Việt Nam- Peru thúc đẩy quan hệ hợp tác toàn diện

Đại sứ Việt Nam tại Brazil kiêm nhiệm Peru Nguyễn Văn Kiền đã tuyên bố như trên nhân dịp 2 nước kỷ niệm 20 năm thiết lập quan hệ ngoại giao.


VOV5 xin giới thiệu toàn văn bài phát biểu của Đại sứ Nguyễn Văn Kiền trong lễ kỷ niệm được tổ chức tối 12/11 tại thủ đô Lima của Peru.

Việt Nam- Peru thúc đẩy quan hệ hợp tác toàn diện - ảnh 1

Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Brazil kiêm nhiệm Peru Nguyễn Văn Kiền phát biểu tại lễ kỷ niệm

Kính thưa Đại sứ Alberto Salas Barahona, Tổng thư ký Bộ Ngoại giao Peru,

Kính thưa Ngài Edgar Vazguez, Thứ trưởng Bộ Ngoại thương Peru,

Thưa các quý vị và các bạn Peru và Việt Nam thân mến.

Thay mặt Đại sứ quán nước Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam tại Cộng hòa Liên bang Brazil kiêm nhiệm Cộng hòa Peru, tôi xin gửi lời cảm ơn chân thành nhất đến tất cả quý vị đã dành thời gian quý báu của mình để tham dự Buổi gặp mặt thân mật nhân kỉ niệm 20 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam – Peru tối nay.

Sự hiện diện của toàn thể quý vị thể hiện tình cảm quý báu của các quý vị dành cho Việt Nam, Peru và cũng là mong muốn tăng cường hơn nữa mối quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa Việt Nam và Peru trong thời gian tới.

Thưa các quý vị và các bạn,

Việt Nam là quốc gia nằm ở khu vực Đông Nam châu Á, có diện tích 331.698km2 với dân số hơn 93 triệu người, có vị trí địa chính trị quan trọng trong khu vực ĐNA và là một đất nước đã trải qua nhiều cuộc chiến tranh tàn khốc do xâm lược nước ngoài gây ra.

Từ khi giành được độc lập năm 1945 và thống nhất đất nước năm 1975 đến nay, nhân dân Việt Nam đã đoàn kết một lòng, dũng cảm, kiên cường vượt qua khó khăn, gian khổ để gìn giữ nền độc lập, tự do của dân tộc, thống nhất Tổ quốc, xây dựng và phát triển đất nước giàu mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh; góp phần kiến tạo hòa bình, tiến bộ trong khu vực và trên thế giới.

Chúng tôi đã và đang nỗ lực đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tốc độ tăng trưởng, đảm bảo an sinh, phúc lợi xã hội; ổn định chính trị. Tốc độ phát triển kinh tế (GDP) tăng khá cao trong những năm qua (bình quân khoảng 7%/năm trong hơn 20 năm qua).

Mặc dù thế giới đang bị khủng hoảng kinh tế, nhưng trong 3 năm 2010-2013, GDP của Việt Nam vẫn đạt bình quân 5,6%. Quan hệ ngoại giao và thương mại không ngừng được mở rộng: có quan hệ ngoại giao với gần 180 nước, quan hệ thương mại với trên 200 quốc gia và vùng lãnh thổ. Việt Nam là quốc gia mới nổi, có nền kinh tế phát triển nhanh, chính trị ổn định, điều kiện kinh doanh thuận lợi, chính phủ luôn bảo đảm đối xử công bằng với các nhà đầu tư nước ngoài.

Trong chính sách đối ngoại hòa bình, độc lập, tự chủ, rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, Việt Nam luôn mong muốn là bạn, là đối tác tin cậy của các quốc gia, các dân tộc trên thế giới.

Việt Nam luôn coi trọng và không ngừng tăng cường phát triển quan hệ hữu nghị, hợp tác với các nước Mỹ Latin nói chung và quan hệ với Cộng hoà Peru nói riêng, đưa các mối quan hệ đó ngày càng đi vào chiều sâu, thiết thực, hiệu quả, phục vụ tích cực cho công cuộc phát triển của Việt Nam, đóng góp vào hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển của khu vực và thế giới. Việt Nam cũng là cầu nối quan trọng cho Peru đi vào thị trường năng động với 600 triệu dân của khối 10 nước ASEAN.

Peru, một đất nước xinh đẹp ở Nam Mỹ, đa dạng về văn hóa, dân tộc, một đất nước với nguồn tài nguyên thiên nhiên khoáng sản phong phúlà một trong những nền kinh tế phát triển năng động nhất ở khu vực Mỹ Latinh…luôn là đối tác quan trọng của Việt Nam.

Bên cạnh đó, Peru được biết đến như một “trung tâm tự nhiên và cửa ngõ của khu vực”, là cầu nối quan trọng cho hàng hóa và đầu tư của Việt Nam nói riêng của của châu Á nói chung vào khu vực Nam Mỹ.

Thưa quý vị và các bạn,

Từ trước khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao, Peru là một trong những nước Mỹ Latinh có phong trào quần chúng ủng hộ mạnh mẽ sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, thống nhất đất nước của Việt Nam (tháng 01/1973, Tổng thống Velasco gửi thư chúc mừng thắng lợi của Việt Nam đến Chủ tịch nước Việt Nam Tôn Đức Thắng nhân ký Hiệp định Hòa bình Paris.

Tháng 2/1974, Peru (cùng với Cu-ba) là 2 nước duy nhất ở Mỹ Latin đã bỏ phiếu thuận ủng hộ Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam được tham dự hội nghị “Tái xác định và phát triển Luật nhân đạo quốc tế áp dụng trong các cuộc xung đột vũ trang”). Việt Nam luôn ghi nhớ và biết ơn các bạn đã ủng hộ chúng tôi trong thời kì khó khăn nhất.

20 năm không phải là dài so với lịch sử phát triển của Việt Nam và Peru. Song 20 năm qua, quan hệ giữa Việt Nam và Peru đã có những bước tiến đáng kể trên nhiều lĩnh vực khác nhau.  Hai nước đã trao đổi nhiều đoàn cấp cao: về phía Việt Nam, nổi bật là các Đoàn Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm thăm Peru  tháng 9/1999, Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Niên (5/1998), Đặc phái viên của Thủ tướng- Thứ trưởng Ngoại giao Lê Văn Bàng (3/2007), Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải thăm Peru tháng 4/2012, Thứ trưởng Ngoại giao Hồ Xuân Sơn thăm Peru và tiến hành phiên tham khảo chính trị lần thứ 3 giữa Bộ Ngoại giao hai nước tháng 3/2013, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thăm Peru tháng 3/2013.

Về phía Puru,có đoàn Tổng thống Alberto Fujimori thăm Việt Nam tháng 7/1998, Bộ trưởng Ngoại giao Oscar Maurtua (2/2006), Phó Tổng thống Luis Giampietri Rojas dự Hội nghị Cấp cao APEC 14 tại Hà Nội (11/2006).

Ngoài ra, lãnh đạo cấp cao hai nước còn có các cuộc tiếp xúc bên lề các Hội nghị quốc tế. Hai nước đã ký nhiều hiệp định và thỏa thuận hợp tác trong các lĩnh vực như kinh tế- thương mại, nông nghiệp, thủy sản và khoa học công nghệ, miễn thị thực đối với người mang hộ chiếu ngoại giao và công vụ, hợp tác trong khuôn khổ APEC...

Trong lĩnh vực thương mại, tổng kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Peruvẫn còn ở mức khiêm tốn, nhưng có tốc độ tăng trưởng rất nhanh, từ 40 triệu USD năm 2005 lên tới hơn 196 triệu USD năm 2012 và 153 triệu USD năm 2013. 9 tháng đầu năm 2014, kim ngạch thương mại hai chiều đã đạt trên 210 triệu USD.

Hai nước có thể nâng kim ngạch thương mại cao hơn nữa trong những năm tới. Mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam gồm đồ gỗ và đồ nội thất, may mặc, giày dép, cao su và nhựa, trong khi Peru xuất khẩu bột cá, dầu cá, trái cây, rau củ và sợi acrylic.Về đầu tư, hai tập đoàn lớn trong lĩnh vực năng lượng và viễn thông (PetroVietNam và Viettel) đã tiến hành và mở rộng đầu tư tại Peru.

Đầu tư của Viettel ở thị trường Peru đã trải rộng trên khắp 25 vùng của đất nước và mạng Bitel của Viettel đầu tư tại Peru đã phủ sóng 3G đến 80% diện tích dân số Peru. Việc Viettel khai trương dịch vụ di động ở Peru ngày 15/10 vừa qua đã giúp hạ giá chi phí cước viễn thông, đem lại những giá trị nhất định cho người dân Peru.

 Viettel đã tham gia tích cực trong các hoạt động hỗ trợ cộng đồng, đã cung cấp dịch vụ internet miễn phí cho hơn 3.000 trường học trong cả nước và sẽ tiếp tục hỗ trợ cho nhiều trường học, cơ sở công cộng khác của Peru, đồng thời Viettel cũng góp phần quảng bá hình ảnh Việt Nam đến với người dân Peru.

Bên cạnh đó, Tập đoàn dầu khí Petro Việt Nam đang có dự án khá thành công ở vùng Amazon và đang có dự kiến mở rộng thêm đầu tư tại Peru.

Về phía Peru, việc đầu tư của một công ty nước giải khát của Peru tại Bình Dương đã đánh dấu sự hiện diện đầu tiên của Peru tại Việt Nam. Chúng tôi vui mừng chào đón công ty thứ hai là Aqua Expeditions sắp chính thức vận hành dịch vụ nghỉ dưỡng trên du thuyền cao cấp cao dọc sông Mekong xuất phát từ TP. Hồ Chí Minh trong năm 2014.

Đây đều là các doanh nghiệp đi tiên phong, đặt nền móng để có thêm doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào Peru và các doanh nghiệp Peru đầu tư vào thị trường Việt Nam.

Ngoài ra, trong những năm qua, Việt Nam và Peru cũng có hợp tác chặt chẽ tại các tổ chức quốc tế và diễn đàn đa phương, đóng góp vào hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển của khu vực và thế giới.

Thưa các quý vị và các bạn,

Nhìn lại chặng đường phát triển quan hệ giữa Việt Nam và Peru, chúng ta tự hào về những thành quả đạt được. Có được những thành quả đấy, phải kể đến sự hợp tác, giúp đỡ nhiệt tình, hiệu quả của Chính phủ, Bộ Ngoại giao và các Bộ ngành khác của hai nước, của tất cả các quý vị đang có mặt tại đây- những người luôn mong muốn đóng góp cho sự phát triển quan hệ tốt đẹp giữa hai nước.

Thay mặt Đại sứ quán Việt Nam tại Brazil kiêm nhiệm Peru, thay mặt cho Chính phủ và nhân dân Việt Nam, tôi xin được gửi lời cảm ơn chân thành đến quý vị và mong muốn sẽ tiếp tục nhận được sự hợp tác, hỗ trợ nhiều hơn nữa từ các quý vị.

Chúng ta rất tự hào về mối quan hệ tốt đẹp giữa Việt Nam – Peru trong thời gian qua, song chúng ta có thể thấy những kết quả đó còn chưa tương xứng với tiềm năng và mong muốn của chúng ta.

Kim ngạch thương mại hai chiều tuy tăng trưởng với tốc độ cao nhưng chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng giao dịch thương mại của mỗi nước. Hiểu biết về đối tác, môi trường đầu tư, kinh doanh của mỗi bên còn hạn chế.

Tôi tin tưởng rằng trong thời gian tới, chúng ta có thể nỗ lực cùng nhau để hiện thực hóa tiềm năng quan hệ giữa các nước, ngày càng có nhiều doanh nghiệp kết nối, hợp tác với nhau trong các lĩnh vực mà nhân dân các nước quan tâm, đưa quan hệ hai nước lên một tầm cao mới.

Xin chân thành cảm ơn quý vị và các bạn.

Chúc toàn thể quý vị và các bạn sức khỏe, hạnh phúc và thành đạt./.

PV/VOV.VN

Phản hồi

Các tin/bài khác