triển đất nước nhanh, bền vững”. Một trong 6 nhiệm vụ trọng tâm được tập trung thực hiện là “Thu hút, phát huy mạnh mẽ mọi nguồn lực và sức sáng tạo của nhân dân”. Từ lý luận đến thực tiễn đều cho thấy vấn đề khai thác, sử dụng hợp lý đi đôi với bảo vệ, tái tạo và không ngừng phát huy các nguồn lực, đặc biệt là nguồn lực nhân dân, để đảm bảo những điều kiện cho sự phát triển nhanh và bền vững của Việt Nam hiện tại và trong tương lai là điều có ý nghĩa to lớn trong sự nghiệp đổi mới hiện nay.
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác