Tiếp tục đổi mới toàn diện, đồng bộ nhằm tạo thế và lực mới cho đất nước

(VOV5) - Dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản, hơn 86 năm qua, Việt Nam đã giành được nhiều thắng lợi trên con đường xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Trong những thành tựu đó có thành quả của công cuộc 30 năm Đổi mới (1986 – 2016). Tiếp nối thành công này, trong năm 2016 và những năm tiếp theo,Đảng Cộng sản Việt Nam tiếp tục lãnh đạo đất nước theo đường lối đổi mới toàn diện hơn, đồng bộ hơn, nhằm tạo ra thế và lực mới cho Việt Nam. 

Tiếp tục đổi mới toàn diện, đồng bộ nhằm tạo thế và lực mới cho đất nước   - ảnh 1
Đổi mới toàn diện và đồng bộ là con đường tất yếu để Việt Nam phát triển bền vững (Ảnh minh họa - nguồn: internet)


30 năm đổi mới, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trên con đường xây dựng Chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Thành tựu 30 năm đổi mới khẳng định đường lối đổi mới của Đảng cộng sản Việt Nam là đúng đắn, sáng tạo; con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của Việt Nam là phù hợp với thực tiễn của đất nước và xu thế phát triển của lịch sử.


Tuy nhiên thực tế quá trình đổi mới vẫn còn nhiều bất cập, chưa đồng bộ và toàn diện. Nhiều chỉ tiêu, tiêu chí trong mục tiêu phấn đấu để đến năm 2020 Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại không đạt được.


Đổi mới toàn diện và đồng bộ


Từ những tồn tại trong 30 năm đổi mới và dự báo tình hình thế giới, khu vực trong những năm tới còn nhiều diễn biến rất phức tạp, tác động trực tiếp đến Việt Nam, Đảng Cộng sản Việt Nam (CSVN) xác định phải lãnh đạo đất nước phát triển toàn diện, đồng bộ hơn. PGS. TS Nguyễn Viết Thông, Tổng Thư ký Hội đồng Lý luận Trung ương, phân tích: "Toàn diện là từ chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng, đối ngoại. Đồng bộ ở đây là trong tất cả các lĩnh vực, phải đổi mới từ trên xuống dưới, từ TW đến tận cơ sở, ở tất cả các cấp,các ngành. Ví dụ về kinh tế, nhấn mạnh đến đổi mới mô hình tăng trưởng,cơ cấu lại nền kinh tế; hoàn thiện nền kinh tế thị trường định hướng XHCN; đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong bối cảnh hiện nay. Hoặc những vấn đề về văn hóa - xã hội thì nhấn mạnh đổi mới căn bản về giáo dục đào tạo, nhấn mạnh ứng dụng khoa học công nghệ; trong đại đoàn kết toàn dân tộc thì nhấn mạnh phát huy dân chủ".


Tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức


Về kinh tế, vận hội mới mở ra nhiều cơ hội lớn khi Việt Nam đã tham gia Cộng đồng ASEAN, một khu vực phát triển năng động, tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới…,song thách thức, khó khăn vẫn còn rất lớn. Đánh giá tổng kết 30 năm đổi mới, Đảng CSVN nhận định nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế so với các nước trong khu vực và thế giới vẫn tồn tại. Để đất nước phát triển nhanh, cái gốc vẫn là kinh tế. Tuy nhiên, quy mô kinh tế vẫn còn nhỏ, chất lượng, hiệu quả thấp và còn nặng kinh tế tài nguyên, năng suất lao động thấp. Do đó, Đảng CSVN xác định đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế phù hợp với tình hình mới. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ: "Tiếp tục đổi mới và sáng tạo trong lãnh đạo, quản lý. Tập trung hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, vận hành đầy đủ, đồng bộ, hiệu quả theo quy luật kinh tế thị trường. Bảo đảm phát triển nhanh, bền vững trên cơ sở ổn định kinh tế vĩ mô, không ngừng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh".


Song song với việc tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, Đảng CSVN chú trọng gắn kết phát triển kinh tế với phát triển các lĩnh vực khác nhằm tạo sự đồng bộ. Giải quyết hài hoà giữa mục tiêu trước mắt và lâu dài, giữa phát triển kinh tế với bảo đảm quốc phòng, an ninh; giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hoá, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ môi trường, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; xây dựng nền nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hoá lớn, ứng dụng công nghệ cao, nâng cao chất lượng sản phẩm; tập trung phát triển một số ngành dịch vụ có lợi thế, có hàm lượng tri thức và công nghệ cao.


Đảng CSVN xác định tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, đồng bộ các yếu tố cơ bản của giáo dục, đào tạo theo hướng coi trọng phát triển phẩm chất, năng lực của người học; chú trọng phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ để khoa học, công nghệ thực sự là động lực quan trọng nhất của phát triển lực lượng sản xuất hiện đại. Phát triển, ứng dụng khoa học - công nghệ được ưu tiên tập trung đầu tư trước một bước trong hoạt động của các ngành, các cấp. Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, đồng bộ cơ chế quản lý, tổ chức, hoạt động khoa học và công nghệ, nhất là cơ chế quản lý, phương thức đầu tư, cơ chế tài chính để đưa nhanh tiến bộ khoa học - công nghệ vào hoạt động thực tiễn. Phấn đấu đến năm 2020, khoa học và công nghệ của Việt Nam đạt trình độ phát triển của nhóm các nước dẫn đầu ASEAN; đến năm 2030, có một số lĩnh vực đạt trình độ tiên tiến trên thế giới.


Để quá trình đổi mới toàn diện và đồng bộ thành công, việc tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc là yếu tố quan trọng. Theo đó, Đảng sẽ chú trọng xây dựng, phát huy vai trò của giai cấp công nhân, giai cấp nông dân, đội ngũ trí thức, đội ngũ doanh nhân đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong thời kỳ mới; thực hiện tốt pháp luật, chính sách dân tộc, tôn giáo, chính sách đối với đồng bào định cư ở nước ngoài.


Đổi mới toàn diện và đồng bộ là con đường tất yếu để Việt Nam phát triển bền vững. Với quyết tâm, đồng lòng của toàn dân trong chặng đường đổi mới Xuân Bính Thân này, mục tiêu sớm đưa Việt Nam trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại đã và đang định hình.
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác