Tư vấn về vấn đề nhà ở của NVNONN, thông tin về điểm du lịch miền tây

(VOV5) - Trong thư gửi về chương trình, bạn nghe đài hỏi: “ Tôi xin nhập quốc tịch Đức nhưng phải từ bỏ quốc tịch Việt Nam. Vậy tôi có được giữ nhà đất của tôi ở VN không?”. Thính giả cũng muốn biết về những điểm du lịch ở miền tây.

Nghe nội dung chi tiết tại đây:


Chào quý vị, chào các bạn,
Một tuần trôi qua và chúng tôi rất vui gặp lại quý vị và các bạn trong chương trình hôm nay. Mở đầu Hộp thư thính giả tuần này, chúng tôi trích đăng thư của bạn Nguyễn Xuân Dũng hỏi: “Năm 2010, tôi đứng chủ quyền nền biệt thự trong khu quy hoạch Đô thị mới (có Sổ Đỏ). Năm 2011, tôi đi du học và sau đó kết hôn ở lại Đức. Cuối tháng 11 tôi bắt đầu tiến hành xây dựng nhà, do tôi sống ở Đức nên tôi nhờ mẹ tôi giám sát và quản lý. Đồng thời, tôi ký Giấy uỷ quyền cho mẹ được phép vay ngân hàng, được thế chấp, xin phép xây dựng, làm đồng hồ nước, xin số nhà, hoàn công...v.v. Tôi đang xin nhập quốc tịch Đức. Yêu cầu của phía Đức là tôi phải từ bỏ quốc tịch Việt Nam. Vậy tôi có được giữ nhà đất của tôi ở Việt Nam không?”

Về câu hỏi của bạn, chúng tôi xin trả lời: Theo quy định của pháp luật Việt Nam về quyền sở hữu tài sản của một người khi thôi quốc tịch Việt Nam như sau:

Trong trường hợp  thôi quốc tịch Việt Nam và nhập quốc tịch Đức thì bạn vẫn được coi là người Việt Nam định cư ở nước ngoài. Bạn không còn đầy đủ các quyền và nghĩa vụ như các công dân Việt Nam. Theo đó, các quan hệ xác lập, thực hiện, thay đổi, chấm dứt quyền sở hữu tài sản như bất động sản... thuộc sở hữu của bạn thì sẽ được điều chỉnh bởi pháp luật của nước mà nơi bạn có tài sản.

  Tư vấn về vấn đề nhà ở của NVNONN, thông tin về điểm du lịch miền tây - ảnh 1


Vào thời điểm bạn được cấp Giấy chứng nhận sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất, bạn là công dân Việt Nam và có đủ các điều kiện cần thiết để được sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất. Và khi đã thôi quốc tịch Việt Nam, các điều kiện sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất tại Việt Nam của bạn phải được xác định lại cho phù hợp với Luật Đất đai và Luật Nhà ở hiện hành.

Theo quy định của pháp luật, căn nhà mà bạn hiện đang đứng tên sở hữu được xác lập trước thời điểm bạn sang Đức và thôi quốc tịch Việt Nam. Theo Luật quốc tịch Việt Nam 2008, cũng như các văn bản hướng dẫn thi hành, không có quy định về hậu quả pháp lý của việc thôi quốc tịch Việt Nam là sự chấm dứt quyền sở hữu đối với tài sản ở Việt Nam, kể cả đối với bất động sản. Do đó, bạn không bị mất quyền sở hữu đối với căn nhà bạn đang đứng tên sở hữu. Ngoài ra, nếu bạn không ở Việt Nam để trực tiếp quản lý thì theo quy định của Luật Nhà ở năm 2006 bạn có thể ủy quyền quản lý nhà ở, cho mượn nhà ở hoặc cho ở nhờ nhà ở.

 Quý thính giả thân mến! Nhiều du khách nước ngoài và những người con Việt sống xa quê khi trở về Việt Nam muốn được khám phá miền Tây, nơi sông nước hữu tình với nhiều cảnh đẹp, muốn hỏi kinh nghiệm khi đi du lịch ở đây. Chúng tôi xin được tư vấn như sau:

-Các bạn cần chú ý về phương tiện đi lại. Bên cạnh xe máy, bạn cũng có cơ hội di chuyển bằng tàu thủy, ghe xuồng, cano. Tuy nhiên, khi tham gia các phương tiện này, nên mặc áo phao để bảo đảm an toàn. Nếu đi đoàn đông nên ngồi đều hai bên để tàu di chuyển dễ dàng, tránh bị nghiêng.

-Miền Tây là nơi tụ hội rất nhiều  món ăn cây nhá lá vườn , đặc sản sông nước, trái cây miệt vườn,… Cá lóc nướng trui, bánh xèo, rượu đế, … là những món ăn được nhiều du khách nhớ đến.

- Nếu bạn đi theo nhóm, đông người thì bạn có thể tiết kiệm chi phí bằng cách mua thức ăn về chế biến và tổ chức tiệc ăn uống như đi dã ngoại vừa thú vị lại ít tốn kém.

  -Nếu bạn đi theo tour/tuyến của các công ty du lịch thì bạn không phải lo lắng nơi ăn, chốn ở mà chỉ việc đi chơi và thưởng ngoạn thôi. Nhưng nếu bạn đi theo dạng phượt thì ngược lại, mọi thứ bạn đều tự lo. Ví dụ như nhà nghỉ, để tiết kiệm chi phí tốt nhất bạn nêm tìm những dãy nhà trọ giá rẻ.  

Có một điều mà hầu hết du khách đều yêu thích đó là tính cách con người miền Tây thường chân tình và hiếu khách nên bạn có thể xin tá túc lại trong nhà dân, trên ghe tàu hoặc các cù lao.

Nếu đi du lịch miền Tây theo tour nhiều ngày thì nên mua ít đồ vì còn hành lý mang theo. Điều tối quan trọng là vào chợ đông người hết sức cẩn thận.

 Trước khi đi du lịch miền Tây, nếu phượt bụi, bạn nên tìm hiểu kỹ trước hành trình, điểm dừng dân, nghỉ ngơi, điểm tham quan; nếu đi theo Tour, cũng nên đọc nội dung Tour trước khi xuất phát để khỏi phải bỡ ngỡ. Nên lưu số điện thoại Hướng dẫn viên du lịch đi theo Tour để nếu cần sự giúp đỡ của họ, bạn cũng có thể nhanh chóng liên lạc.

 Miền Tây có rất nhiều chùa, miếu linh thiêng. Vì thế, khi đến những nơi này du lịch, bạn cần ăn mặc chỉnh tề, trang nhã và tuân thủ theo các quy định của địa phương. Chúc các bạn có chuyến trải nghiệm đầy niềm vui

Quý thính giả thân mến! Trong những lá thư gửi về chương trình tuần qua, thính giả Nguyễn Thanh Thúy hỏi về thủ tục kết hôn với người nước ngoài như sau: Em lấy chồng Đài Loan( Trung Quốc) hiện đã ly hôn có giấy chứng minh nhân dân Đài. Nay em muốn kết hôn với người yêu em là người Việt Nam ở Nghệ An. Vậy em xin hỏi thủ tục kết hôn em cần làm những gì? Các bước làm thủ tục như thế nào và phí có cao không ạ? Câu hỏi của bạn chúng tôi sẽ chuyển và nhờ luật sư giải đáp.  Ông Trương Anh Tú,  ở Đức gửi bài và ảnh về Đại hội Liên hiệp người Việt tại Đức. Ông Nguyễn Văn Công, bà Thùy Linh, ở Pháp thông tin về các dự án xây cầu của nhóm việt kiều ở ĐBSCL.

Chương trình cũng nhận được thư của ông Nguyễn Hải Nam, bạn Thùy Dương, ở Pháp; các bạn Phương Anh, Phương Thảo, Minh Anh, ở Mỹ, Tuyết Mai, ở Anh. Chương trình cũng tiếp tục nhận được thư cùng tin, bài cộng tác của các cộng tác viên từ các nước Ba Lan, Sec, phóng viên các cơ quan thường trú tại Nga, Mỹ… Nhiều thính giả ở các nước Lào, Thái Lan, Đức cũng đóng góp nhiều ý kiến về chương trình của hệ phát thanh đối ngoại và trang web vov5. Cảm ơn những đóng góp cho chương trình của quý thính giả, các cộng tác viên, các bạn đồng nghiệp.

Quý thính giả thân mến! Rất mong quý vị tiếp tục đón nghe chương trình và gửi thư, bài vở cho  chúng tôi theo địa chỉ: Chương trình phát thanh Dành cho đồng bào VN ở xa Tổ quốc, Hệ Phát thanh Đối ngoại, Đài TNVN, 45 Bà Triệu, Hà Nội.

Điện thoại: 84. 4. 38252 070

Hộp thư điện tử: vietkieuvov@gmail.com      vovworld@vov.org.vn
Các bạn cũng có thể nghe chương trình của chúng tôi trên website: www.vovworld.vn. Chương trình cũng được phát trực tuyến qua trang web này vào lúc: 0h -1h (giờ quốc tế) tức từ 7h đến 8h (giờ Hà Nội); 1h30-2h30 (giờ quốc tế) tức từ 8h30 đến 9h30 (giờ Hà Nội); 4h30-5h30 (giờ quốc tế) tức từ 11h30 đến 12h30 (giờ Hà Nội) và 17h-18h (giờ quốc tế) tức từ 0h đến 1h (giờ Hà Nội) hàng ngày.  Hẹn gặp lại quý vị và các bạn trong những cánh thư sau./.

Phản hồi

Các tin/bài khác