Tận dụng lợi thế để phát triển kinh tế, ổn định xã hội

(VOV5)- Trong một ngày rưỡi, Quốc hội thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội (30 – 31/10), nhiều đại biểu cho rằng để phát triển kinh tế - xã hội bền vững, bên cạnh việc ban hành kịp thời các chính sách điều hành kinh tế vĩ mô, Chính phủ Việt Nam còn cần quan tâm đầu tư, phát huy những ngành, lĩnh vực được đánh giá là lợi thế sẵn có của đất nước.

Tận dụng lợi thế để phát triển kinh tế, ổn định xã hội - ảnh 1
Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIII đã trải qua tuần làm việc đầu tiên (Ảnh: Quang Trung)

Việt Nam là quốc gia đông dân, có nguồn nhân lực dồi dào. Việt Nam cũng là đất nước mà nông nghiệp có vai trò là trụ cột của nền kinh tế. Việc cải thiện năng suất lao động của nguồn nhân lực, tập trung có trọng tâm để phát triển nông nghiệp, có cơ chế đặc thù để phát triển các vùng kinh tế trọng điểm ở cả 3 miền bắc, trung, nam sẽ tạo ra những lợi thế đáng kể trong quá trình phát triển của đất nước.   
                 

Tập trung cho nhóm giải pháp dân số và nguồn nhân lực
Việt Nam đang ở trong thời kỳ cơ cấu dân số vàng với nhóm dân số trong độ tuổi lao động chiếm tỷ lệ cao. Đây cũng là cơ hội lớn trong việc huy động nguồn lực cho phát triển kinh tế, tạo cơ hội tích lũy nguồn lực tương lai. Do vậy, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng Chính phủ cần bổ sung các giải pháp cụ thể để sử dụng có hiệu quả nguồn lao động dồi dào, giảm tỷ lệ thất nghiệp, gắn chuyển dịch cơ cấu kinh tế với chuyển dịch cơ cấu lao động, hướng đến tạo giá trị gia tăng và tăng năng suất lao động. Theo ông Nguyễn Phi Thường, đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội, vấn đề tăng năng suất lao động hiện nay là hướng đi quan trọng, sống còn giúp tiếp tục tăng trưởng bền vững và cạnh tranh với các nền kinh tế khác. Tuy nhiên lao động Việt Nam còn khá nhiều điểm hạn chế, đông về số lượng nhưng chủ yếu là lao động phổ thông, ít qua đào tạo. Một nguyên nhân khác khiến cho năng suất lao động của Việt Nam còn thấp là do công nghệ lạc hậu.

Đại biểu Nguyễn Phi Thường kiến nghị 3 giải pháp để cải thiện năng suất lao động của Việt Nam: thứ nhất, nâng cao chất lượng đào tạo, nhanh chóng đổi mới hệ thống giáo dục đào tạo để đầu ra là đội ngũ lao động có trình độ, đạo đức, văn hóa văn minh. Thứ hai, thực hiện cơ cấu chuyển dịch các ngành kinh tế phi nông nghiệp, xây dựng kỹ năng cho người lao động. Thứ ba, tăng cường đầu tư thực chất cho khoa học thông qua nhập khẩu máy móc thiết bị, công nghệ.

Trong khi đó, ông Nguyễn Thiện Nhân, đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang, cho rằng năng suất lao động của một quốc gia là tổng hợp năng suất lao động của tất cả các ngành trong nền kinh tế quốc dân. Do đó, muốn tăng năng suất lao động của cả nền kinh tế thì trước hết phải tăng năng suất của từng khu vực trong nền kinh tế: Nông nghiệp; Công nghiệp - xây dựng và Dịch vụ.

Theo tính toán, năm 2014 năng suất lao động khu vực công nghiệp của Việt Nam gấp 4,8 lần so với khu vực nông nghiệp; còn năng suất lao động khu vực dịch vụ gấp 3,5 lần so với khu vực nông nghiệp. Do đó, cần tập trung tháo gỡ các nút thắt đối với sự phát triển bền vững của ngành nông nghiệp, tăng thu nhập và năng suất lao động của người nông dân: Phát triển các hình thức hợp tác trong sản xuất nông nghiệp để chuyển mô hình sản xuất nông nghiệp từHộ sản xuất cá thể mua bán trực tiếp trên thị trường đầu vào, đầu ra không có tính cạnh tranh cao, chèn ép hộ nông dân – Xuất khẩu đem lại lợi ích chủ yếu cho các doanh nghiệp xuất khẩu” sang mô hình mới là "Hộ nông dân liên kết trong các tổ chức hợp tác sản xuất – Tổ chức hợp tác mua bán trên thị trường đầu vào, đầu ra có tính cạnh tranh cao – Xuất khẩu đem lại lợi ích cho các doanh nghiệp và các tổ chức hợp tác của người nông dân”.

Tận dụng lợi thế để phát triển kinh tế, ổn định xã hội - ảnh 2
Các đại biểu trao đổi bên hành lang Quốc hội (Ảnh: Quang Trung)

Khuyến khích phát triển nông nghiệp
Xác định nông nghiệp vẫn là trụ đỡ của nền kinh tế, ông Lê Đình Khanh, đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương, cho rằng cần đầu tư nhiều hơn và có trọng điểm trong lĩnh vực này. Ông đề nghị Quốc hội và Chính phủ cấp đủ kinh phí để nghiên cứu giống cây trồng, vật nuôi, tránh lệ thuộc nước ngoài. Ông Đỗ Ngọc Niễn, đại biểu tỉnh Bình Thuận, đề nghị Chính phủ tập trung khai thác thế mạnh của hoạt động nuôi trồng, khai thác thủy sản, nguồn tài nguyên lớn nhưng tốc độ phát triển lại thấp.

Theo ông Trần Quốc Tuấn, đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh, Chính phủ cần chỉ đạo quyết liệt hơn trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Trước mắt, cần định hướng quy hoạch chuyển một phần diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các loại nông sản. Đồng thời chỉ đạo việc du nhập, chuyển giao công nghệ sản xuất nông nghiệp tiên tiến của các quốc gia trên thế giới đi kèm với các chính sách ưu đãi. Trước những đề xuất này, Bộ trưởng Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn Cao Đức Phát cho biết: Một mặt tiếp tục nâng cao hiệu quả ngành trồng lúa,mặt khác hướng dẫn nông dân áp dụng các kỹ thuật mới để tăng năng suất. Về phát triển chăn nuôi,để nâng cao sức cạnh tranh của ngành chăn nuôi, ngành nông nghiệp đang khuyến khích phát triển chăn nuôi công nghiệp, có chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi nông hộ. Về trên biển, tiếp tục khuyến khích ngư dân gia tăng năng lực đánh bắt ở vùng biển xa, hỗ trợ ngư dân về công nghệ để nâng cao giá trị hải sản đánh bắt được. Bộ đã ban hành các mẫu tàu cá đóng bằng vỏ sắt. Các địa phương đã gửi danh sách cho ngân hàng để xem xét cho ngư dân vay vốn.

Cơ chế đặc thù cho phát triển các vùng kinh tế trọng điểm
Việt Nam hiện có hơn 20 tỉnh, thành phố được xếp vào vùng kinh tế trọng điểm.  Việc tăng cường liên kết các vùng lãnh thổ để phát triển là rất cần thiết. Những năm qua, giải pháp này đã được thực hiện và đạt nhiều kết quả quan trọng, phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương trong sản xuất công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ. Tuy nhiên, so với yêu cầu, hiệu quả liên kết các vùng lãnh thổ chưa cao, chưa có những chính sách hợp lý tạo điều kiện cho các địa phương trọng điểm làm đầu tàu kinh tế. Bà Nguyễn Thị Nghĩa, đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng, đề nghị: Chính phủ cần tăng cường tính hiệu quả trong liên kết vùng, điều chỉnh chính sách liên kết vùng nhằm đáp ứng yêu cầu cấp thiết của các địa phương.Một trong những mục đích của liên kết vùng là hình thành các vùng kinh tế trọng điểm, tạo đầu tàu thúc đẩy các địa phương khác cùng phát triển. Chính phủ cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ hiệu quả hơn nữa đối với các địa phương được xác định là vùng kinh tế trọng điểm để các địa phương này bứt phá, có điều kiện thúc đẩy cả vùng cùng phát triển.

Phát triển bền vững kinh tế - xã hội của đất nước phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Việc Chính phủ Việt Nam tập trung nâng cao năng suất lao động, đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp cũng như có chính sách đặc thù để khai thác hết các lợi thế của các vùng kinh tế trọng điểm được xem là hướng đi đúng đắn, góp phần không nhỏ vào việc hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội./. 

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác