Vinaphunu thương về miền Trung

(VOV5) - Chị Lê Thùy Vân là một thành viên tích cực của Vinaphunu, một tổ chức thuộc câu lạc bộ Văn hóa Á Đông – ASIATICUS do chị Hoài Thu – một phụ nữ Việt sáng lập năm 1991 tại CHLB Đức. Trong dịp về thăm quê hương Quảng Bình hồi tháng 10 vừa qua, chị Vân đã tận mắt chứng kiến trận lụt lịch sử gây hậu quả nặng nề cho người dân quê mình. Với sự ủng hộ kịp thời từ Vinaphunu, chị Vân đã triển khai các chuyến xe cứu trợ, đi vào vùng rốn lũ để chia sẻ khó khăn với bà con. Chị Thùy Vân có cuộc chuyện trò với phóng viên Đài TNVN về hành trình 6 tuần dành trọn cho hoạt động thiện nguyện.

Vinaphunu thương về miền Trung - ảnh 1
Chị Lê Thùy Vân trong một chuyến đi cứu trợ đồng bào vùng lũ

Nghe âm thanh phỏng vấn tại đây:


PV: Thưa chị, được biết chị vừa trở về Hà Nội sau chuyến đi vào vùng lũ Quảng Bình. Chị có thể chia sẻ về chuyến đi này?

Chị Lê Thùy Vân:
Thực ra chuyến đi Quảng Bình là kế hoạch về thăm quê hương, gia đình của tôi. Lúc đầu, khi ở Béc-lin, tôi chỉ nhận nhiệm vụ của Câu lạc bộ Vinaphunu là đến làm từ thiện ở Tủ sách chữ nổi Nhịp cầu thế giới của trường Nguyễn Đình Chiểu ở Hà Nội và Trung tâm nuôi dạy trẻ khuyết tật của thành phố Đồng Hới, Quảng Bình. Nhưng không ngờ khi về đến quê hương Quảng Bình thì gặp phải đợt mưa lũ quá nặng nề đối với bà con vùng Quảng Bình. Trong khi đó, bạn bè của tôi trong Câu lạc bộ Vinaphunu đã theo dõi qua báo đài, và chị Hoài Thu là Chủ nhiệm Câu lạc bộ đã gọi điện cho tôi, thông báo rằng sẽ ngay lập tức trích tiền từ Quỹ khẩn cấp (là quỹ được lập sẵn để chi cho các việc đột xuất), cộng thêm những khoản đóng góp của các thành viên, để có ngay khoản tiền 1.670 euro để hỗ trợ bà con.

PV: Những con người, những cảnh đời mà chị đã gặp cho chị ấn tượng như thế nào?

Chị Lê Thùy Vân:
Tôi sinh ra và lớn lên ở Quảng Bình nhưng chưa bao giờ phải chứng kiến cảnh tượng như thế cả, chưa bao giờ phải chứng kiến cảnh ngập lụt và cảnh khổ sở của bà con như thế. Thứ nhất là vì tôi ra đi khi còn rất trẻ, và thứ hai là những đợt thiên tai nặng nề như thế chỉ xảy ra mấy chục năm một lần. Lần này lại quá nặng nề vì lũ chồng lũ, đợt lũ đầu vừa xong thì đã tới đợt thứ hai, nên bà con phải chịu những thiệt hại vô cùng nặng nề. Khi tận mắt chứng kiến, tôi cảm thấy mất mát, nhức nhối, khổ sở lắm. Cảm giác như là với những gia đình nghèo ấy thì ngoài sự giúp đỡ của mọi người, họ không còn khả năng để tự làm được gì cả. Tôi không thể diễn đạt bằng lời được, nhưng thực sự tim tôi rất nhức nhối.

PV: Chị có thể kể về hành trình đi vào vùng rốn lũ, đến với bà con gặp nạn?

Chị Lê Thùy Vân:
Khi nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình của bạn bè, anh chị em trong Câu lạc bộ Vinaphunu, tôi lập tức tiến hành ngay. Đầu tiên tôi liên hệ để biết bà con cần gì, và mua với số tiền hiện có. Sau đó tôi thuê xe để chở đồ vào vùng lụt và tự lái để tiết kiệm tiền vận chuyển. Thực ra trong thời gian đang xảy ra lụt lội thì việc thuê xe rất khó vì thuê xe to sẽ rất lãng phí vì thừa chỗ, không đủ đồ để chở, mà xe nhỏ thì người ta lại sợ không an toàn khi đi vào vùng dễ sụt lở, mắc lầy. Khi đến nơi, tôi liên hệ với UBND xã và cơ sự trợ giúp rất nhiệt tình. Cứ thế, đợi khi nào thấy được số tiền quyên góp bên kia đã đủ để trợ giúp cho một thôn, một làng, là tôi lại tiến hành, đợt này đến đợt khác, và đợt cuối cùng là cách 4 – 5 ngày trước khi tôi ra Hà Nội.

PV: Như chị chia sẻ, để thua một chiếc xe ô tô và một người lái xe để đi vào vùng lũ lúc đó là rất khó khăn vì mức độ nguy hiểm trong tình hình thời tiết như thế. Về phía bản thân mình, khi chị quyết định sẽ tự mình làm công việc đó, chị có nghĩ đến sự nguy hiểm hay không?

Chị Lê Thùy Vân:
Tất nhiên tôi cũng có nghĩ đến, nhưng khi đã chứng kiến những hoàn cảnh khó khăn, hay nhìn thấy cảnh cả một vùng quê mấy chục héc-ta nước phủ trắng xóa, thì tôi thấy những khó khăn nguy hiểm của mình không là gì cả so với những gì mà bà con trong vùng đã phải chịu đựng. Trong đợt cứu hộ cừa rôi, có một em sinh viên tình nguyện đã không may qua đời, nhưng điều đó càng làm tăng thêm nghị lực và sự quyết tâm phải đến được tận nơi để trao quà cho bà con. Động lực để tôi quên đi khó khăn và làm được, tất nhiên là xuất phát từ sự vất vả của bà con vùng lũ, nhưng cái tôi rất trân trọng và cảm thấy quý giá là tấm lòng của chị em Vinaphunu, tinh thần tương thân tương ái, giúp đỡ người gặp khó khăn rất kịp thời, không tính toán so đo gì cả. Mọi người đã ngay lập tức, tự nguyện hỗ trợ một số tiền lớn để tôi ở nhà mua quà cho bà con vùng lũ. Tôi rất trân trọng những tình cảm đó, và nghĩ rằng mình chỉ vất vả một chút thôi, khó khăn một chút thôi, thì không có nghĩa lý gì cả.

PV: Xin cảm ơn chị.


Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác