Ông David Ngô, Việt kiều ở Mỹ: "Hãy để chúng tôi hành động!"

(VOV5) - Ông David Ngô, kiều bào Mỹ, một chuyên gia về công nghệ thông tin, hiện là thành viên của dự án Saigon Silicon City. Dự án xây dựng và phát triển khu Sài Gòn Silicon City do công ty Cổ phần Công viên Sài Gòn Silicon City đầu tư, được xây dựng trên diện tích 52 hecta tại khu Công nghệ cao Thành phố. Dự án này nhằm thu hút các doanh nghiệp là người Việt Nam ở nước ngoài, doanh nghiệp nước ngoài hoạt động trong lĩnh vực công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao tại TPHCM. Phóng viên VOV5 phỏng vấn ông David Ngô về dự án này, cũng như những đề xuất để phát triển một Chính phủ điện tử.

Ông David Ngô, Việt kiều ở Mỹ:
Ông David Ngô

Nghe âm thanh phỏng vấn tại đây:



PV: Thưa ông, Dự án Saigon Silicon City được kỳ vọng sẽ là nơi tập hợp các nhà đầu tư lớn trên thế giới. Hiện nay dự án này đang được triển khai ra sao?

Ông David Ngô: Hiện tại chúng tôi đang gấp rút xây dựng một khu rộng 52ha, Saigon Silicon City. Chúng tôi rất kỳ vọng vào khu này vì đây sẽ là một cầu nối trung gian giữa các Việt kiều ở thung lũng Silicon Valley ở Mỹ và Việt Nam đầu tư vào khu công nghệ cao, và chọn Saigon Silicon City là điểm đến, là nơi để cống hiến, trải nghiệm và tận dụng kinh nghiệm của mình ở Mỹ để làm ra các sản phẩm Made in Vietnam.

PV: Thưa ông, thời gian gần đây Chính phủ đã có những chủ trương lớn đối với việc áp dụng công nghệ thông tin vào hành chính công, ví dụ như việc thực hiện thí điểm cấp visa điện tử cho người nước ngoài khi vào Việt Nam bắt đầu tư ngày 1/1/2017. Đối với những người làm trong ngành công nghệ thông tin như ông, thì chắc hẳn đây là một động thái tích cực?!

Ông David Ngô: Đây là 1 tín hiệu rất mừng vì nó là nền tảng của chính phủ điện tử trong hiện tại và tương lai. Nó cũng là nền tảng để phát triển Thành phố thông minh. Bởi vì chúng ta xây dựng được một nền tảng của hệ thống điện tử, dựa vào việc giúp cho người dân có cơ hội tiếp cận sớm với hệ cơ sở dữ liệu mở của chính quyền thành phố. Đó cũng là sự giao tiếp của Chính phủ với người dân một cách minh bạch, rõ ràng và nhanh chóng dựa trên nền tảng công nghệ thông tin.

PV: Cũng liên quan tới điều ông vừa nói tới, đó là sự minh bạc, rõ ràng, thì gần đây Chính phủ Việt Nam đã đẩy mạnh công tác phòng chống tham nhũng. Và chắc hẳn ông cũng có thể nhận thấy qua các phương tiện thông tin đại chúng là công tác này được đánh giá là đã được thực hiện quyết liệt nhất từ trước đến nay…

Ông David Ngô: Theo tôi, việc phòng chống tham nhũng mà Chính phủ và Lãnh đạo Thành phố và người dân quyết liệt tham gia, điều đó rất tốt cho một đất nước phát triển. Tuy nhiên sẽ tốt hơn nếu chúng ta xây dựng một chính phủ điện tử mà ở đó hệ cơ sở dữ liệu giữa các ban ngành của Chính phủ và người dân minh bạch và rõ ràng, thì lúc đó người dân sẽ tham gia tích cực trong việc đóng góp, xây dựng và biết được rõ hơn trên nền tảng hệ cơ sở dữ liệu đã rõ ràng như vậy. Sự rõ ràng đó cũng sẽ làm khó cho những kẻ có mưu đồ về tham nhũng. Đó cũng là điểm mà tôi nghĩ rằng Thành phố cũng như Trung ương cần quyết liệt xây dựng. Mà một trong những việc xây dựng là cần phải nhanh chóng xây dựng hệ cơ sở dữ liệu mở trên nền tảng chính phủ điện tử, đi kèm là xây dựng thành phố thông minh.

PV: Về vấn đề xây dựng thành phố thông minh, theo ông chúng ta sẽ đi theo hướng nào, và ông có thể chia sẻ một chút những việc ông đang làm, liên quan đến vấn đề này?

Ông David Ngô: Hiện tại chúng tôi đang làm 3 việc. Thứ nhất, chúng tôi đang làm các dự án liên quan tới IOT, nghĩa là liên quan tới các thiết bị phần cứng dựa trên chip của Intel và chip của người Việt. Chúng tôi đang làm dưới 2 cơ chế là làm từ A đến Z cho chính mình và cơ chế thứ hai là gia công cho các đối tác bên Mỹ. Việc thứ hai là chúng tôi đang xây dựng 1 nền tảng phần mềm để triển khai Chính phủ điện tử sắp tới, mà hiện đang tét trước mắt cho hệ thống wifi công cộng tại phố đi bộ Nguyễn Huệ và xung quanh quận 1. Việc thứ 3 là chúng tôi làm cầu nối trung gian giữa các nhân tài Việt Nam với các bạn trẻ trong nước, các sinh viên trong nước để phục vụ cho hệ sinh thái khởi nghiệp và tạo môi trường cho sinh viên Việt Nam chúng ta có cơ hội đi ra nước ngoài để thực tập. Nếu chỉ thực tập ở trong nước thì sẽ ít có cơ hội để cập nhật công nghệ mới. Trong khi đó hơn 4 triệu người Việt Nam ở nước ngoài, trong đó hơn 400 doanh nghiệp Việt kiều đã có những hãng xưởng hoạt động trong lĩnh vực công nghệ cao, vậy tại sao chúng ta không tận dụng những hãng xưởng đó, đặc biệt là ở Silicon Valley để đưa sinh viên của chúng ta qua đó thực tập?! Có như vậy thì các em khi trở về Việt Nam các em sẽ đóng góp cho chuỗi cung ứng về lao động, và lúc đó chúng ta sẽ dần khắc phục được việc thiếu đội ngũ lành nghề chuyên nghiệp trong lĩnh vực công nghệ cao mà các Tập đoàn lớn như Intel, Samsung bấy lâu nay thường đòi hỏi.

PV: Và một điều gì đó, như là một mong muốn, hay một ý kiến đề xuất để sự trở về của các trí thức kiều bào có ý nghĩa hơn, hiệu quả hơn?

Ông David Ngô: Nếu cho tôi đề xuất 1 kiến nghị với lãnh đạo Thành phố, tôi sẽ nói với họ rằng, hãy để chúng tôi hành động bằng những kinh nghiệm, bằng sự học hỏi mà chúng tôi đã học từ các nước phát triển trên thế giới, đặc biệt là từ Mỹ. Từ những vấn đề như ngập lụt, tắc nghẽn giao thông hay xây dựng thành phố thông minh… chúng tôi đều có kinh nghiệm. Chỉ cần tạo cho chúng tôi những cơ hội, hành lang pháp lý thuận lợi, thủ tục hành chính thuận lợi, thì chúng tôi sẽ hành động. Chính phủ và lãnh đạo thành phố hỗ trợ tốt về mặt chủ trương, có thể không cần đầu tư về kinh phí, nhưng chúng tôi sẽ huy động từ nguồn lực của các anh em Việt kiều hay của các tổ chức ngân hàng trên thế giới mà có yếu tố người Việt để giúp đỡ cho thành phố.

PV: Xin cảm ơn ông.
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác