Hàng Việt Nam có lợi thế tại Nga và các nước ký kết Liên minh hải quan Á-Âu

(VOV5) - Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Hải quan Bê-la-rút, Ca-dắc-xtan và Nga có hiệu lực đã tác động tích cực đến thương mại giữa Việt nam và các nước này.


Cộng đồng doanh nhân người Việt ở Liên Bang Nga đón nhận cơ hội này như thế nào? Những loại hàng hóa nào sẽ được thúc đẩy vào thị trường và các doanh nghiệp trong nước cần lưu ý điều gì khi xúc tiến thương mại tại đây? Phóng viên Đài TNVN phỏng vấn ông Lê Trường Sơn, Chủ tịch Hội doanh nghiệp Việt Nam tại Liên bang Nga về nội dung này. 


Hàng Việt Nam có lợi thế tại Nga và các nước ký kết Liên minh hải quan Á-Âu - ảnh 1
Ông Lê Trường Sơn, Chủ tịch Hội doanh nghiệp Việt Nam tại Liên bang Nga

Nghe nội dung phỏng vấn tại đây:



PV: Thưa ông, xin ông cho biết về hoạt động của Hội doanh nghiệp gốc Việt ở Liên bang Nga thời gian qua?

Ông Lê Trường Sơn: Trong những năm qua, kinh tế Nga bị cấm vận bởi các nước phương Tây nên gặp không ít khó khăn. Nhưng trong khó khăn đó lại có một số thuận lợi nhất định cho các doanh nghiệp Việt Nam vì nhu cầu tiêu thụ của người dân Nga chuyển từ hàng cao cấp sang loại hàng có giá vừa phải nhưng chất lượng cao, trong đó có hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam, nhất là thời gian qua khi Hiệp định thương mại tự do giữa Việt nam và Liên minh hải quan Á-Âu có hiệu lực từ tháng 11/2016 thì lượng hàng nhập từ Việt Nam vào Liên minh hải quan tăng lên đột biến. Tôi nghĩ, trong thời gian sắp tới thì cán cân thương mại giữa Việt Nam và Liên minh hải quan sẽ tăng lên rất nhiều. Ngay khi Hiệp định có hiệu lực thì có khoảng 80 gần 90% hàng hóa được miễn thuế. Danh mục hàng hóa còn lại từ 5 đến 10 năm sẽ được miến thuế về 0%. Có thể nói, hàng hóa Việt Nam hiện đang được chào đón và phân phối rất tốt tại thị trường này.

PV: Thưa ông, hàng hóa Việt Nam đã có một thời đã xuất khẩu rất nhiều vào thị trường Liên bang Nga, sau đó có lắng xuống. Qua những biến chuyển như thế của thị trường, theo ông, doanh nghiệp Việt Nam và hàng hóa Việt Nam cần thay đổi như thế nào cho phù hợp với thị trường này?

Ông Lê Trường Sơn: Thị trường Liên xô cũ có điểm đặc biệt khác so với thị trường của các nước tư bản. Câu chuyện xuất khẩu hàng hóa Việt Nam vào đó là xây dựng thương hiệu và hệ thống bao tiêu sản phẩm, tức là các đại lý. Tôi nghĩ ở đây các doanh nghiệp Việt Nam phải nghĩ đến xây dựng các công ty con và các văn phòng đại diện để có thể xây dựng được hệ thống bao tiêu sản phẩm của chính mình.

PV: Thế còn về chất lượng và mẫu mã hàng hóa?

Ông Lê Trường Sơn: Thị trường Liên xô cũ và Liên Bang Nga bây giờ không khó tính lắm. Trong lúc thiếu hụt hàng hóa từ Phương tây thì mảng hàng hóa giá cả vừa phải nhưng chất lượng cao của Việt Nam có thế mạnh, tiềm năng rất tốt khi xuất khẩu vào đây.   

PV: Ông có khuyến cáo hay lưu ý gì đối với các doanh nghiệp Việt khi muốn đưa hàng hóa vào thị trường này?

Ông Lê Trường Sơn: Mấu chốt ở đây là xây dựng thương hiệu và sản phẩm phải phù hợp với thị hiếu và túi tiền của người dân bản địa ở thị trường này khác hẳn so với ở thị trường các nước tư bản.

PV: Vâng, xin cảm ơn ông.

Phản hồi

Các tin/bài khác