Tiếp sức cho ngư dân vươn khơi, bám biển

(VOV5)- Thủ tướng Chính phủ vừa ký ban hành Nghị định 67/2014/NĐ-CP về một số chính sách phát triển thủy sản. Theo đó, Chính phủ  có nhiều chính sách hỗ trợ ngư dân về đầu tư, tín dụng, bảo hiểm. Đây được xem là tiền đề rất quan trọng trong việc khai thác tiềm năng kinh tế biển, phát triển nghề cá theo hướng hiện đại cũng như giúp ngư dân yên tâm bám biển và bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Nghị định này của Chính phủ tập trung hỗ trợ  hoạt động đầu tư nâng cấp, đóng mới các phương tiện đánh bắt cũng như đội ngũ tàu dịch vụ hậu cần nghề cá, phục vụ khai thác đánh bắt xa bờ hiệu quả hơn. Cùng với nghị định này, việc hình thành các tổ, đội hợp tác sản xuất ngư nghiệp, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào ngư nghiệp…cũng được Chính phủ xây dựng, ban hành trong các văn bản trước đó là những điều kiện đầy đủ phát triển ngư nghiệp xa bờ.

Tiếp sức cho ngư dân vươn khơi, bám biển - ảnh 1
Ngư dân Khánh Hòa đang được hỗ trợ các nguồn lực để yên tâm ra khơi bám biển. Ảnh: baogialai.com.vn


Ưu tiên tối đa cho ngư dân

Điểm đáng chú ý trong Nghị định 67 là Chính phủ đặc biệt quan tâm đến chính sách tín dụng ưu đãi cho ngư dân đóng mới tàu vỏ thép. Theo đó, nếu đóng mới tàu vỏ thép làm dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ (có tổng công suất máy chính 400 CV trở lên) hoặc đóng mới tàu hải sản xa bờ (từ 800 CV trở lên), chủ tàu được vay vốn ngân hàng thương mại tối đa 95% tổng giá trị đầu tư đóng mới với lãi suất 7%/năm; trong đó chủ tàu chỉ trả 1%/năm, ngân sách Nhà nước cấp bù 6%/năm. Khi đóng mới tàu vỏ thép (từ 400 CV đến dưới 800 CV), chủ tàu được vay tối đa 90% tổng giá trị con tàu với mức phải trả 2%/năm, ngân sách Nhà nước cấp bù 5%/năm. Đặc biệt, chi phí đào tạo, hướng dẫn thuyền viên vận hành tàu vỏ thép, hướng dẫn kỹ thuật khai thác, bảo quản sản phẩm theo công nghệ mới; chi phí thiết kế mẫu tàu; kinh phí duy tu, sửa chữa định kỳ sẽ được hỗ trợ 100%.

Bên cạnh đó, Nghị định cũng có các chính sách về bảo hiểm, thuế và các chính sách khác giúp ngư dân nâng cao hiệu quả sản xuất, yên tâm bám biển. Nhà nước sẽ hỗ trợ 100% kinh phí mua bảo hiểm tai nạn thuyền viên cho mỗi thuyền viên làm việc trên tàu (tàu trên 90 CV). Đồng thời, hỗ trợ hàng năm kinh phí mua bảo hiểm thân tàu, trang thiết bị, ngư lưới cụ. Ông Phan Huy Hoàng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi, cho rằng: Đây là một chủ trương đúng và  sát thực tế. Mạnh dạn cho ngư dân đầu tư đóng tàu vỏ thép, đánh bắt xa bờ là góp phần bảo vệ chủ quyền Tổ quốc. Tàu vỏ thép an toàn hơn rất nhiều, hiện đại hơn rất nhiều so với tàu gỗ trước đây, tạo bước đột phá trong việc hiện đại hóa nghề cá.


Triển khai đồng bộ, hiệu quả Nghị định của Chính phủ

Nghị định 67 sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 25/8 tới. Để chính sách phát triển thủy sản và chương trình hỗ trợ thực sự thiết thực, đi vào cuộc sống với ngư dân, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình cho biết NHNN cùng các ngân hàng thương mại bố trí một nguồn vốn thỏa đáng để ngư dân vươn khơi, bám biển: Chúng tôi khẳng định rằng nguồn vốn cho ngư dân đã sẵn sàng và có thể giải ngân bất cứ lúc nào sau khi có cơ sở pháp lý của Chính phủ.

Ngoài ra việc xúc tiến thành lập doanh nghiệp (DN) hỗ trợ ngư dân bám biển cũng được tiến hành. Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam đứng ra tổ chức kết nối ngư dân với chính quyền địa phương và các doanh nghiệp. Ông Đặng Ngọc Tùng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, cho biết: Hàng trăm tàu đánh bắt cá của ngư dân phải có tàu phục vụ hậu cần lớn đi theo. Lúc đó, tàu phục vụ hậu cần sẽ cung cấp nước, xăng dầu, các vật dụng cần thiết để ngư dân bám biển lâu ngày. Quan trọng tàu hậu cần này phải thu mua những hải sản mà ngư dân đánh bắt được và hướng dẫn cho ngư dân về kỹ thuật để sản lượng cá được bảo đảm, tăng chất lượng. Nếu có kỹ thuật, có hướng dẫn giá trị sẽ tăng gấp 6-7 lần. Điều đó sẽ làm lợi cho ngư dân.

Chính phủ đã có nhiều chính sách hỗ trợ ngư dân dưới nhiều hình thức. Cùng với các chính sách này, việc Nghị định 67 vừa được ban hành sẽ tạo hành lang pháp lý thống nhất, tạo điều kiện thuận lợi nhất để hỗ trợ ngư dân làm giàu từ biển, bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc./.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác