Hòa giải, hòa hợp và đại đoàn kết dân tộc luôn là chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước Việt Nam

(VOV5) - Hòa giải, hòa hợp và đại đoàn kết dân tộc luôn là chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao đã và đang nỗ lực để kiều bào xích lại gần hơn với quê hương đất nước. Phóng viên Đài TNVN phỏng vấn Thứ trưởng Vũ Hồng Nam, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài về những nội dung này.

 

Hòa giải, hòa hợp và đại đoàn kết dân tộc luôn là chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước Việt Nam - ảnh 1
Thứ trưởng Ngoại giao Vũ Hồng Nam, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài. (Ảnh: TG&VN)


Nghe nội dung chi tiết tại đây:





Phóng viên: Thưa ông, ông cho biết về các hoạt động dành cho kiều bào nhân dịp kỷ niệm 40 năm giải phóng miền nam, thống nhất đất nước năm nay?

Thứ trưởng Vũ Hồng Nam: Năm nay là năm có ý nghĩa lớn đối với nhân dân cả nước. Trọng tâm trong công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài, chúng tôi đã xác định những hoạt động của kiều bào gắn với đời sống chính trị, văn hóa, xã hội của đất nước. Do đó, ngay từ đầu năm, chúng tôi đã tổ chức chương trình rất là lớn, chương trình Xuân quê hương với chủ đề Tổ quốc vinh quang, đề cao tôn vinh chiến thắng lịch sử của dân tộc, niềm tự hào của mỗi người con Việt Nam về giai đoạn hào hùng của đất nước và quyết tâm của cộng đồng các dân tộc Việt Nam trong nước cũng như ngoài nước trong việc xây dựng xã hội ta ngày càng phát triển, phồn thịnh và có uy tín trên trường quốc tế. Sự kiện thứ hai, sát với ngày kỷ niệm 40 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, chúng tôi tổ chức cho bà con kiều bào đi thăm Trường Sa, dịp này cũng rất đặc biệt là kỷ niệm 40 năm giải phóng Trường Sa, tổ chức rất rầm rộ. Đánh giá cao vai trò của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, Ban tổ chức các lễ kỷ niệm của Nhà nước vẫn dành một vị trí xứng đáng cho bà con kiều bào tham dự trên khán đài để chứng kiến những giây phút hào hùng tái hiện lại lịch sử của đất nước và 40 năm Việt Nam trưởng thành và phát triển sau khi đất nước liền một dải. Đối với bà con kiều bào, tôi cho rằng đây cũng là một niềm vinh dự, tự hào được tham gia cùng toàn Đảng, toàn dân chứng kiến những giây phút lịch sử trọng đại của đất nước.

Phóng viên: Bốn mươi năm trôi qua kể từ khi đất nước hoàn toàn được thống nhất, vẫn còn một số bộ phận người Việt đi ngược lại với lợi ích của đất nước. Ông đánh giá như thế nào về vấn đề hòa giải, hòa hợp dân tộc hiện nay?

Thứ trưởng Vũ Hồng Nam: Bốn mươi năm trôi qua, khối đại đoàn kết toàn dân tộc của chúng ta ngày càng vững mạnh hơn. Tuy nhiên phải thừa nhận vẫn còn một nhóm bà con tuy không đông, chiếm một bộ phận rất nhỏ trong cộng đồng, nhưng vẫn còn có ý kiến khác. Tôi rất trăn trở rằng rất nhiều bà con trong số này chưa bao giờ về thăm quê hương. Chúng ta là những người làm công tác về người Việt Nam ở nước ngoài thì chúng ta cần phải làm nhiều hơn nữa, phải cởi mở, tiếp cận bà con, đưa bà con kiều bào về trong nước nhiều hơn nữa để bà con thấy cuộc sống đã đổi thay hơn trước. Bà con kiều bào về được coi như người thân trong nhà. Chúng ta không có một sự phân biệt gì về quá khứ. Chúng ta cũng luôn nói khép lại quá khứ. Chúng ta mong rằng bà con cần phải thấy được điều đó. Chúng ta phải nhìn thấy tương lai, không định kiến về quá khứ của mình. Bà con kiều bào cần trở về đất nước để thấy rằng quê hương đã thay da đổi thịt, về để hòa vào cuộc sống của cộng đồng người Việt Nam ở trong nước, để thấy niềm hạnh phúc của dân tộc chúng ta, một dân tộc hoàn toàn thống nhất và đang phát triển mạnh và có uy tín trên trường quốc tế. Tôi mong rằng, từ góc độ của chúng tôi, những người làm về công tác về người Việt Nam ở nước ngoài sẽ phải nỗ lực hơn nữa, phải chia sẻ tình cảm của bà con ở xa quê. Và tôi cũng mong từ phía bà con nhìn hướng về tương lai hơn và phải nhìn chung về mục tiêu và những giá trị của dân tộc chúng ta, lấy cái đó làm mục tiêu cho cuộc sống của mình.

Phóng viên: Đại đoàn kết dân tộc là tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt của Đảng và Nhà nước ta đối với công tác về người Việt Nam ở nước ngoài, thể hiện truyền thống, đạo lý tốt đẹp của dân tộc ta. Đảng và Nhà nước ta có những định hướng như thế nào để bà con gắn bó hơn với quê hương đất nước?

Thứ trưởng Vũ Hồng Nam: Đảng đã giao cho Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài nhiệm vụ rất quan trọng, đã ghi rõ trong Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị. Đó là: “Công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài cần phải thể hiện đầy đủ truyền thống đại đoàn kết của toàn dân tộc”. Đối tượng của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài là toàn thể 4,5 triệu người, không phân biệt ai cả. Có một nhóm người nào đó còn có định kiến, có ý kiến trái ngược với lợi ích của đất nước nhưng Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài vẫn coi số bà con này là đối tượng trong công tác của chúng tôi. Nên chúng tôi có những hoạt động riêng biệt đối với bà con, có những thông tin đầy đủ hơn cho bà con để bà con hiểu. Đặc biệt Nghị quyết 36 nói rất rõ: “Cơ sở của sự đoàn kết là ý thức dân tộc và lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc. Mục tiêu chung của người Việt Nam là giữ vững nền độc lập dân tộc thống nhất Tổ quốc, làm cho dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Đây là giá trị mà bất kỳ người dân Việt Nam nào cũng cần phải chia sẻ. Vậy tại sao lại có những người đi ngược lại lợi ích, giá trị chung của dân tộc như vậy? Tôi cho rằng Nghị quyết 36 rất đúng đắn. Và chúng ta phải thông tin để bà con thấy rõ hơn nữa về sự đúng đắn của chính sách này. Đảng và Chính phủ cũng đang thực hiện những nguyên tắc xóa bỏ mặc cảm, định kiến và xây dựng tinh thần cởi mở, tôn trọng, thông cảm, tin cậy lẫn nhau cùng hướng tới tương lai. Mặc dù bà con có thể còn có một số ý kiến nhưng chúng ta tin rằng sẽ đến một lúc bà con sẽ nhận ra. Vừa rồi đã có những nhân vật nổi tiếng, những nhân sĩ, trí thức, nhà khoa học lớn hoặc những nhà hoạt động chính trị của chính quyền miền nam cộng hòa cũ đã trở về đất nước. Chúng ta đã chứng kiến những giọt nước mắt rất xúc động. Hi vọng sẽ ngày càng có nhiều người Việt trở về với quê hương và suy nghĩ của bà con trước khi về còn chưa đúng thì khi về thì bà con sẽ có những cảm nhận về nhịp sống của đất nước để từ đó bà con sẽ có những thay đổi theo hướng tốt lên.

Phóng viên: Xin cảm ơn Thứ trưởng./.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác