Việt Nam luôn đề cao Luật pháp quốc tế trong vấn đề chủ quyền quốc gia

(VOV5) - (VOV5) - Tại phiên họp Ủy ban Thường trực về Dân chủ và Nhân quyền, các đại biểu thảo luận  thông qua Nghị quyết “Luật pháp quốc tế trong vấn đề chủ quyền quốc gia, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau và quyền con người”.


Hôm nay, Đại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới IPU 132 bước sang ngày làm việc thứ 3 với 5 phiên họp chính thức diễn ra, trong đó có phiên họp của Ủy ban Thường trực về Dân chủ và Nhân quyền. Tại đây, các đại biểu thảo luận và thông qua Nghị quyết “Luật pháp quốc tế trong vấn đề chủ quyền quốc gia, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau và quyền con người”.

Việt Nam luôn đề cao Luật pháp quốc tế trong vấn đề chủ quyền quốc gia - ảnh 1
Ảnh:biengioilanhtho.gov.vn

Theo ông Lê Minh Thông, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội, đây là một nghị quyết đã được soạn thảo từ Đại hội hồng IPU-131 và do còn nhiều ý kiến khác nhau nên chưa thông qua được tại Geneva và lần này, với quyết tâm các nghị sĩ IPU, nghị quyết tiếp tục được đưa ra thảo luận tại Hà Nội và thông qua: Đây là một nghị quyết rất quan trọng, nó thể hiện mối quan hệ giữa luật pháp quốc tế với chủ quyền của mỗi quốc gia và với mỗi con người. Việt Nam chúng ta cũng đã đóng góp quan trọng trong các chương trình thảo luận Dự thảo nghị quyết tại Geneva. Việt Nam đề cao luật pháp quốc tế và cho rằng luật pháp quốc tế cần phải được tuân thủ một cách nghiêm túc trong quan hệ quốc tế, đồng thời luật pháp quốc tế cũng cần phải tương quan, tương thích với chủ quyền quốc gia và không thể không tôn trọng chủ quyền quốc gia và quyền con người. Trên thực tế, luật pháp quốc tế cũng nhằm bảo vệ quyền con người. Việt Nam hoan nghênh IPU thông qua nghị quyết về chủ đề quan trọng này và hy vọng rằng nghị quyết sẽ được các nước thực hiện nghiêm túc, tuân thủ nhất quán cư xử trong quan hệ quốc tế.

Cũng trong sáng nay diễn ra phiên họp toàn thể của Đại hội đồng IPU với việc thảo luận về chủ đề khẩn cấp. Đây là chủ đề được quyết định vào ngày 29/3 dựa trên đề xuất của 9 quốc gia. Trong đó, đề xuất của Bỉ và Australia về đối phó với nhóm khủng bố Boko Haram đã được thông qua với số phiếu cao nhất. Theo quy định của IPU, bất cứ thành viên nào cũng có thể đề nghị bổ sung chủ đề khẩn cấp vào chương trình nghị sự của IPU. Đây phải là vấn đề được thế giới quan tâm và nhận được 2/3 số phiếu thuận. Đề xuất của Bỉ và Australia đưa ra nhằm đối phó với các hoạt động khủng bố chống lại phụ nữ và trẻ em vô tội. Theo đại diện hai nước, các hành động này cần được đoàn kết ngăn chặn trên phạm vi toàn cầu.


Tiếp tục chương trình nghị sự tại Đại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới IPU 132, sáng 30/3, tại Hà Nội, Uỷ ban thường trực về hoà bình và an ninh quốc tế tiếp tục thảo luận phiên họp thứ 3 nhằm hoàn thiện Dự thảo Nghị quyết về chiến tranh mạng - mối đe dọa nghiêm trọng đối với hoà bình và an ninh thế giới. Tại phiên họp, các đại biểu phân tích, làm rõ vai trò, những đóng góp của nghị viện trong định nghĩa và khái niệm khung của chiến tranh mạng. Các đại biểu thống nhất cao về sự cần thiết trong việc hoàn thiện một công ước quốc tế về mạng internet, nhằm ngăn chặn các thế lực khủng bố có thể sử dụng internet để thực hiện tội ác của mình, đặc biệt là quyên góp nguồn tiền cho các hoạt động khủng bố, cũng như chiêu mộ và đầu độc cộng đồng bằng những ý  tưởng bạo lực. Dự thảo Nghị quyết “Chiến tranh mạng: Mối đe dọa nghiêm trọng đến hòa bình và an ninh thế giới” sẽ được Ủy ban Thường trực về hòa bình và an ninh quốc tế thông qua ngày 31/3./.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác