Dẻo thơm cốm vùng Tây Bắc

(VOV5) - Cứ vào mùa Thu hàng năm, du khách lên Tây Bắc ngắm các ruộng bậc thang vào độ chín, tỏa hương thơm ngát và thưởng thức hội cốm (ăn mừng cơm mới) của đồng bào các dân tộc Tày, Thái, Nùng, Giáy, Mông... Thật không gì vui hơn, bởi đây cũng là thời điểm người dân chọn lúa non về làm cốm. Người rang, người giã, người sàng sảy gạo làm cốm tạo nên không khí đông vui, ấm cúng, đó cũng là nét đẹp văn hóa ẩm thực của các dân tộc vùng cao Tây Bắc.

Nghe âm thanh tại đây:

Theo bà con người Thái ở Nậm Có, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái, trước đây việc chọn lúa làm cốm thường là lúa nếp Nương, bởi loại lúa này hạt tròn, mẩy, lại giữ lâu được chất ngọt của hạt nếp, mùi thơm và độ dẻo của hạt lúa. Ngày nay, do nhu cầu sử dụng lúa nếp của người dân ít hơn, diện tích canh tác lúa nương không còn nhiều nên lúa làm cốm là giống lúa nếp Tan hoặc Lương phượng, nhưng chủ yếu vẫn là nếp Tan.

Dẻo thơm cốm vùng Tây Bắc - ảnh 1
Ảnh minh họa - Nguồn: danviet.vn

Dù lúa nếp được cấy dưới ruộng nước hay gieo trên nương rẫy thì khi ngắt lúa về làm cốm, hạt lúa nếp phải còn chút sữa ở đầu hạt, vỏ hơi lam vàng một chút và hạt chưa vào chắc hẳn (chưa chín hết). Hạt lúa như vậy mới làm được hạt cốm vừa dẻo vừa thơm. Lúa nếp ngắt về được chế biến luôn, bởi nếu để mấy hôm sau mới làm thì sẽ mất đi nhiều hương thơm và độ dẻo. Chị Lò Thanh Phương, người dân bản Có Thái, xã Nậm Có, huyện Mù Cang Chải, cho biết: “Thóc non khi vẫn còn xanh, bấm vẫn còn sữa, hạt cũng phải chắc mẩy mới đi cắt từ cây mang về để làm cốm.”

Lúa non cắt mang về được đổ ra những chiếc mẹt đan từ tre rừng được rửa sạch và phơi khô. Việc cắt cũng phải đảm bảo đúng cách. Các mẹ, các chị lấy những chiếc bát con cào những bông lúa vừa đủ để hạt lúa rơi ra mẹt. Xong công đoạn cào, những hạt lúa được sàng sảy sạch sẽ, rồi mang đi rang. Trong quá trình rang, lửa phải vừa đủ, không to quá, không nhỏ quá, đảo cũng phải đều tay để không làm cháy hạt lúa. Cứ như vậy cho đến khi thấy lúa dậy mùi thơm, cắn thử thấy hạt lúa mềm dẻo thì đổ ra mẹt cho nguội sau đó mang giã. Hạt cốm sau bao lần giã, sàng sảy tròn mẩy, xanh ngắt như lá dong rừng. Hạt cốm mềm mà dẻo, mang vị ngọt của đất, của gió, của nắng, của sương, hương vị của thiên nhiên trời đất. Cầm vào mát nhẹ giữa lòng bàn tay. Chị Lò Thị Hiền, ở bản Có, cho biết: “Khi giã thì không được giã lúc nóng, phải để nguội mới giã, tránh cho hạt cốm kết vào nhau. Cứ giã một lúc lại mang ra xảy để lược đi vỏ trấu bám vào cốm. Cứ như vậy đến khi nào được cốm thì mới thôi”.

Xã Nậm Có hiện có gần 420 ha diện tích trồng lúa, trong đó diện tích trồng lúa nếp chiếm gần 50%. Những năm trước đây, vào mùa lúa chín, các bà, các mẹ trong các bản người Thái chỉ làm cốm cho con cái, hoặc làm quà cho người thân, khách quý đến nhà.

Dẻo thơm cốm vùng Tây Bắc - ảnh 2
Ảnh minh họa - Nguồn: TTXVN

Từ bàn tay khéo léo của các mẹ, các chị, những hạt cốm thơm dẻo được gói thành từng gói bằng lá dong trồng trong vườn nhà. Sự thơm dẻo của cốm mùa lúa mới hòa quyện với mùi thơm của lá dong thực sự hấp dẫn du khách. Vài năm lại đây, cốm đã được bà con làm nhiều hơn để phục vụ khách đến thăm quan, du lịch địa phương. Để gìn giữ nghề làm cốm của cha ông truyền lại, chị Lò Thanh Phương cho biết: “Để làm được những hạt cốm đó phải nhờ đến đôi bàn tay khéo léo của các bà, các mẹ. Các bà, các mẹ có tuổi không làm được nữa thì mình sẽ tiếp tục làm, để gìn giữ những hạt cốm mãi xanh tươi và ngon thơm.”

Nậm Có đang mùa lúa chín. Trên những chân ruộng bậc thang, lúa bông đã uốn câu, hạt căng tràn đầy sữa. Cốm mới với độ ngọt dẻo, hương thơm quyến rũ càng tô đẹp thêm bức tranh về vùng cao Tây Bắc.

Phản hồi

Các tin/bài khác