Mong muốn đem tiếng nói về chủ quyền biển đảo Việt Nam đến đông đảo bạn bè Hàn Quốc và quốc tế

(VOV5) -  Người Việt Nam tại Hàn Quốc tặng các phần quà có giá trị cho các cán bộ, chiến sĩ trên quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK1 với tổng trị giá là 30 triệu won, tương đương 28.000 USD. 


Sau chuyến thăm Trường Sa lần đầu tiên năm 2015, Trần Hải Linh, Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Hàn Quốc cùng một số thành viên đã thành lập quỹ Vì chủ quyền biển đảo Việt Nam. Năm nay, trở lại Trường Sa, anh Trần Hải Linh cùng đoàn người Việt tại Hàn Quốc mang theo nhiều quà tặng có ý nghĩa của quỹ Vì chủ quyền biển đảo Việt Nam gửi tặng các chiến sĩ Trường Sa. Trả lời phỏng vấn của phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam, anh Trần Hải Linh thông tin về những món quà nghĩa tình này cũng như những hiệu quả của việc tuyên truyền về chủ quyền biển đảo của Tổ quốc của Hội người Việt Nam tại Hàn Quốc. 


Mong muốn đem tiếng nói về chủ quyền biển đảo Việt Nam đến đông đảo bạn bè Hàn Quốc và quốc tế  - ảnh 1
Anh Trần Hải Linh, Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Hàn Quốc, trong chuyến thăm Trường Sa năm 2016



Nghe âm thanh phỏng vấn tại đây: 


 



Phóng viên: Thưa anh, được biết, ra Trường Sa năm nay, đoàn người Việt tại Hàn Quốc đã mang theo nhiều món quà để tặng cho các cán bộ, chiến sĩ trên quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK1 với tổng trị giá là 30 triệu won, tương đương 28.000 USD. Anh cho biết cụ thể về những món quà này?


Trần Hải Linh: Tôi đã đi thăm Trường Sa và nhà giàn DK1 vào năm 2015. Sau khi trở lại đất liền, chúng tôi suy nghĩ làm thế nào để ứng dụng những kiến thức chuyên môn của mình cũng như sự phát triển công nghệ để đáp ứng và nâng cao đời sống của cán bộ, chiến sĩ tại trường Sa và nhà giàn DK1. Chúng tôi thấy có một số vấn đề có thể áp dụng được. Đó là vấn đề hỗ trợ về nước ngọt và rau xanh là hai vấn đề chúng tôi quan tâm nhất.


Sau khi về Hàn Quốc, bàn bạc ý tưởng, cùng với một số bạn bè Hàn Quốc nghiên cứu một máy hút chuyển độ ẩm không khí thành nước ngọt. Đây là một thành tựu khoa học công nghệ mới chưa từng được áp dụng tại Việt Nam. Và chúng tôi mang sản phẩm này về Việt Nam, và điểm đầu tiên chúng tôi mang tới là Trường Sa. Lần này dự án mang ba máy chuyển độ ẩm không khí thành nước ngọt, ba máy phát điện năng lượng mặt trời với mục đích hỗ trợ máy chuyển độ ẩm không khí thành nước ngọt đó và một số hoạt động sinh hoạt khác.


Chúng tôi còn mang mô hình giàn rau trồng thủy canh và những giàn rau trồng đất để tìm ra những cách nuôi trồng hợp lý để phục vụ thêm nhu cầu rau xanh cho các chiến sĩ Trường Sa. Ngoài ra, để thử nghiệm nuôi trồng những giàn rau có đặc tính chịu mặn, chịu nhiệt tốt ở Hàn Quốc, chúng tôi đã mang những loại giống rau đó mang ra Trường Sa để cải thiện đời sống của cán bộ, chiến sĩ ở Trường Sa. 


Phóng viên: Với một kiều bào hai lần ra thăm Trường  Sa, sau hải trình trở về, những suy nghĩ trong anh về chủ quyền biển đảo của Tổ quốc đã cụ thể và rõ ràng hơn, phải không, thưa anh?


Trần Hải Linh:
Trước khi đến Trường Sa, chúng tôi chưa hiểu nhiều về chủ quyền biển đảo của Việt Nam. Năm 2015, được ra Trường Sa, chúng tôi được hiểu rõ hơn về hoạt động, sinh sống, chủ quyền của biển đảo Việt Nam. Khi trở về, chúng tôi tiến hành đưa những thông tin chính xác nhất về chủ quyền biển đảo Việt Nam đến cộng đồng người Việt Nam tại Hàn Quốc cũng như bạn bè quốc tế. Chúng tôi mong muốn đem tiếng nói của mình về chủ quyền biển đảo Việt Nam
đến rộng rãi hơn với bạn bè quốc tế để bạn bè quốc tế ủng hộ việc bảo vệ chủ quyền của Việt Nam. 


Phóng viên:
Thưa anh, Hội người Việt Nam tại Hàn Quốc đã tổ chức các hoạt động tuyên truyền về biển đảo Việt Nam tới bạn bè quốc tế bằng những phương thức nào?


Trần Hải Linh:
Sau chuyến đi thăm Trường Sa năm 2015, chúng tôi tổ chức các cuộc triển lãm tranh ở nhiều vùng miền ở Hàn Quốc như ở thành phố Busan, Quang ju, Dae jeon. Chúng tôi có các buổi triển lãm tranh về chủ quyền biển đảo Việt Nam cũng như đưa các thông tin về hoạt động bành chướng của Trung Quốc đối với các hoạt động tại khu vực Biển Đông làm ảnh hưởng đến an ninh an toàn hàng hải, hàng không cũng như an ninh trong khu vực. Chúng tôi đưa những thông tin đó một cách chính xác nhất đến với bạn bè quốc tế. 


Năm 2015, chúng tôi cũng tham gia một hội thảo quốc tế tại Busan có nhiều giáo sư đầu ngành trên cách lĩnh vực về luật pháp quốc tế, luật pháp về biển. Trong buổi hội thảo đó, các tham luận đều nêu bật ý nghĩa của công ước luật biển của Liên hợp quốc cũng như các tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông mà Trung Quốc là một bên tham gia. Do đó, chúng tôi muốn đưa thông tin một cách rõ ràng nhất để cho quốc tế được hiểu rõ ràng hơn về vấn đề hiện nay ở Biển Đông và Việt Nam là một nước có chủ quyền rõ ràng ở đó.


Phóng viên:
Xin cảm ơn anh.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác