Thúc đẩy các cơ chế hợp tác, phù hợp với môi trường cạnh tranh quốc tế mới

(VOV5) - Hội nghị Bộ trưởng về phát triển nguồn nhân lực Diễn đàn hợp tác Kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 6 do Việt Nam đăng cai tổ chức, vừa kết thúc tại Hà Nội sau 2 ngày làm việc. Hội nghị là một trong các hoạt động đánh dấu 25 năm hình thành và phát triển của APEC, chuẩn bị cho việc Việt Nam đăng cai tổ chức Hội nghị APEC lần thứ 25 vào năm 2017. Thành công của Hội nghị thêm một lần nữa khẳng định: Việt Nam đã, đang và sẽ hợp tác tích cực cùng APEC để thúc đẩy các cơ chế hợp tác, liên kết kinh tế đa dạng, linh hoạt, hiệu quả phù hợp với môi trường cạnh tranh quốc tế mới.


Thúc đẩy các cơ chế hợp tác, phù hợp với môi trường cạnh tranh quốc tế mới - ảnh 1

Hội nghị Bộ trưởng APEC lần thứ 6 về Phát triển nguồn nhân lực tập trung thảo luận 3 chủ đề liên quan đến hỗ trợ tăng trưởng đồng đều và bền vững nhằm giải quyết các khía cạnh của quá trình toàn cầu hóa; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nhằm đáp ứng yêu cầu chuỗi cung ứng và thúc đẩy chuyển dịch lao động và phát triển kỹ năng. Hội nghị là một trong những hoạt động quan trọng nhằm hiện thực hóa nội dung Tuyên bố chung của các nhà lãnh đạo APEC, tăng cường hợp tác phát triển nguồn nhân lực không chỉ trong APEC mà còn với các đối tác bên ngoài, đã được thông qua tại Hội nghị cấp cao APEC lần thứ 21.

Nguồn nhân lực góp phần tăng trưởng APEC

Có thể khẳng định, qua chặng đường 25 năm phát triển, APEC đã thực sự chú trọng phát huy hiệu quả nguồn nhân lực dồi dào với trình độ kỹ năng ngày càng cao đi đôi với phát triển khuôn khổ thể chế phù hợp, đề cao giá trị nhân văn, bảo vệ và kết nối con người với con người.

Tuy nhiên, xu thế toàn cầu hóa và tự do hóa ngày càng sâu rộng, những hình thức hợp tác, liên kết kinh tế đa dạng, đang tạo ra nhiều cơ hội mới, nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức mới cho thế giới nó
i chung và từng thành viên APEC nói riêng. Đây cũng là điều mà Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh tại phiên khai mạc Hội nghị Bộ trưởng APEC lần thứ 6 về Phát triển nguồn nhân lực. Thủ tướng nhấn mạnh: "Trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới còn nhiều khó khăn, nhiều thách thức to lớn đang đặt ra cho mỗi thành viên chúng ta như phục hồi tăng trưởng còn chậm, thiếu vững chắc; thất nghiệp còn cao; mất cân bằng về cung - cầu lao động có tay nghề cao; bất ổn xã hội và nhiều rủi ro tiềm ẩn khác.  Đây là những vấn đề cần được giải quyết cả ở tầm quốc gia, khu vực và toàn cầu. Quyết tâm và nỗ lực của mỗi nền kinh tế là vô cùng thiết yếu, song chưa đủ".'

Cơ hội và thách thức do xu hướng vận động trong APEC mang lại

Nhận thức rõ sở hữu nguồn nhân lực chất lượng cao là chìa khóa mở cửa và đảm bảo phát triển bền vững và toàn diện trong bối cảnh toàn cầu hóa và tự do hóa ngày càng sâu rộng, Việt Nam đã xây dựng cho mình những thế mạnh riêng trong phát triển nguồn nhân lực của mình để tham gia vào tiến trình phân công và chuyên môn hóa lao động ở quy mô toàn cầu hiện nay. Song cũng như nhiều quốc gia thành viên APEC, bên cạnh những cơ hội mang lại, Việt Nam đang gặp phải những thách thức không nhỏ, đó là làm sao xử lý hiệu quả nhất các cam kết trong các thể chế khu vực và toàn cầu, đem lại lợi ích cho phát triển kinh tế đất nước. Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan cho rằng: "
Nếu như trước đây thể chế APEC là độc quyền, nhưng nay xuất hiện ra rất nhiều những thể chế khác, mà nổi bật nhất trong đó là cơ chế hợp tác TPP (Hiệp định đối tác hợp tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương), hợp tác Đông Á hay các thể chế tự do song phương khác. Do vậy, APEC phải định vị như thế nào trong thể chế này, tránh sự chồng lấn nhau, cạnh tranh nhau. Những cam kết nếu đi chậm thì những cam kết khác sẽ có thể mạnh hơn. Đối với Việt Nam, không những tham gia APEC mà chúng ta còn tham gia hầu hết những thể chế này thì rõ ràng cũng đặt ra cho chúng ta nhiều thách thức, các cam kết này có thể mâu thuẫn với cam kết khác, thì Việt Nam đang phải thiết kế hệ thống quy chuẩn, làm sao cái cam kết này phải bổ sung cái kia chứ không phải cái nọ loại trừ cái kia".

Tích cực thúc đẩy các cơ chế hợp tác trong APEC

Trong 16 năm tham gia Diễn đàn APEC, Việt Nam đã hợp tác tích cực và sẽ tiếp tục cùng các thành viên APEC thúc đẩy các cơ chế hợp tác, liên kết kinh tế đa dạng, linh hoạt, hiệu quả phù hợp với môi trường cạnh tranh quốc tế mới… Hội nghị Bộ trưởng APEC về Phát triển nguồn nhân lực lần này đã góp phần thắt chặt hơn nữa các mối liên kết, hợp tác hiệu quả trong khu vực với việc đề ra nhiều khuyến nghị, sáng kiến mới, các giải pháp hiệu quả lấy con người làm trung tâm, hạn chế các tác động tiêu cực của toàn cầu hóa.

Thời gian tới, Việt Nam đang tích cực chuẩn bị cho sự kiện Hội nghị APEC lần thứ 25 tổ chức tại Việt Nam năm 2017. Những sáng kiến tổ chức Hội nghị như thế này tại Việt Nam được các thành viên APEC đánh giá cao. Ông David Dodwell, đại diện Hội đồng Kinh doanh APEC, cho rằng: "
Việt Nam sẽ đăng cai tổ chức Hội nghị APEC vào năm 2017, bởi vậy tôi cho rằng đây là bước chuẩn bị rất tốt của Chính phủ Việt Nam, đảm bảo cho sự thành công của Năm APEC 2017. Những hoạt động tích cực của Việt Nam trong APEC là bước khởi động cho tiến trình tiếp tục đối thoại và hội nhập của Việt Nam trong thời gian tới".

Sau gần 30 năm đổi mới, hiện nay, Việt Nam đang ở thời kỳ dân số vàng, thời kỳ lực lượng lao động sẵn có dồi dào phong phú và nhiều tiềm năng. Thời kỳ này sẽ kéo dài từ 30-35 năm nữa theo ước tính của các nhà khoa học. Những giải pháp phù hợp trong việc đào tạo nghề, sử dụng hợp lý lực lượng lao động, đặc biệt là sự hợp tác tích cực trong các cơ chế quan trọng toàn cầu như APEC, là những điều kiện thuận lợi để Việt Nam đẩy mạnh tốc độ phát triển kinh tế xã hội./.
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác