Kỷ niệm về chuyến trao quà tặng các chiến sĩ Trường Sa và nhà giàn DK1

(VOV5) - Đối với anh Phạm Hải Chiến, Chủ tịch Hội sinh viên Việt Nam tại Hàn Quốc, chuyến hải trình Trường Sa và nhà giàn DK1 năm 2016 đong đầy cảm xúc.


Phóng viên VOV5 phỏng vấn anh Phạm Hải Chiến về những xúc cảm của anh khi trao những món quà đầy nghĩa tình của cộng đồng người Việt tại Hàn Quốc cho cán bộ, chiến sĩ hải quân trong chuyến thăm Trường Sa. 

Kỷ niệm về chuyến trao quà tặng các chiến sĩ Trường Sa và nhà giàn DK1 - ảnh 1
Anh Phạm Hải Chiến, bìa phải, tại cột mốc chủ quyền đảo Trường Sa.



Nghe âm thanh phỏng vấn tại đây:





Phóng viên: Thưa anh, vừa qua, đoàn kiều bào Hàn Quốc đã tham gia chuyến hải trình Trường Sa và nhà giàn DK1. Thông điệp anh gửi gắm trong hành trình này là gì?

Anh Phạm Hải Chiến: Tôi rất xúc động và tự hào khi được đại diện cho Hội sinh viên Việt Nam tại Hàn Quốc tham gia chuyến hải trình thăm quần đảo Trường Sa 2016. Đây là lần đầu tiên tôi được tận mắt chứng kiến những nỗ lực phi thường của các cán bộ, chiến sĩ tại quần đảo Trường Sa trong việc vượt qua những khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ chắc tay súng bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Chúng tôi đã thành lập Quỹ chủ quyền biển đảo nên chúng tôi rất cần những chuyến đi như thế này. Sau chuyến đi, chúng tôi truyền thông đến cộng đồng Việt Nam tại Hàn Quốc để bà con có thể hiểu rõ hơn sự nỗ lực của Đảng và Nhà nước ta trong việc bảo vệ chủ quyền biển đảo cũng như những nỗ lực của các chiến sĩ hải quân ngày đêm quên mình không quản ngại gian khổ, sẵn sàng hi sinh, thậm chí có những chiến sĩ đã ngã xuống trong thời bình cũng vì mục đích chung là để bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Phóng viên: Được biết, đoàn đại biểu người Việt tại Hàn Quốc đã để lại những ấn tượng đối với các thành viên trong đoàn kiều bào cũng như cán bộ chiến sĩ hải quân trong việc mang món quà tinh thần và vật chất đến cho các chiến sĩ ngoài đảo xa?

Anh Phạm Hải Chiến: Có một sự may mắn đối với đoàn người Việt tại Hàn Quốc là đoàn người Việt Nam tại Hàn Quốc đi Trường Sa có 6 người trong đó có anh Trần Hải Linh và Nguyễn Trung Kiên là những người đã tham gia đoàn thăm Trường Sa năm ngoái. Qua chuyến đi thực tế năm ngoái, họ đã nhận thấy được nhu cầu còn thiếu của các chiến sĩ ngoài đảo xa. Đó chính là cơ sở để chúng tôi kêu gọi cộng đồng người Việt ở Hàn Quốc đóng góp vào những dự án thiết thực của Quỹ chủ quyền biển đảo Việt Nam để đưa các thiết bị giúp đỡ các chiến sĩ như: máy hút chuyển đổi độ ẩm thành nước ngọt; máy phát điện dùng năng lượng mặt trời; hệ thống giàn rau thủy canh. Qua sự phản hồi bằng những ánh mắt, nụ cười, những lời cám ơn của các chiến sĩ khi nhận được các món quà của cộng đồng người Việt Nam tại Hàn Quốc, chúng tôi nhận thấy những sản phẩm chúng tôi đem ra Trường Sa lần này có tính thiết thực cao. Chúng tôi cũng hiểu rằng chúng tôi cần nỗ lực hơn nữa. Bởi vì sản phẩm của chúng tôi mang ra Trường Sa lần này chỉ đến được một số đảo nhất định được cho là khó khăn nhất. Vẫn còn đó nhiều đảo chìm và nhà giàn còn gặp vô vàn khó khăn. Hi vọng trong những chuyến đi vào các năm tới, chúng tôi sẽ tiếp tục đưa ra những sản phẩm thiết thực hơn, tối ưu hóa sản phẩm của mình hơn để làm sao ngày càng có nhiều sản phẩm hữu ích, thiết thực nhất đến các chiến sĩ Trường Sa và nhà giàn DK1.

Phóng viên: Anh có thể kể lại đôi chút về kỷ niệm trao quà ở nhà giàn Dk1/17, nơi được cho là rất vất vả mới đưa được các thiết bị trao tặng lên nhà giàn?

Anh Phạm Hải Chiến: Chúng tôi có một số áp lực. Đó là ba ngày trước khi đến nhà giàn DK1/17, chúng tôi thấy một đàn cá heo bơi lội trên biển. Qua kinh nghiệm của các thủy thủ trên tàu, khi cá heo xuất hiện trên biển có khả năng hai, ba ngày sắp tới sẽ biển động. Chúng tôi rất lo lắng. Bởi nhiệm vụ của chúng tôi là trao thiết bị tặng cho nhà giàn DK1/17. Trong chuyến hải trình năm 2015, anh Trần Hải Linh và anh Nguyễn Trung Kiên không có cơ hội được lên nhà giàn do biển động. Nếu trong trường hợp chúng tôi không trao được quà cho nhà giàn thì quả là xót xa. Chúng tôi đã gặp áp lực bởi nhà giàn là điểm cuối cùng trong chuyến hành trình này. Nếu nhà giàn không phải điểm cuối cùng thì chúng tôi còn có cơ hội trao quà cho đảo tiếp theo. Việc đưa thiết bị lên nhà giàn gặp rất nhiều khó khăn do sóng lớn. Xuồng chuyển tải của tàu khi tới nhà giàn đã phải quay trở lại tàu để lấy dụng cụ hỗ trợ thì mới có thể đưa được toàn bộ thiết bị lên nhà giàn. Sau khi đưa được các thiết bị lên nhà giàn, tuy mệt nhưng chúng tôi cảm thấy thật sự nhẹ nhõm và phấn chấn, mọi áp lực của vài ngày trước đó đã tan biến. Chúng tôi đã được đón nhận những tình cảm của các chiến sĩ và chúng tôi thấy được niềm vui, sự phấn khởi, sự xúc động của các chiến sĩ nhà giàn khi nhận được các thiết bị của chúng tôi.

Phóng viên: Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện này.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác