Từng bước hiện thực hóa mục tiêu Chính phủ điện tử tại Việt Nam

(VOV5) - Trong bối cảnh chi phí công đang ngày càng trở thành nỗi ám ảnh thời hậu khủng khoảng, Chính phủ điện tử càng là bước đi cấp thiết của tất cả nền kinh tế.


Được triển khai từ năm 2007, Dự án phát triển công nghệ thông tin và truyền thông Việt Nam đến nay đã tạo ra môi trường và hạ tầng công nghệ thông tin tại một số cơ quan Bộ, ban ngành và tỉnh thành Việt Nam, sẵn sàng cho việc triển khai chính phủ điện tử theo lộ trình. Việc Bộ Ngoại giao Việt Nam mới đây chính thức đưa vào sử dụng hệ thống Quản lý cấp Thị thực Trực tuyến và Trung tâm Tích hợp Dữ liệu, thêm khẳng định quyết tâm hiện thực hóa mục tiêu Chính phủ điện tử tại Việt Nam, với trọng tâm là cải cách dịch vụ hành chính công, phục vụ quá trình phát triển kinh tế của đất nước.


Trong bối cảnh chi phí công đang ngày càng trở thành nỗi ám ảnh thời hậu khủng khoảng, Chính phủ điện tử càng là bước đi cấp thiết của tất cả nền kinh tế. , Chính phủ điện tử cho phép xử lý các thủ tục nhanh gọn, đơn giản hơn rất nhiều. Thông tin được cung cấp cho người dân qua Chính phủ điện tử chính xác và dễ dàng, người dân cũng đỡ mất nhiều chi phí để thu thập các thông tin này. Với Việt Nam, một quốc gia vừa thoát khỏi vị thế nước nghèo, trở thành nước có mức thu nhập trung bình, để bộ máy Chính phủ hoạt động hiệu quả và ít tốn kém nhất thì phát triển Chính phủ điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin là xu thế tất yếu trong quản lý hành chính cũng như hội nhập quốc tế. Đây cũng là yêu cầu quan trọng trong Đề án cải cách thủ tục hành chính của Chính phủ.


Hiệu quả từ Dự án


Sau 7 năm triển khai, dự án phát triển  công nghệ thông tin và truyền thông Việt Nam đã đạt được những bước tiến đáng kể. Không chỉ tạo ra môi trường và hạ tầng công nghệ thông tin, sẵn sàng cho việc triển khai chính phủ điện tử theo lộ trình mà trước hết đã cải tiến một bước các dịch vụ hành chính công tại các bộ, ngành, một số tỉnh, thành phố, tạo thuận lợi cho các giao dịch của doanh nghiệp và người dân.


Từng bước hiện thực hóa mục tiêu Chính phủ điện tử tại Việt Nam - ảnh 1



Theo đánh giá của Ngân hàng thế giới, dự án phát triển công nghệ thông tin và truyền thông tại Việt Nam là một trong số ít các dự án về công nghệ thông tin do Ngân hàng thế giới tài trợ trên toàn cầu được triển khai thành công, ứng dụng công nghệ thông tin vào nhiều hoạt động hành chính công tại Việt Nam. Bà Victoria Kwakwa, Giám đốc quốc gia Ngân hàng thế giới tại Việt Nam, cho rằng: Một bài học vô cùng quan trọng mà tôi rút ra được từ dự án này là những cam kết ở cấp cao nhất của lãnh đạo Việt Nam, được thể hiện bằng chiến lược phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin được ưu tiên, cũng như sự đầu tư tích cực vào nguồn nhân lực. Đây là 1 thành tựu vô cùng quan trọng của Việt Nam so với nhiều quốc gia khác trên thế giới.


Trong bối cảnh quá trình toàn cầu hoá đang diễn ra ngày càng mạnh mẽ, các Chính phủ đồng hành cùng công dân và doanh nghiệp để cạnh tranh bình đẳng. Nếu vẫn tồn tại dưới hình thức truyền thống, Chính phủ sẽ gặp rất nhiều khó khăn khi thực hiện vai trò của mình. Chính phủ điện tử ra đời có thể sẽ dễ dàng đáp ứng yêu cầu này bằng cách áp dụng công nghệ hiện đại, rút ngắn không gian và tiết kiệm thời gian, tạo khả năng kiểm soát các “rủi ro toàn cầu” một cách hiệu quả. Với Bộ Ngoại giao, việc áp dụng, nâng cấp công nghệ thông tin là một minh chứng rõ ràng trong quá trình hội nhập. Lần đầu tiên, quý 1/2014, một hệ thống quản lý cấp thị thực trực tuyến của Bộ Ngoại giao chính thức triển khai trong nước và tại 95 cơ quan đại diện ngoại giao ở nước ngoài, góp phần rút ngắn thời gian tiếp nhận hồ sơ, cải tiến quy trình quản lý xuất nhập cảnh cũng như tăng cường công tác quản lý ngành một cách khoa học, tiết kiệm. Ông Nguyễn Như Trung, Phó Giám đốc Trung tâm thông tin Bộ Ngoại giao, khẳng định: Dự án phát triển công nghệ thông tin và truyền thông ở Việt Nam là một dự án thành công. Thứ nhất là nó đã tạo ra được một cơ sở hạ tầng về chính sách, về nguồn lực con người cũng như cơ sở hạ tầng kỹ thuật, để giúp Việt Nam có thể thúc đẩy được việc áp dụng chính phủ điện tử ở Việt Nam. Dự án cũng giúp cho một số đơn vị khác như Bộ Ngoại giao xây dựng trung tâm dữ liệu, triển khai việc cấp thị thực online.

Tạo lập một nền hành chính công hiện đại, phù hợp với xu thế hội nhập


Trong những năm qua, công nghệ thông tin truyền thông Việt Nam đã trở thành một trong những ngành có tốc độ phát triển nhanh, ngày càng đóng một vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế -xã hội của đất nước, góp phần cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp, đóng góp tích cực trong việc cung cấp thông tin phục vụ người dân, kể cả khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa và cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.


Hiện Việt Nam đặt mục tiêu trở thành một trong 70 quốc gia có nền công nghệ thông viễn thông phát triển hàng đầu thế giới vào năm 2020. Là một trong những quốc gia có số người sử dụng internet tăng nhanh nhất hằng năm, chiếm tỷ lệ hơn 40% dân số, việc triển khai thành công Dự án phát triển công nghệ thông tin và truyền thông bước đầu đã dần hiện thực hóa mục tiêu Chính phủ điện tử tại Việt Nam. Không chỉ tạo lập một nền hành chính công hiện đại, phù hợp với xu thế hội nhập mà còn góp phần tăng tính dân chủ bằng cách đưa Chính phủ đến gần dân và đưa dân tới gần Chính phủ./.


Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác