Xả súng đẫm máu: Báo động thực trạng kiểm soát súng đạn tại Mỹ

(VOV5) - Nước Mỹ lại vừa chứng kiến vụ xả súng đẫm máu nhất kể từ sau vụ khủng bố 11/9. Điều đáng nói là số súng được sử dụng trong vụ xả súng lần này, cũng như các vụ xả súng thời gian gần đây ở Mỹ đều được mua một cách hợp pháp, dưới sự kiểm tra của cơ quan liên bang. Điều này một lần nữa gióng lên hồi chuông báo động về kiểm soát súng tại Mỹ, quốc gia vốn nổi tiếng về tự do, dân chủ.


Xả súng đẫm máu: Báo động thực trạng kiểm soát súng đạn tại Mỹ - ảnh 1
Hiện trường vụ xả súng ở Orlando ngày 12/6. (Ảnh: Reuters)

50 người đã bị giết và 53 người khác bị thương khi kẻ sát thủ nổ súng tại một hộp đêm đông đúc dành cho người đồng tính ở Orlando, Mỹ. Theo Cục cảnh sát điều tra Liên bang Mỹ (FBI), sát thủ tên là Omar Saddiqui Mateen, 29 tuổi, sinh trưởng tại New York, từng đã 2 lần bị FBI điều tra, lần đầu hồi 2013 và lần thứ nhì hồi 2014. 

Lỗ hổng trong kiểm soát súng đạn 

Đây không phải lần đầu nước Mỹ chứng kiến vụ xả súng đẫm máu. Vụ xả súng tại trường tiểu học Sandy Hook bang Connecticut tháng 12/2012 khiến 26 người chết trong đó có 20 trẻ em. Vụ xả súng tại nhà thờ tại thành phố Charleston, bang South Carolina tháng 6/2015 khiến 9 người da đen thiệt mạng. Vụ xả súng tại Đại học cộng đồng Umpqua ở bang Oregon tháng 10/2015 khiến 10 người chết và chỉ chưa đầy 2 tháng sau, một vụ xả súng kinh hoàng khác lại xảy ra ở San Bernardino, bang California, khiến 14 người chết và 17 người bị thương. Thống kê khoảng vài năm trở lại đây, trung bình mỗi ngày nước Mỹ có khoảng 90 người và mỗi năm có khoảng hơn 32 nghìn người thiệt mạng vì bạo lực súng đạn. Các vụ xả súng của Mỹ chiếm gần 1/3 số vụ xả súng hàng loạt trên thế giới. Mỹ cũng là quốc gia sử dụng súng nhiều nhất thế giới, với ước tính khoảng 270 triệu đến 310 triệu khẩu súng đang được lưu thông. Hay nói cách khác, tính bình quân đầu người thì gần như công dân nào của Mỹ cũng sở hữu một khẩu súng.

Quay trở lại vụ xả súng mới nhất hôm 12/6 vừa qua, Cục điều tra liên bang Mỹ (FBI) cho biết từ năm 2013, kẻ sát thủ Omar Saddiqui Mateen đã bình luận với các đồng nghiệp rằng mình ủng hộ các nhóm khủng bố. 1 năm sau đó, FBI tiếp tục điều tra tên này vì tình nghi có liên quan đến 1 người Mỹ tới Syria tham gia nhóm cực đoan. Tuy nhiên thời điểm đó FBI lại kết luận rằng “Mateen không phải là một mối đe dọa”. Và vài ngày trước khi vụ xả súng xảy ra, Mateen đã mua ít nhất 2 khẩu súng. Điều đáng nói là phần lớn số súng được sử dụng trong các vụ xả súng gần đây nhất ở Mỹ đều được mua một cách hoàn toàn hợp pháp, dưới sự kiểm tra của cơ quan liên bang. Không chỉ vậy, cũng theo FBI, sau khi vụ thảm sát xảy ra, người ta mới nhận ra rằng ít nhất 8 tay súng có tiền án hoặc có vấn đề về tâm thần nhưng vẫn có thể mua súng. 

Cái giá của tự do

Thực tế, không phải đợi tới lúc này, ông B.Obama hay bất kỳ Tổng thống Mỹ nào trước đó mới nhận thức được vấn đề nguy hiểm của việc kiểm soát súng đạn. Đã nhiều lần Tổng thống B.Obama không kìm nén được cảm xúc, thốt lên rằng “Chúng ta không cần coi những cuộc tàn sát này là cái giá của tự do”. Ông B. Obama cũng nhiều lần thúc giục thực hiện “những biện pháp thắt chặt quản lý sở hữu súng đạn”. Tuy nhiên, với 2 nhiệm kỳ kéo dài 8 năm, nỗi thất vọng và bất lực của ông B.Obama dường như ngày càng lớn. Vấn đề ủng hộ hay phản đối kiểm soát súng trong Quốc hội Mỹ có sự phân hóa rõ rệt khiến những nỗ lực của chính quyền Tổng thống B.Obama không dẫn đến sự ra đời của Luật kiểm soát loại vũ khí nguy hiểm này. 

Theo các nhà phân tích, việc cấm dùng súng ở Mỹ khó mà thực hiện được trong thời điểm hiện tại và tương lai gần. Nguyên nhân lớn nhất đó là khó có thể thay đổi được tập quán sở hữu súng đã ăn sâu vào trong tiềm thức mỗi người dân Mỹ. Từ khi lập quốc, mở rộng lãnh thổ về miền Tây hay tăng cường ảnh hưởng ra toàn cầu, bên cạnh người Mỹ luôn là súng. Súng trở thành vật bất ly thân của nhiều người Mỹ mỗi khi có “việc cần giải quyết. Bởi họ cho đây là một trong những quyền tự do cơ bản của mình. Thêm vào đó, các tập đoàn vũ khí mỗi năm kiếm lợi nhuận khổng lồ từ việc kinh doanh súng đạn, thực sự là những thế lực mạnh, có ảnh hưởng lớn tới các lá phiếu của nghị sĩ, ngăn chặn Quốc hội thông qua mọi dự luật hạn chế sử dụng súng.

Rõ ràng, quyền sử dụng súng của người dân theo luật pháp Mỹ đã kéo theo những hệ lụy buồn. Vụ xả súng kinh hoàn vừa xảy ra hôm 12/6 vừa qua là hồi chuông báo động về những lỗ hổng trong kiểm soát súng đạn tại Mỹ. Đau thương, tiếc nuối chắc chắn không giải quyết được gì nhiều mà điều quan trọng là nước Mỹ phải vượt qua thảm kịch để bình tĩnh tìm ra nguyên nhân, đưa ra giải pháp. Một đạo luật kiểm soát súng liệu có được Quốc hội Mỹ đồng thuận thông qua trong thời gian tới hay không là điều mà dư luận mong chờ, nhằm ngăn chặn những thảm kịch tương tự tái diễn trong tương lai.

Phản hồi

Các tin/bài khác