Tạo sân chơi lý thú để việc dạy tiếng Việt đạt hiệu quả cao

(VOV5) - “Việc dạy và học tiếng Việt được chính quyền Đài Loan, Trung Quốc rất khuyến khích và cổ vũ” – đó là nhận định của Ngọc Hiền và Huyền Trang, những giáo viên đang giảng dạy tiếng Việt tại đây. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng vẫn còn có những khó khăn cố hữu, như tài liệu giảng dạy, phương pháp sư phạm, v.v… Vậy làm thế nào để các buổi lên lớp thực sự thu hút học viên tham gia và việc dạy học đạt kết quả tốt? Đây chính là nội dung trao đổi giữa phóng viên VOV5 với Ngọc Hiền và Huyền Trang.

Tạo sân chơi lý thú để việc dạy tiếng Việt đạt hiệu quả cao - ảnh 1
Huyền Trang (bên trái) và Ngọc Hiền trong dịp về Việt Nam tham dự khóa tập huấn giảng dạy tiếng Việt cho giáo viên người Việt Nam ở nước ngoài

Nghe nội dung phóng vấn tại đây:



PV: Các chị có thể giới thiệu đôi nét về công việc dạy tiếng Việt hiện tại?

Huyền Trang: Hiện giờ tôi dạy chủ yếu là tiểu học, cả các cháu có bố mẹ là người Việt, người Đài Loan, Trung quốc, tất cả đều học chung một lớp. Trường nào có nhu cầu học tiếng Việt thì tôi đến dạy. Bên cạnh việc tiếng Việt, tôi cũng dạy cho các hát múa các bài hát tiếng Việt, các điệu múa truyền thống, các cháu rất vui.

PV: Cảm ơn Huyền Trang. Còn chị Hiền, đối tượng dạy tiếng Việt của chị như thế nào?

Ngọc Hiền: Tôi dạy ở cấp 1, cấp 2 và cấp 3. Hiện nay ở Đài Loan đang khuyến khích học tiếng Việt như ngoại ngữ thứ hai, đưa tiếng Việt vào cấp 3 nên tôi đã dạy cấp 3 từ 1 năm nay. Có nhiều học sinh người Đài Loan chọn học tiếng Việt.

PV: Theo các chị, việc dạy và học tiếng Việt ở Đài Loan có những thuận lợi và khó khăn như thế nào? Mời chị Hiền!

Ngọc Hiền: Ở Đài Loan, cái thuận lợi là chính quyền Đài Loan rất cổ vũ và động viên giáo viên Việt Nam dạy tiếng Việt, có nhiều trợ giúp và phúc lợi cho giáo viên. Bên cạnh đó kêu gọi mọi người học tiếng mẹ đẻ, rồi phát động phong trào đa văn hóa. Đó là những thuận lợi để tiếng Việt phát triển. Còn về khó khăn, tiếng Việt rất phong phú, các cô giáo lại đến từ nhiều miền, nhiều vùng nên khi dạy cho các em có những khó khăn về phát âm, hay giọng địa phương không đồng nhất làm cho các em cảm thấy khó khăn khi học.

PV: Còn chị Huyền Trang, chị có bổ sung gì không?

Huyền Trang: Những khó khăn theo tôi, các cháu khác nhau về lứa tuổi cũng như trình độ, có cháu không nói được chút nào nhưng cũng có những cháu nói được nhiều. Vì thế chúng tôi phải tự biên soạn giáo án, rất khó. Bên cạnh đó có nhiều thuận lợi vì chính quyền Đài Loan rất ủng hộ các giáo viên người Việt mình dạy bên đó và phát động nhiều phong trào để tuyên truyền văn hóa của Việt Nam. Bên đó cũng thường xuyên có Trại hè, tại đây các cháu múa hát, rồi tổ chức các ngày lễ Tết của Việt Nam.

PV: Như chị vừa chia sẻ, một trong những khó khăn của giáo viên tiếng Việt ở Đài Loan nói riêng cũng như các nước khác, là làm sao để tài liệu dạy học được thống nhất. Các chị đã giải quyết vấn đề này thế nào?

Huyền Trang: Chúng tôi thường soạn giáo án cho trình độ trung bình. Có những em biết nhiều rồi thì vào học dễ thấy chán, khi đó mình lại tổ chức các hoạt động để các cháu vừa học vừa chơi để các cháu thấy vui. Cô giáo phải năng động, tổ chức các trò chơi liên quan đến văn hóa Việt Nam.

PV: Còn chị Hiền, chị có bí quyết gì để làm cho học sinh gần gũi hơn với tiếng Việt, muốn học tiếng Việt và học hiệu quả hơn?

Ngọc Hiền: Qua kinh nghiệm giảng dạy tiếng Việt nhiều cấp học, tôi thấy trường tiểu học các cháu thích vừa học vừa chơi. Tiếng Việt là 1 ngoại ngữ khó học, nên các cháu năm đầu tiên không học nhiều ngữ pháp mà chỉ cốt sao hiểu được, nói được, cho nên giáo án phải soạn theo trình độ của học sinh, và cho vừa học vừa chơi. Còn đối với học sinh cấp 2, cấp 3 hay dạy cho người lớn, thì bên cạnh việc học tiếng, người ta cũng thích tìm hiểu về văn hóa, lịch sử của Việt Nam. Vì vậy, mình phải thiết kế một số chương trình để giới thiệu về văn hóa VN, hoặc qua các câu chuyện cổ tích VN, học viên rất thích học.

PV: Bên cạnh việc dạy tiếng Việt, các chị có tham gia các hoạt động cộng đồng ở Đài Loan?

Huyền Trang: Lúc đầu chưa dạy tiếng Việt, chúng tôi vào các trường tiểu học để tiếp cận các em, tuyên truyền về nét đẹp của nền văn hóa VN, từ đó các em hiểu và tôn trọng Việt Nam hơn. Chúng tôi cũng tham gia nhiều hội đoàn, có hội chuyên giúp đỡ các cô dâu người nước ngoài, hoặc tham gia các hoạt động liên quan đến văn hóa và phong tục tập quán của các nước. Tôi cũng có tham gia hội Việt kiều Đài Loan, giúp đỡ các cô dâu Việt gặp khó khăn về pháp lý hay các vấn đề trong cuộc sống. Chúng tôi cũng giúp các em mới sang chưa biết tiếng Trung… Rồi chúng tôi tổ chức các cuộc thi kể chuuyện tiếng Việt, hát tiếng Việt, hay nấu các món ăn Việt…

Ngọc Hiền: Tôi cũng tham gia vào các Hội như Hội Việt kiều, Hội phụ nữ…, và cũng làm một số công việc từ thiện mà Hội phát động. Chúng tôi cũng tổ chức các buổi học miễn phí về vi tính, ngoại ngữ, và nhiều môn khác. Lúc đầu đi dạy tôi cũng coi như 1 công tác tự nguyện, đi đến các trường học hay Ttung tâm xin dạy miễn phí. Sau này mới có lương. Mới bắt đầu cũng cực khỏ, không có tiền, nhưng vì yêu tiếng Việt nên tôi rất mong muốn truyền bá văn hóa và tiếng Việt của mình cho mọi người.

PV: Xin cảm ơn hai chị./.
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác