Tháo gỡ khó khăn để doanh nghiệp thực sự là động lực phát triển kinh tế

(VOV5) - Ngày 29/4, tại Thành phố Hồ Chí Minh sẽ diễn ra hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp năm 2016 với chủ đề “Doanh nghiệp Việt Nam - Động lực phát triển kinh tế của đất nước”. Đây là cuộc đối thoại trực tiếp đầu tiên giữa người đứng đầu Chính phủ với cộng đồng doanh nghiệp sau khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhậm chức. Hội nghị được kỳ vọng sẽ tìm ra các giải pháp xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi nhất cho doanh nghiệp, để doanh nghiệp thực  sự trở thành động lực phát triển kinh tế của đất nước.


Tháo gỡ khó khăn để doanh nghiệp thực sự là động lực phát triển kinh tế  - ảnh 1
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ chủ trì hội nghị đối thoại với doanh nghiệp vào cuối tuần này (Ảnh: vnexpress.net)


 Hai nội dung chính của hội nghị là xác định các rào cản về cơ chế, chính sách và giải pháp khắc phục; xử lý các kiến nghị, giải quyết các khó khăn của doanh nghiệp trong quá trình sản xuất, kinh doanh, trong quá trình thực thi pháp luật. Cũng tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sẽ chứng kiến lãnh đạo thành phố Hà Nội, lãnh đạo thành phố Hồ Chí Minh ký cam kết với Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) về việc tạo môi trường kinh doanh tốt nhất cho doanh nghiệp trên địa bàn.


Hội nghị Diên Hồng trong phát triển doanh nghiệp


Với hình thức tổ chức trực tiếp và trực tuyến, dự kiến sẽ có hàng nghìn đại diện doanh nghiệp tham dự hội nghị với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Tại Hội trường Thống nhất Thành phố Hồ Chí Minh, có khoảng 300 đại biểu doanh nghiệp dân doanh, 50 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và 20 hiệp hội doanh nghiệp như Hiệp hội thương mại Hoa Kỳ (AmCham), Phòng thương mại châu Âu (Eurocham)…Còn các điểm cầu truyền hình trực tuyến tại 62 tỉnh, thành trên cả nước, mỗi điểm cầu dự kiến có từ 50 đến 100 đại diện doanh nghiệp tham gia. Theo Chủ tịch Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc, cộng đồng doanh nghiệp rất vui mừng về việc Chính phủ tổ chức hội nghị này và coi hội nghị với Thủ tướng là một “Hội nghị Diên Hồng” trong phát triển doanh nghiệp. Cùng với mong muốn sự kiện này sẽ diễn ra hàng năm, cộng đồng doanh nghiệp cũng đề xuất nhiều kiến nghị. Ông Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh:
 "Doanh nghiệp mong muốn Chính phủ có một chương trình hành động để thúc đẩy sự phát triển của khu vực doanh nghiệp trong cả nhiệm kỳ. Trước hết là mong Chính phủ cố gắng duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, lạm phát tối đa 4% như nghị quyết Quốc hội đã đề ra. Cùng với đó, Chính phủ triển khai đồng bộ các chương trình cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh để thời gian tới Việt Nam là 1 trong 4 quốc gia có môi trường kinh doanh thuận lợi nhất trong khối ASEAN. Chính phủ cũng cần đẩy mạnh việc giám sát, thúc đẩy thực hiện Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư để 2 luật này thực sự phát huy hiệu quả. Doanh nghiệp cũng mong muốn Chính phủ sớm trình để Quốc hội thông qua Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa".


Tháo gỡ khó khăn để doanh nghiệp thực sự là động lực phát triển kinh tế  - ảnh 2
Ảnh minh họa (nguồn: internet)


Ông Vũ Tiến Lộc cũng cho biết việc cải cách thủ tục hành chính là điều rất quan trọng trong thời gian tới vì điều này sẽ giảm chi phí chính thức và không chính thức đối với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Đồng quan điểm này, bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường, đại biểu Quốc hội đoàn thành phố Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần đầu tư ANG Holdings Việt Nam nêu kiến nghị: "
Chính phủ cần tập trung cải cách nền hành chính mạnh mẽ hơn nữa, xây dựng bộ máy tinh gọn và hiệu quả hơn nữa, để tạo điều kiện cho doanh nghiệp giảm thời gian làm thủ tục, giảm chi phí phi chính thức, qua đó giảm giá thành sản phẩm. Chính phủ cần xây dựng một chương trình phát triển đội ngũ doanh nhân cụ thể và có chính sách ủng hộ thiết thực cho các hoạt động khởi nghiệp của thanh niên".


Quyết tâm giải quyết triệt để các kiến nghị của doanh nghiệp


Để tìm ra giải pháp tháo gỡ các vướng mắc của doanh nghiệp, tham dự cuộc đối thoại ngày 29/4, không chỉ có Thủ tướng và cộng đồng doanh nghiệp mà còn có Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, lãnh đạo tất cả các bộ, cơ quan ngang bộ, các địa phương, lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp...Điều này nhằm giúp TW, địa phương, các bộ, ngành nhìn nhận tổng thể những khó khăn mà doanh nghiệp đang gặp phải, từ đó có giải pháp linh hoạt, tạo điều kiện cho doanh nghiệp pháp triển.


Theo Phó Chủ nhiệm văn phòng Chính phủ Lê Mạnh Hà, tại Hội nghị, các doanh nghiệp có thể đề cập với Thủ tướng mọi vướng mắc gặp phải trong quá trình kinh doanh như thực thi Luật Doanh nghiệp, các lĩnh vực thuế, hải quan, đất đai, xây dựng, lãi suất, khả năng tiếp cận vốn vay hay  các  lĩnh vực giao thông, môi trường, quản lý thị trường, các khoản chi phí không chính thức...Trên cơ sở đó, ngay sau hội nghị, trong buổi chiều cùng ngày, Thủ tướng sẽ làm việc với các bộ ngành, địa phương để bàn cách xử lý, giải quyết những kiến nghị của doanh nghiệp. Một Nghị quyết chuyên đề về doanh nghiệp với tên gọi Nghị quyết về hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam trở thành động lực phát triển kinh tế của đất nước cũng sẽ được trình Chính phủ thảo luận và thông qua vào đầu tháng 5 tới.


Các văn kiện của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng CSVN (tháng 1/2016) đã nhấn mạnh khu vực kinh tế dân doanh, kinh tế tư nhân phải trở thành động lực phát triển của nền kinh tế. Trên tinh thần đó, cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng rằng tại hội nghị với Thủ tướng ngày 29/04 tới, nhiều kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp sẽ được cơ quan chức năng tiếp nhận và đưa ra hướng giải quyết cụ thể, góp phần tiếp sức cho tinh thần khởi nghiệp, xây dựng doanh nghiệp thực sự trở thành động lực phát triển kinh tế của đất nước. 
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác