Người thợ giữ lửa trên phố Lò Rèn, Hà Nội

(VOV5) - Khu phố cổ Hà Nội 36 phố phường, từ lâu được nhắc đến như một di sản kiến trúc của thủ đô, nơi  in dấu những làng nghề, phồ nghề thủ công của kinh thành Thăng Long xưa. Điều thú vị là dù trải qua nhiều biến thiên, một số nghề thủ công truyền thống tưởng chừng đã mai một, thì nay vẫn tồn tại bền bỉ trong lòng phố cổ. Ở  một trong những con phố ấy, nhiều du khách không khỏi bất ngờ khi thấy một lò rèn thủ công của ông Nguyễn Phương Hùng, người duy nhất vẫn duy trì nghề rèn truyền thống của gia đình từ trăm năm nay. 

Người thợ giữ lửa trên phố Lò Rèn, Hà Nội - ảnh 1
Ông Nguyễn Phương Hùng - Người thợ thủ công cuối cùng của phố Lò Rèn (Ảnh: tienphong.vn)

Nghe âm thanh bài viết tại đây:



Trong thời kỳ công nghiệp hoá, ta dường như quên mất rằng đôi tay con người luôn là công cụ lao động tuyệt vời. Nhưng ở số nhà 26 phố Lò Rèn, Hà Nội, ông Nguyễn Phương Hùng vẫn miệt mài tay búa, tay kìm, rèn sắt bằng chính đôi tay mình. Ông là người thợ còn sót lại của một thời nghề rèn từng phổ biến trên con phố ấy với những cái lò không bao giờ tắt lửa và tiếng búa cứ vang lên đều đặn từ sáng sớm đến chiều tà.  

Thật khó tưởng tượng, giữa hỗn độn những âm thanh của những máy hàn, máy cắt dọc theo con phố nhỏ Lò Rèn, thì ở đây vẫn còn bễ lò rèn thủ công duy nhất còn đỏ lửa. Gương mặt ám đen bụi than, cánh tay lốm đốm vết bỏng, chiếc áo cũ loang lổ những mồ hôi và dầu mỡ, Nguyễn Phương Hùng là hiện thân của một ông thợ rèn từ thủa xa xôi còn duy trì nghề tổ trên phố nghề. Vốn khá quen với những vị khách qua đây, thường dừng chân tham quan, chụp ảnh, ông Hùng tỏ ra thoải mái khi vừa làm vừa chuyện trò với khách. 

“Bắt đầu từ năm chín mươi lăm khi mở ra thương trường mua bán thì phố này dần dần mất đi dấu ấn riêng. Và thế hệ tôi là thế hệ cuối cùng làm rèn. Họ không làm nữa, xoay ra buôn bán. Nhưng tôi thì lại khác, tôi vẫn gắn bó với nghề. Mình có tâm với nghề, nghề sẽ trả mình cái tâm. Mình có tâm với nghề, nghề sẽ nuôi sống mình. Trong thời gian khó khăn thì mình chấp nhận khó khăn đi. Mọi người bỏ thì bây giờ tôi độc quyền. Mà mình yêu nghề, thì tự nhiên cuộc sống cho mình góc độ tươi vui và bàn tay mình làm nên thì mình cảm thấy hãnh diện với đời” - ông Hùng tâm sự.

Ði dọc theo phố Lò Rèn, nếu là người am hiểu Hà Nội đều có cảm nhận phố Lò Rèn ngày nay đã khác xưa. Những cửa hàng cửa hiệu khang trang bán đồ sắt, vật liệu xây dựng đã thay thế những xưởng rèn. Nhiều gia đình trên phố đã chuyển đổi nghề sang làm nghề hàn sắt, làm đồ sắt xây dựng như : làm cầu thang, cửa cuốn, cửa sổ hoa sắt, làm đô Inox hay làm gia công các đồ cơ khí chính xác...Những công đoạn thủ công đã ít dần đi, sức người được thay thế bởi các máy phay, máy cắt, máy hàn hiện đại. Nghề rèn dân gian tưởng chừng như chỉ thấy ở chốn thôn quê, hay trong dĩ vãng, vậy mà vẫn hiển hiện giữa phố thị đông đúc. Có lẽ bởi vậy, cái bễ lò rèn thủ công duy nhất của ông Nguyễn Phương Hùng luôn là tâm điểm của khách tham quan phố cổ. Trong khoảng không gian chật hẹp, giữa la liệt những vật dụng bằng sắt, nhưng ông Nguyễn Phương Hùng vẫn nói cười, chẳng ai nghĩ, nghề rèn ông đang làm công việc nặng nhọc đến vậy.

“Tôi tự hào, tôi nói các bạn vui thôi, là tôi không cần hộ chiếu mà đi khắp năm châu bốn bể. Vì sao? Người ta chụp ảnh mang về khoe với họ hàng bạn bè người ta, ở giữa Thủ đô mình có ông lò rèn cọc cọc làm việc. Hay trên hàng không dân dụng, họ quảng cáo báo chí tôi làm nghề thủ công… Mình không buôn bán, tôi tự hào là mình giỏi với nghề thì mình không có gì mà xấu hổ cả. Nghề nào cũng như nghề nào. Nhưng lớp trẻ bây giờ hơi coi thường quá. Ngay con tôi cũng thế thôi, không thích tôi làm nghề này, nhưng tôi bảo mỗi người mỗi nghề. Tôi vẫn nói rằng ‘mỗi người có một khả năng, bố không bắt các con bê hòn đe, nhưng các con phải làm được cái gì đó, để cho đẹp với đời, với bản thân, gia đình” - ông Hùng nói.

Từ hàng chục năm nay, người thợ rèn nhìn con phố của mình đổi thay. Những người đến rồi đi, những cửa hàng mở ra rồi đóng lại và hàng ngày dòng người đi qua đây vẫn thấy ông  miệt mài làm công việc của mình như  chẳng để tâm tới sự đời. Có người cho rằng ông dở hơi, khi cố ôm lấy cái nghề nặng nhọc, nhưng ông chỉ cười. Cái cười đôi khi cũng không hẳn vui:
 “Tôi chỉ tiếc thay xã hội bây giờ chạy theo thương mại hóa quá nhiều, không theo về nghề. Chưa thấy một ai nói đến thi nghề rèn giỏi cả. Bây giờ chỉ mong sao những người có khả năng nhìn xa trông rộng có thể hướng lớp trẻ vào đúng hướng. Rồi mai sau sẽ thiếu nghề thủ công là chắc chắn. Lúc đấy mới quay lại thì tiếc quá rồi”.

Những năm gần đây, Hà Nội đã chuyển mình, thành phố đã hiện đại hơn, nhưng vẫn còn nguyên đó bóng dáng những khu phồ nghề thủ công. Một số nghề thủ công xưa đã không còn, một số nghề khác đã chuyển đổi nghề, nhưng vẫn còn đó tên phố Lò rèn, một con phố đã  rũ bỏ sau lưng tro bụi của một thời của nghề rèn thủ công cơ cực vất vả. Nhưng đôi khi ẩn dưới lớp tro bụi đó lại là những thứ quý giá vô cùng. 
Tin liên quan

Phản hồi

Trần Văn Điệp

Nhà mình có rèn trông inox ko a

Các tin/bài khác