"TP.HCM không bao giờ để mình phải trả giá cho việc phát triển kinh tế để ảnh hưởng đến môi trường"

(VOV5) - Là một thành phố năng động, hiện đại với tốc độ phát triển kinh tế dẫn đầu cả nước, thành phố Hồ Chí Minh càng cần chú trọng hơn nữa trong công tác bảo vệ môi trường. Ông Nguyễn Đình Sáng, Trưởng ban Phong trào, Ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP. HCM trả lời phỏng vấn của phóng viên Đài TNVN.

Nghe âm thanh tại đây:


Ông Nguyễn Đình Sáng, trưởng ban phong trào, Ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố Hồ Chí Minh


Phóng viên:
Trong thời gian vừa qua, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố Hồ Chí Minh cụ thể đã có những hoạt động gì để đóng góp trong công tác bảo vệ môi trường của thành phố?

Ông Nguyễn Đình Sáng: Thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai bảo vệ môi trường với ngành tài nguyên môi trường cũng lâu rồi, nhưng đặc biệt trong giai đoạn 2012 – 2016, theo chương trình của trung ương, mặt trận tổ chức thẳng xuống địa bàn dân cư và người dân tham gia rất tích cực trong chương trình này. Có nghĩa là người dân nhìn thấy chỗ nào có rác, người dân rất chủ động, tự động làm. Người dân tích cực đưa hoạt động này vào môi trường sống của mình. Lúc đầu họ cho rằng ai làm gì thì làm, mình sao cũng được nhưng sau chương trình này người dân có ý thức 3 việc cùng một lúc, một là họ gián tiếp thực hiện biến đổi khí hậu, thứ hai họ trực tiếp bảo vệ tài nguyên trên địa bàn của họ, hiện nay nhiều nhất là nước ngầm. Và thứ ba họ trực tiếp bảo vệ môi trường bằng cách thu dọn rác và giữ cho môi trường sống của mình tốt hơn. Hiện nay thành phố có các chương trình, căn cứ vào chương trình hành động số 34 thành ủy thành phố Hồ Chí Minh. Chương trình đặt mục tiêu là: một là giúp cho người dân chủ động ứng phó biến đổi khí hậu, hai là giúp cho người dân bảo vệ môi trường, ba là giúp cho người dân bảo vệ tài nguyên, hiện nay có lúc người dân chỉ hiểu được là bảo vệ môi trường thôi. Còn bây giờ họ hiểu cả ba nội dung này. Cho nên đây là việc mà kết quả của một giai đoạn tương đối dài phối hợp liên tục giữa Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Sở Tài nguyên Môi trường và đội ngũ tuyên truyền viên làm rất tích cực, rất mạnh việc này.

Phóng viên: Thành phố Hồ Chí Minh luôn dẫn đầu cả nước về phát triển kinh tế, chiếm 1/5 GDP của cả nước. Vậy song song với phát triển kinh tế, thành phố gặp khó khăn gì trong việc bảo vệ môi trường

Ông Nguyễn Đình Sáng: Thông thường chúng ta sẽ có một thực tế là, chúng ta hay dùng từ “trả giá”. Thực ra thành phố Hồ Chí Minh không bao giờ để cho mình phải trả giá trong việc phát triển kinh tế để ảnh hưởng đến môi trường. Cụ thể trong phát biểu của đồng chí Bí thư trong các chương trình liên tục: trước hết thành phố đưa các loại hình sản xuất gây ô nhiễm môi trường ra các khu vực bên ngoài. Thứ hai là chuyển, gom hết toàn bộ để xử lý chất thải. Ví dụ chất thải, nước thải xử lý được.  Thứ ba thành phố cũng có chủ trương hỗ trợ giúp các cơ sở chuyển đổi và trang bị các loại kĩ thuật mới để giảm ô nhiễm môi trường ngay trong cộng đồng dân cư của các doanh nghiệp lớn. Trong quá trình phát triển thành phố có hướng giảm dần những ô nhiễm, chứ không phải chúng ta bằng mọi giá sản xuất rồi đảm bảo GDP của thành phố cao lên bất chấp tất cả về môi trường. Mặt trận tiếp nhận chương trình hành động số 34 của thành ủy về bảo vệ môi trường. Thành ủy đã đặt ra ba nhiệm vụ lớn. Phía mặt trận chúng tôi tập trung vào hoạt động của cộng đồng dân cư. Chúng tôi cũng đề nghị người dân tham gia giám sát các doanh nghiệp họ có xả thải bừa bãi hay không để báo cáo lại cho cơ quan chức năng, thông tin lại cho mặt trận để Mặt trận có ý kiến tại các kỳ họp của Hội đồng Nhân dân. Hội đồng Nhân dân có ý kiến để các cơ sở cùng thành phố bảo vệ môi trường.

Phóng viên: Giai đoạn 2016 – 2020, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố Hồ Chí Minh sẽ làm gì để phát huy hơn nữa công tác bảo vệ môi trường?

Ông Nguyễn Đình Sáng: Thực ra cái lớn nhất để Mặt trận thực hiện là tuyên truyền. Lúc nào Mặt trận cũng phải nói, nói đúng lúc, đúng nơi. Bên cạnh nói là làm. Có những người tình nguyện, làm gương, họ trực tiếp làm nhiệm vụ bảo vệ môi trường. Hiện nay về phía Mặt trận, chương trình sắp tới, giai đoạn 2016 – 2020, Mặt trận đặt ra một số mục tiêu, trong đó có một vấn đề lớn là xây dựng khu dân cư, thực hiện hài hòa giữa giảm nghèo bền vững và bảo vệ môi trường. Như vậy thành phố sẽ tập trung cho mô hình này, đồng thời hiện nay thành phố có 2 mô hình nữa, một là mô hình khu dân cư thân thiện với môi trường, hai là khu dân cư không rác, có nghĩa là khu dân cư không để xảy ra rác trong địa bàn, hiện nay thành phố đang tập trung. Ban Mặt trận tổ quốc ký với Sở tài nguyên Môi trường, có chính quyền là chủ tịch Ủy ban thành phố đứng ra chứng kiến và các ngành, từ đó phòng tài nguyên môi trường ký với các quận huyện, có mặt trận thành phố và Sở tài nguyên – Môi trường đứng ra chứng kiến. Bây giờ chương trình rất tốt và tôi tin rằng là sau chương trình phối hợp giai đoạn mới từ 2016 -2020, thành phố sẽ tiếp tục phát huy và nhiệm vụ lớn nhất của thành phố là tuyên truyền thông tin bảo vệ môi trường đến 1990 khu dân cư để người dân biết và thực hiện.

Phóng viên: Vâng, xin chân thành cảm ơn ông!

Phản hồi

Các tin/bài khác