Người bạn tri kỷ lúc xa quê

(VOV5) -"Từ lâu tôi vẫn coi chương trình phát thanh Việt Kiều của Đài Tiếng nói Việt Nam là người bạn tri kỷ"...

Berlin, CHLB Đức 16.08.2016 

Thử ngỏ gửi Phòng Việt Kiều, Đài Tiếng nói Việt Nam.

Happy birthday!!! 

Nhân sinh nhật của Chương trình phát thanh dành cho đồng bào VN ở xa tổ quốc, 16.08, tôi xin chúc các anh chị, các bạn sức khoẻ và mọi sự an lành.
Nhân ngày vui, tôi muốn được tranh thủ tâm sự giãi bày đôi điều nho nhỏ thôi...
Thưa các anh các chị phóng viên, biên tập viên! Trăn trở riêng tư này của tôi, cũng vẫn như mọi khi, không thể ai khác, chỉ có Chương trình phát thanh Dành cho đồng bào Việt Nam ở xa tổ quốc là người tôi có thể thổ lộ tâm tình. Chả là thế này, không rõ từ bao giờ, trong tôi bỗng nảy sinh hoài nghi rằng, ai đó sáng tác bài dân ca “Người ơi, người ở đừng về“ là cốt nhằm nói về những người như chúng tôi, những Việt Kiều đang sống xa tổ quốc. Chúng ta hãy cùng nghe ca từ nhé: “Người ơi! Người ởi đừng về! Người về em vần (í i ì i), Có mấy khóc i thầm... Ướt đầm như mưa...".
Người bạn tri kỷ lúc xa quê - ảnh 1
(Cố nhà báo Thái Thuyên, cố nhà báo Hoàng Hàm (Nguyên trưởng ban Kinh tế), nhà báo Đào Xuân Tân, Lê Quốc Hưng (hàng đứng, từ trái qua; và các nhà báo Nguyễn Hải Tần, Nguyễn Anh Trang, Phạm Thụy Chóng, Nguyễn Huyền Yến - Những người đã làm việc tại phòng Việt Kiều)
Từ lâu tôi vẫn coi chương trình phát thanh Việt Kiều của Đài Tiếng nói Việt Nam là người bạn tri kỷ. Khi chưa là Việt Kiều, còn sống ở trong nước, tôi là người khá chăm nghe Đài. Chưa nói gì đến nội dung, riêng cái tên thôi đã gợi cho tôi nhiều điều. Tôi thấy Chương trình phát thanh Dành cho đồng bào Việt Nam ở xa tổ quốc có nhiều lắm những thứ tôi khát khao và mong đợi. Tôi thường ví von đó là "Nàng của tôi", và quả thật, Nàng quyến rũ tôi một cách êm ả đến lạ thường. 
Bản thân cái tên "Chương trình phát thanh dành cho đồng bào VN ở xa tổ quốc" đã nói lên nhiều điều. Cách xưng hô cũng vậy, là "Bà con Kiều bào thân mến!"... Vào những thời điểm khó khăn nhất ở nước ngoài, những năm 80, 90 của thế kỷ trước, chiếc cầu nối duy nhất giữa chúng tôi với trong nước khi ấy duy nhất chỉ là "Chương trình phát thanh Dành cho đồng bào Việt Nam ở xa tổ quốc" mà thôi. Các anh chị đã truyền tải tin tức cho chúng tôi, tâm sự trò chuyện với chúng tôi như người thân trong gia đình. 
Người bạn tri kỷ lúc xa quê - ảnh 2
Sinh nhật phòng Việt Kiều năm 1994
Tôi là thính giả trung thành tận tuỵ với chương trình Việt Kiều. Ngày xưa khi còn ở Liên Xô, tình cờ tôi được các bạn Nga ở Đài phát thanh Mockba cho xem rất nhiều thư thính giả từ VN gửi qua đó cho Đài, trong đó tôi rất ngạc nhiên khi đọc được một số thư đề nghị Đài Mockba gửi tặng cho các vị thính giả đó máy thu (Radio) và pin dự trữ. Trời, Radio và pin thời đó mà gửi từ Liên xô sang Việt Nam cho ngần ấy người thì không phải là chuyện nhỏ. Mấy bữa nay theo dõi tin tức thấy anh Tổng giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam mang Radio đi tặng cho rất nhiều bà con vùng sâu, vùng xa...tôi suy nghĩ nhiều lắm. Tôi đã từng tự mua cho mình gần chục cái đài thật tốt vào những năm 90 để dò bắt cho được sóng của Chương trình phát thanh dành cho đồng bào VN ở xa tổ quốc.
Người bạn tri kỷ lúc xa quê - ảnh 3
Lãnh đạo Hệ Phát thanh đối ngoại quốc gia chúc mừng sinh nhật lần thứ 35 phòng Việt Kiều
"...Người về, em vẫn (í i ì i) Có mấy tái (i) hồi yêu (a), Em là em mong anh xin chớ, mà này cũng có a, đứng ngồi đứng ngồi với ai...".
Đến câu này mới là gay. Tôi không tìm ra lời đáp cho mình. Các cụ ta có câu “Nhập gia phải tuỳ tục. Chúng tôi phải gắng hội nhập như có thể, ăn uống khác, nói năng khác, suy nghĩ cũng có phần khác, cách làm việc khác và nói chung trong nhiều trường hợp, Việt Kiều chúng tôi không chỉ có “đứng ngồi" mà còn... nhiều điều muốn nói. Con cái chúng tôi được đầu tư dạy tiếng Việt, văn hoá Việt rất nhiều, nhưng chúng cũng không tránh được việc văn hoá bản địa, tiếng bản xứ trở thành vị trí thứ nhất đối với chúng. Nhưng chúng tôi vẫn không nản và cố gắng duy trì cho bằng được gốc gác của con cái chúng tôi...
Chúng tôi (Việt Kiều) ở nước ngoài, ráng hội nhập, làm ăn phát triển, lâu lâu về thăm quê hương, đóng góp xây dựng quê hương. Còn các anh chị Chương trình phát thanh Dành cho đồng bào Việt Nam ở xa tổ quốc hãy cứ mãi thay mặt quê hương, là người bạn tâm tình với những người như tôi, là chỗ dựa tình cảm quê hương của chúng tôi.

Tạm biệt các anh chị! Hẹn thư sau tâm sự dài hơn.

Thân mến

Lê Mạnh Hùng

Phản hồi

Các tin/bài khác