Đảm bảo quyền lập hội phù hợp với chủ trương chủ động hội nhập quốc tế của Việt Nam

(VOV5) - Thảo luận về dự thảo luật về hội ngày 25/10, trong khuôn khổ kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIV, nhiều ý kiến đề cập quyền lập hội của Kiều bào, việc hội liên kết, gia nhập các hội nước ngoài, nhận tài trợ của nước ngoài.


Đóng góp ý kiến vào dự thảo luật, ông Nguyễn Sỹ Cương, đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Thuận, cho rằng dự thảo luật áp dụng đối với hội của công dân Việt Nam, quy định hội đặt trụ sở tại Việt nam là chưa phù hợp. Trên thực tế nhiều hội của cộng đồng người Việt Nam được phép hoạt động ở nước ngoài hiện vẫn đang hoạt động và có những đóng góp tích cực vào sự phát triển của đất nước. Hơn nữa chính sách của Việt Nam luôn coi cộng đồng người Việt Nam là bộ phận không thể tách rời của dân tộc Việt Nam. Đại biểu đề nghị cân nhắc lại việc đặt trụ sở hội tại Việt Nam như trong dự thảo. Cũng đề cập quyền lập hội của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, ông Tô Văn Tám, đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum, nêu ý kiến: Quyền được lập hội của người Việt Nam ở nước ngoài như thế nào thì chưa được quy định trong luật. Mặc dù họ đang làm ăn, công tác ở nước ngoài nhưng vẫn mang quốc tịch Việt Nam, vẫn là công dân Việt Nam, là bộ phận  không thể tách rời của dân tộc Việt Nam nên họ cũng cần được đảm bảo quyền lập hội. Bởi vậy tôi đề nghị bổ sung thêm quyền lập hội của công dân Việt nam ở nước ngoài khi tham gia lập hội ở Việt Nam.

Đảm bảo quyền lập hội phù hợp với chủ trương chủ động hội nhập quốc tế của Việt Nam - ảnh 1



Một nội dung được nhiều đại biểu cho ý kiến trong phiên thảo luận dự án luật về hội là quy định “Hội không liên kết, gia nhập các hội nước ngoài, không nhận tài trợ nước ngoài; trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định”. Nhiều đại biểu cho rằng cần cân nhắc vấn đề này để phù hợp với chủ trương chủ động hội nhập quốc tế của Việt Nam. Bà Trần Thị Hiền, đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam, cho rằng: Hoạt động hợp tác quốc tế của hội là cần thiết, trong đó có cả hoạt động trợ giúp kỹ thuật , tài trợ vật chất. Vấn đề cần làm rõ ở đây là nên hạn chế nhận tài trợ từ ai, trong trường hợp nào, ở mức độ nào là phù hợp, đúng mức  nhằm phòng ngừa việc lợi dụng liên kết, gia nhập các hội nước ngoài, nhận tài trợ nước ngoài để hoạt động trái pháp luật.


Cũng liên quan đến yếu tố nước ngoài, một số đại biểu đề nghị cân nhắc bổ sung những quy định liên quan đến việc tham gia hội của công dân nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam.


Theo báo cáo của Bộ Nội vụ, cơ quan giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về hội, hiện nay Việt Nam có khoảng 63.000 hội có đăng ký và đang hoạt động.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác