Quan tâm đến giai cấp công nhân trong giai đoạn phát triển mới

(VOV5) - Những ngày này, tại các tỉnh, thành phố của Việt Nam diễn ra nhiều hoạt động nhân Tháng công nhân 2017, kỷ niệm 131 năm Ngày quốc tế lao động 1/5. Trước đó, ngày 22/4, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng đã có buổi đối thoại với đông đảo công nhân lao động vùng kinh tế trọng điểm các tỉnh miền Trung. Những hoạt động trên khẳng định nguồn lực, sự đóng góp của công nhân lao động đối với sự phát triển kinh tế của đất nước đồng thời cho thấy sự quan tâm của Chính phủ, các cấp, ngành tới giai cấp công nhân trong giai đoạn phát triển mới.

Quan tâm đến giai cấp công nhân trong giai đoạn phát triển mới - ảnh 1
Liên đoàn lao động thành phố Hà Nội tặng quà công nhân lao động nhân dịp Tháng công nhân 2016 


Lực lượng công nhân Việt Nam đã và đang có những bước lớn mạnh không ngừng cả về quy mô, chất lượng, tiếp cận nhanh với khoa học, công nghệ tiên tiến, từng bước đảm đương, làm chủ kỹ thuật và công nghệ cao. Đây là lực lượng quan trọng góp phần trực tiếp vào sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.


Ban hành nhiều chính sách liên quan đến người lao động

Đất nước đang trong giai đoạn phát triển mới với yêu cầu phải xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động quyết liệt, phục vụ nhân dân. Trên tinh thần đó, Chính phủ đã và tiếp tục có những chính sách phát triển mạnh các loại hình doanh nghiệp, gắn kết chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của công nhân. Chính phủ đã và đang hành động quyết liệt để giải quyết những mong muốn chính đáng của công nhân. Chính phủ tiếp tục có quy định về điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng, tăng mức lương cơ sở năm 2017; yêu cầu các địa phương đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân;  nâng mức xử phạt với các trường hợp nợ đọng, chậm đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động. Đặc biệt mới đây, Thủ tướng đã ký phê duyệt Đề án “Đầu tư xây dựng các thiết chế của công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất"... Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết: “Cả nước có 2,7 triệu công nhân thì có trên 1,2 triệu chưa có nhà ở. Đây là vấn đề bức xúc. Cho nên chúng tôi đã xem xét kiến nghị của Tổng liên đoàn lao động Việt Nam quyết định phê duyệt đề án Thiết chế công đoàn Việt Nam, bao gồm thiết chế về nhà ở (hỗ trợ một phần); thứ hai là thiết chế về nhà văn hóa, thiết chế về thư viện, thiết chế về nhà trẻ, đặc biệt có thiết chế về trung tâm hỗ trợ pháp lý, tư vấn pháp luật cho công nhân, bảo vệ quyền lợi chính đáng cho công nhân”.

 

Theo đó Tổng liên đoàn lao động Việt Nam sẽ chủ trì phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng các khu thiết chế phục vụ công nhân lao động và đoàn viên công đoàn tại các khu công nghiệp – chế xuất. Những quyết sách kịp thời nêu trên của Chính phủ là động lực để công nhân Việt Nam tiếp tục khẳng định là lực lượng sản xuất cơ bản, đóng góp to lớn vào sự nghiệp phát triển của đất nước.


Quan tâm đến người lao động bằng những giải pháp cụ thể trong thời gian tới
 

Vấn đề phát triển trong thời đại hiện nay đòi hỏi lực lượng lao động có kỹ năng, trình độ tay nghề cao.  Mỗi người lao động phải tự phấn đấu, nỗ lực học tập, không ngừng rèn luyện để thành những người thợ giỏi, công nhân kỹ thuật xuất sắc. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng: “Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh. Công nhân cần tự học tập, tự rèn luyện tay nghề tốt để đáp ứng với cuộc cạnh tranh về lao động hiện nay. Tất cả người lao động, công nhân đều phải cố gắng học giỏi hơn, làm việc tích cực hơn, nghiên cứu từ lý thuyết đến thực hành nhiều hơn và hoạt động thiết thực, hữu ích hơn”.

 

Quan tâm đến giai cấp công nhân trong giai đoạn phát triển mới - ảnh 2
Chủ tịch Liên đoàn lao động thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến trao quà cho công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn .


Về phía cơ quan chức năng, các cấp Công đoàn đẩy mạnh chương trình "Nâng cao trình độ kỹ năng, nghề nghiệp của đoàn viên và người lao động" gắn với Đề án “Đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong công nhân lao động tại các doanh nghiệp đến năm 2020". Các doanh nghiệp cũng phải có chính sách đào tạo riêng, phối hợp với các cấp, các cơ quan chức năng để có thể triển khai các chương trình học bổng toàn phần, bán phần dành cho công nhân để nâng cao chuyên môn, tay nghề. Để công nhân lao động có việc làm bền vững, Chính phủ cũng sẽ xem xét dành một phần của Quỹ bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) chi cho đào tạo dài hạn, chuẩn hóa nghề nghiệp cho công nhân. “Chính phủ sẽ chỉ đạo dành một phần quỹ này chi cho đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực hiện nay. Việt Nam đang trong thời kỳ dân số vàng. Người lao động Việt Nam rất cần cù, chịu khó, sáng tạo,trong khi nhu cầu phát triển công nghiệp, hiện đại hóa, công nghiệp nông nghiệp, giải quyết việc làm rất lớn. Cho nên Quỹ bào hiểm thất nghiệp này được dùng để giải quyết vấn đề đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao tay nghề là rất cần thiết. Không để quỹ này tồn đọng lớn mà không thực hiện được các mục tiêu trong Luật giải quyết việc làm”.

 

Sắp tới đây, Chính phủ cũng tiếp tục nghiên cứu, bổ sung bảo vệ quyền lợi của người lao động là nữ. Các tổ chức công đoàn cần tiếp tục nghiên cứu trình Thủ tướng Chính phủ và Quốc hội bổ sung những nội dung còn thiếu, cùng tham gia xây dựng và triển khai thực hiện chính sách lao động nữ.

 

Để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững, vai trò của giai cấp công nhân hết sức quan trọng. Vì vậy, việc quan tâm đầu tư cho người lao động để họ nhanh chóng thích ứng với tiến trình hôi nhập kinh tế quốc tế sẽ góp phần vào việc hoàn thành các mục tiêu về kinh tế - xã hội đặt ra.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác