Giếng làng phản ánh đời sống tâm linh xã hội

(VOV5) - Từ xa xưa, cây đa giếng nước, sân đình đã trở thành biểu tượng của làng quê Việt Nam. Cây đa cho bóng mát và bầu không khí trong lành, giếng nước cung cấp nước cho mọi người. Sân đình là nơi sinh hoạt văn hóa lễ nghi, tín ngưỡng. Theo quan niệm của người Việt xưa, nước biểu trưng của  âm tính, là nguồn sống, nên giếng làng chính là cầu nối giữa trời, đất và con người. 

Giếng làng phản ánh đời sống tâm linh xã hội - ảnh 1
Giếng làng Sinh Liên, huyện Quốc Oai, Hà Nội (Ảnh: news.zing.vn)

Nghe âm thanh bài viết tại đây:


Trong  tổng thể cấu trúc các công trình văn hoá tâm linh ở các làng quê, nếu cây đa có thần, chùa có Phật, thì giếng nước có thủy thần, có thần mẹ nước. Theo quan niệm dân gian, giếng nước tượng trưng cho sự dồi dào sung mãn, sức sống của dân làng. Ông Trần Minh Nhương, nhà nghiên cứu văn hoá dân gian, cho biết: “Ở các làng quê vùng đồng bằng Bắc Bộ hiện vẫn còn dấu tích của những giếng cổ  và người dân còn đang sử dụng phục vụ cho đời sống. Có nơi là giếng đất, có nơi giếng xây đá ong, giếng xây bằng đá với nhiều hình dạng khác nhau. Đặc biệt ở những khu di tích đình chùa, miếu mạo, lăng tẩm thì thường trước mặt bao giờ cũng có giếng cổ  để làm minh đường cho di tích ấy, cho nên những chiếc giếng ấy trở thành linh thiêng".

Giếng làng phản ánh đời sống tâm linh xã hội - ảnh 2
Giếng làng Trường Yên, Chương Mỹ, Hà Nội  (Ảnh: new.s.zing.vn)

Như nguồn mạch của văn hoá dân gian, người dân còn gắn cho những chiếc giếng những câu chuyện, những truyền thuyết, huyền thoại mang tính nhân văn, thể hiện nét văn hoá tâm linh của cả cộng đồng. Trên núi Trân Sơn (Bắc Ninh) có vạt núi đá được gọi là “Giếng Việt”, mà người ta cho rằng có từ buổi đầu dựng nước, giếng luôn là biểu trưng của âm tính với nguồn nước thiêng tượng trưng cho nguồn sống vĩnh hằng. Còn trong khu đền Hùng (Phú Thọ) có đền Giếng tương truyền là  gương soi của hai nàng công chúa Ngọc Hoa và công chúa Tiên Dung con Vua Hùng thứ 18. Ở di tích Đền Cổ Loa, huyện Đông Anh, Hà Nội có di tích giếng Ngọc gắn với truyền thuyết chuyện tình của nàng công chúa Mỵ Châu. Dân  ở đây cho rằng những viên ngọc nếu được rửa bằng nước giếng này sẽ trở  lại sáng đẹp. Ở Thượng điện chùa Linh Tiên quán, Hà Nội, có một giếng nước đặc biệt. Nước giếng quanh năm trong, ngọt và múc mấy cũng không cạn. Người dân vẫn lấy nước ở đây cúng tế thần tiên. Người bị thương, ốm đau hay mệt mỏi khi dùng nước giếng sẽ chóng bình phục, lành bệnh.

Không gian kiến trúc làng, với những chiếc giếng làng còn mang đậm nét của nền văn minh lúa nước. Trong từng thời kỳ, những chiếc giếng làng mang hình dạng và ý nghĩa khác nhau. Có chiếc giếng hình vuông, tượng trưng cho đất mẹ, mà nguồn nước được ví như nguồn sữa nuôi dưỡng con người lớn khôn. Có chiếc giếng hình tròn tượng trưng cho mặt trời, có chiếc giếng hình bầu dục như tấm gương luôn soi sáng, phản chiếu hình ảnh cuộc sống thanh bình của làng quê. Giếng nước cũng là nơi sinh hoạt, tụ họp của dân làng. Làng Mông Phụ, xã Đường Lâm, ngoại thành Hà Nội, nổi tiếng về những chiếc giếng nước xây bằng đá ong. Nước giếng ở đây luôn trong và tinh khiết. Cụ Phùng Văn Truyền ở làng Mông Phụ, cho biết:
 "Làng Mông Phụ quê tôi có tất cả 6 cái giếng, thì có 5 cái giếng người dân vẫn thường xuyên ăn nước ở những giếng ấy. Hàng ngày  mọi người lấy nước để ăn, giếng nước cũng là nơi gặp gỡ của dân làng, có những câu chuyện trong làng, có người nên vợ nên chống cũng bắt đầu từ giếng nước ở làng". 

Giếng làng phản ánh đời sống tâm linh xã hội - ảnh 3
Giếng xóm Đình Mông Phụ - Đường Lâm (Ảnh: Lê Bích)

Đặc biệt ở làng Mông Phụ hiện còn một giếng nước đặc biệt mà người dân trong vùng gọi là  “Giếng xin sữa”. Dù giếng rất nhỏ, nhưng đã ngàn năm nay nước giếng luôn đầy và trong vắt. Những bà mẹ ở làng Đường Lâm thiếu sữa nuôi con thường đến làm lễ xin sữa, rồi uống nước giếng là có đủ sữa cho con bú. Làng Mai Động và làng Hoàng Mai ở phía Nam Hà Nội có món đậu phụ Mơ nổi tiếng. Có người bảo món đậu phụ Mơ không thể thơm ngon như thế, nếu không được làm từ nước giếng. Ông Nguyễn Văn Lợi, người dân làng Hoàng Mai, kể: "
Ngày trước dân cư ở đây thưa, người dân vẫn dùng nước giếng để ăn và sinh hoạt. Sản phẩm đâụ Mơ ngon nổi tiếng từ xưa  là nhờ làm từ nước giếng. Chính nước giếng và chất đất ở đây cũng tạo ra những sản vật nổi tiếng như: Cà pháo hay rau cải làng Hoàng Mai. Trong lịch sử, làng Hoàng Mai còn có loại rượu tiến vua cũng chế biến từ nguồn nước giếng trong làng.  Ngày xưa làng có 8 cái giếng, giờ chỉ còn lại 4 cái giếng, nhưng trong làng hiện vẫn có hơn 20 gia đình sản xuất đậu phụ Mơ". 

Trải qua nhiều thế kỷ, người dân làng Hoàng Mai cũng như nhiều làng khác ở Việt Nam, người dân vẫn có ý thức giữ gìn những di tích, trong đó có những giếng cổ. Trong tâm thức người Việt, những chiếc giếng làng như những tấm gương soi chứa đựng những  ký ức. Trong đời sống đương đại, giếng làng vẫn là công trình mang giá trị văn hóa tâm linh phản ánh đời sống xã hội của làng quê. 
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác