Nguyễn Trọng Tạo - Làng Quan họ ... của tôi

(VOV5) - Trong chuyên mục Giai điệu quê hương, chúng tôi mời quý vị và các bạn cùng thưởng thức ca khúc được yêu thích cùng phần trích bài viết của nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo nhan đề: “Làng Quan Họ… của tôi”.


Nguyễn Trọng Tạo - Làng Quan họ ... của tôi - ảnh 1
Ảnh Internet


Một ngày, tôi thấy bài hát của mình được bình chọn trong 20 bài hát hay về nông thôn Việt Nam đó là "Làng quan họ quê tôi". Vậy là đứa con bé nhỏ của làng là tôi, đã không phụ bóng mát chở che của bờ tre, mái rạ...Nếu có người nước ngoài vì khâm phục sức sống của dân tộc trồng lúa nước mà đặt ra câu hỏi "Tại sao Việt Nam?" thì chính tôi cũng đã có lần tự ngạc nhiên về mình mà đặt ra câu hỏi "Tại sao Làng quan họ...?". Tôi không phải người làng quan họ, cũng chưa đến quan họ lần nào mà lại nhận vơ "Làng quan họ quê tôi"? đúng vậy, tôi đã coi làng quan họ như chính làng mình và đã viết ra bài hát ấy 16 năm trước khi đặt chân lên đất Bắc Ninh.

Nguyễn Trọng Tạo - Làng Quan họ ... của tôi - ảnh 2
Ảnh Internet

 Tôi sinh ra ở một làng quê bên dòng sông Bùng uốn lượn như muốn ôm lấy tre xanh mái rạ trước khi hòa vào biển Đông rộng lớn. Tuổi nhỏ cùng bạn đội nắng dong trâu trên những cánh đồng ven đê ngạt ngào hương lúa hương ngô. Ở đó có những điệu dân ca ví dặm quê kiểng lấp lánh ánh trăng hòa vào lời ru của mẹ. Ở đó có những bài hát về làng quê cứ nuôi lớn tâm hồn những đứa trẻ quê. Dù năm tháng chiến tranh đạn bom ác liệt, nhiều ngôi làng bị đốt cháy tan hoang, nhưng những câu hát êm đềm ấy thì mãi mãi thắp sáng trái tim con người luôn hướng về làng quê yêu dấu. Ra khỏi cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước, tôi được điều về Hà Nội. Và tôi luôn nhớ làng tôi.


Bỗng một hôm, tôi đến làm việc với nhà xuất bản Tác Phẩm Mới và tình cờ gặp nhà thơ Phan Hách ở đấy. Anh rất vui vì nghe được bài hát mới của tôi, bài "Nụ cười Việt Nam", phổ thơ Chính Hữu. Có lẽ vì thế mà anh nảy ra ý định nhờ tôi phổ nhạc cho bài thơ của anh. Để cho chắc hơn, anh ngồi chép lại bài thơ rồi đưa cho tôi với một lời nhờ như áp đặt: "Bài này phổ nhạc được ông ạ. Ông phổ cho tôi nhé". Tôi nghe toát mồ hôi và lại hơi buồn cười vì sự hồn nhiên của anh. Thơ thì mênh mông mà mấy bài được phổ nhạc? Nhạc sĩ thì nhiều như lá rừng nhưng có phải ai cũng phổ được bài thơ của anh? Tôi thấy ngại, nhưng cũng vui vẻ hẹn: "Vâng, tôi sẽ xem và nếu phổ được, tôi sẽ hát cho ông nghe để xin ý kiến nhà thơ". Sau khi chia tay anh, tôi cũng quên mất bài thơ còn cất trong túi áo. Mấy ngày sau, tôi đem áo ra giặt. Bên cái giếng xây gạch sứt mẻ của gia đình bà Tâm mù trong làng Khương Hạ (Hà Nội) nơi các nhà văn quân đội chúng tôi đang ở nhờ, tôi móc túi ra bài thơ anh Hách gửi và đọc lại. Lúc ấy từ cái loa làng phát ra những điệu hát quan họ mê hồn. Tôi bỗng thấy bài thơ đang trở thành bài hát trong đầu tôi. Và câu nhạc mở đầu đã hiện lên. Tôi bỏ lại chậu áo quần bên giếng, vào nhà lấy giấy bút ngồi phổ nhạc cho thơ - Đó là một chiều tháng 9 năm 1978.     

                                                                                

Ca sĩ đầu tiên hát "Làng quan họ quê tôi" là Kim Phúc, lúc đó mới 18 tuổi đang học năm thứ nhất tại trường Âm nhạc Việt Nam và được nghệ sĩ Tôn Thất Triêm đệm đàn trong đêm giao lưu của các nhà thơ quân đội với trường. Tiết mục được hoan nghênh nhiệt liệt, khiến tôi cũng bất ngờ. Nhưng người thu thanh đầu tiên bài hát này là ca sĩ Thanh Hoa (hát cùng tốp nữ), và được phát sóng trên đài TNVN vào tháng 6.1979. Từ đó nó trở thành bài hát quen thuộc của người yêu nhạc, rồi được dàn nhạc giao hưởng Lepzich trình diễn trong tuần văn hóa VN tại Đức, được hãng JVC đưa vào chương trình karaoke của Nhật. Bài hát này được nhiều ca sĩ thu thanh, thu hình, sản xuất đĩa nhạc. Đã hơn 30 năm bài hát Làng quan họ quê tôi  ra đời và đi cùng hàng triệu người Việt Nam của tôi. Tôi cũng đã mấy lần được nghe người Việt hát Làng quan họ quê tôi tận bên châu Âu, châu Mỹ. Lần nào nghe tôi cũng xúc động - Đó là Làng-Quan-Họ... của tôi./.







Phản hồi

Các tin/bài khác