Việt Nam luôn tôn trọng quyền tự do lập Hội

(VOV5) -  Tự do lập hội là một trong những quyền cơ bản của công dân được Nhà nước Việt Nam công nhận, tôn trọng trong Hiến pháp và pháp luật. Quyền này đã, đang được bảo đảm và  phát huy trong thực tiễn Việt Nam.


Dự án Luật về Hội do Bộ Nội vụ chủ trì soạn thảo vừa được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến để tiếp tục hoàn chỉnh, đưa ra xin ý kiến Quốc hội tại kỳ họp tới. Xây dựng và hoàn chỉnh Dự án Luật về Hội là bước biểu hiện tích cực của quá trình dân chủ hóa xã hội và khẳng định vai trò làm chủ của nhân dân đối với mọi hoạt động của đất nước.


Việt Nam luôn tôn trọng quyền tự do lập Hội - ảnh 1
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến dự án Luật về hội. Ảnh: qdnd


Tự do lập hội là một trong những quyền cơ bản của công dân được Nhà nước Việt Nam công nhận, tôn trọng trong Hiến pháp và pháp luật. Quyền này đã, đang được bảo đảm và  phát huy trong thực tiễn Việt Nam.

Thực tế sinh động về hoạt động Hội

Thực tế ở Việt Nam, đã có rất nhiều hội, nhóm dân sự hoạt động. Theo thống kê của Bộ Nội vụ, tính đến tháng 12-2014, cả nước có 52.565 hội, trong đó 483 hội hoạt động trên phạm vi cả nước và 52.082 hội hoạt động trong  phạm vi từng địa phương. Một số hội được xác định là tổ chức chính trị xã hội, tổ chức chính trị- xã hội – nghề nghiệp. Các hội còn lại được xác định là tổ chức xã hội- nghề nghiệp, tổ chức xã hội –nhân đạo, hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện, tự đảm bảo kinh phí hoạt động. Có 31 tổ chức hội được Nhà nước cấp kinh phí để tạo điều kiện hoạt động, vì đó là những lĩnh vực Nhà nước cũng có trách nhiệm thực hiện hoặc khuyến khích thực hiện, để thúc đẩy nền văn học nước nhà, phát triển phúc lợi xã hội. Các hội, tổ chức hội, đặc biệt là các hội kinh tế, có nhiều đóng góp vào quá trình xây dựng và phát triển đất nước, thể hiện vai trò là cầu nối giữa các hội viên với chính quyền; hỗ trợ hội viên trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cũng như giải quyết các tranh chấp thương mại, cung cấp thông tin tư vấn về sản xuất và thị trường... Các hội cũng có vai trò ngày càng tích cực trong việc tư vấn, phản biện, đối với các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các chương trình và dự án phát triển kinh tế, xã hội của Chính phủ và của địa phương.

Quyền tự do lập Hội luôn được tôn trọng

Sở dĩ Việt Nam có một số lượng lớn các hội, tổ chức hội, hiệp hội… là do Nhà nước đã nỗ lực đảm bảo và phát huy tối đa mọi quyền lợi chính đáng của công dân, trong đó có quyền tự do lập hội, một trong những quyền cơ bản của công dân Việt Nam được ghi nhận xuyên suốt trong tất cả các bản Hiến pháp của Việt Nam từ trước đến nay. Cụ thể, trong điều 10 của Hiến pháp năm 1946 nêu rõ:“ Công dân Việt Nam có quyền tự do ngôn luận, tự do xuất bản, tự do tổ chức và hội họp, tự do tín ngưỡng, tự do cư trú, đi lại trong nước và ra nước ngoài”. Điều 25 Hiến pháp năm 1959 lại nêu: “ Công dân nước Việt Nam dân chủ cộng hòa có các quyền tự do ngôn luận, báo chí, hội họp, lập hội và biểu tình. Nhà nước đảm bảo những điều kiện vật chất cần thiết để công dân được hưởng các quyền đó”. Điều 67 Hiến pháp 1980 viết rằng: “ Công dân có các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do hội họp, tự do lập hội, tự do biểu tình phù hợp với lợi ích của chủ nghĩa xã hội và của nhân dân”. Điều 69 Hiến pháp 1992 quy định: “ Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, có quyền được thông tin, có quyền hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật”. Điều 25  Hiến pháp 2013 khẳng định: “ Công dân có quyền tự do nguôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình”. Không những thế, Nhà nước Việt Nam còn đảm bảo và bảo vệ các quyền tự do lập hội  theo Điều 22 của Công ước quốc tế về các quyền chính trị và dân sự năm 1966 mà Việt Nam, trong đó nêu rõ: “Ai cũng có quyền tự do lập hội, kể cả quyền thành lập và gia nhập các nghiệp đoàn để bảo vệ quyền lợi của mình”.

Xây dựng Luật là để thực thi tốt hơn quyền lập Hội

Tuy nhiên, Điều 22 của Công ước quốc tế về các quyền chính trị và dân sự năm 1966 mà Việt Nam tham gia ký kết đã chỉ ra rằng: “Việc hành xử quyền này (quyền lập hội) chỉ có thể bị giới hạn bởi luật pháp, vì các nhu cầu cần thiết trong một xã hội dân chủ để bảo vệ an ninh quốc gia, an toàn công cộng, trật tự công cộng, sức khỏe công cộng, đạo lý, hay những quyền tự do của người khác…” Chính vì vậy, không thể tùy tiện lập hội nếu việc lập hội phương hại đến lợi ích quốc gia và quyền tự do của người khác. Hiến pháp và pháp luật Việt Nam luôn tôn trọng quyền tự lập hội và sẽ chẳng ai bị hạn chế nếu các hội ấy hoạt động thực sự vì con người, vì lợi ích của nhân dân. Nhưng, thành lập các tổ chức độc lập để rồi trở thành đối lập với các tổ chức trong hệ thống chính trị Việt Nam thì tự thân việc làm đó đã đi ngược lại với lợi ích của nhân dân, vi phạm luật pháp Việt Nam, luật pháp quốc tế. Việc Quốc hội khóa XIII quyết định xây dựng Luật về Hội là để đảm bảo, bảo vệ tốt hơn quyền lập hội, tham gia hội của công dân, đồng thời đáp ứng tinh thần bảo đảm quyền con người, quyền tự do lập Hội của Hiến pháp 2013 và Công ước quốc tế về quyền chính trị và dân sự mà Việt Nam đã tham gia.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác