Hoàn thiện khuôn khổ pháp luật về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước

(VOV5)- Các thành viên Ủy ban thường vụ Quốc hội tán thành sự cần thiết ban hành Luật trợ giúp pháp lý (sửa đổi), nhằm tạo khuôn khổ pháp lý cho công tác trợ giúp pháp lý phát triển theo hướng chuyên nghiệp.


Hoàn thiện khuôn khổ pháp luật về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước - ảnh 1
Một phiên họp của các thành viên Quốc hội


Cho ý kiến vào dự án Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi) trong phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 20/9, các thành viên đề nghị việc giải quyết bồi thường cần bảo đảm tôn trọng sự thỏa thuận của các bên, không nên hành chính hóa thủ tục giải quyết bồi thường thiệt hại.

Vì vậy, bên cạnh trình tự giải quyết yêu cầu bồi thường theo quy định của Luật này thì quyền yêu cầu bồi thường có thể được thực hiện kết hợp trong quá trình giải quyết khiếu nại hoặc trong quá trình tố tụng hình sự, tố tụng hành chính mà không nên hạn chế chỉ theo Luật này. Điều quan trọng là các bên liên quan phải thống nhất về các thiệt hại được bồi thường, mức bồi thường.

Chiều 20/9, thảo luận về dự án Luật trợ giúp pháp lý (sửa đổi), các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành sự cần thiết ban hành Luật nhằm tạo khuôn khổ pháp lý cho công tác trợ giúp pháp lý phát triển theo hướng chuyên nghiệp, đẩy mạnh xã hội hóa, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để cung cấp kịp thời dịch vụ pháp lý cho người thuộc diện được trợ giúp pháp lý. Các thành viên đề nghị luật hóa tất cả những đối tượng được trợ giúp pháp lý quy định trong các luật hiện hành, bảo đảm quyền công dân được ghi nhận và quy định một cách thống nhất trong hệ thống pháp luật. Bên cạnh đó, để có cơ sở cho việc quy định cụ thể về phạm vi đối tượng được trợ giúp pháp lý, đại diện cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ cần giải trình làm rõ từng loại đối tượng được trợ giúp pháp lý trong thời gian qua, nội dung, hình thức trợ giúp chủ yếu, địa bàn thực hiện; đồng thời, đánh giá nhu cầu của thực tiễn, dự kiến nguồn lực bảo đảm thực hiện phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước, bảo đảm tính khả thi của quy định.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác